Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐảo Tri Tôn: thêm một nỗi lo

Đảo Tri Tôn: thêm một nỗi lo

Báo chí quốc tế đưa tin Trung Quốc đang hoàn thiện hạ tầng để triển khai hệ thống radar trên đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Một lần nữa, Việt Nam lên tiếng phản đối.

Đảo Tri Tôn do vệ tinh của Viện nghiên cứu Hoàng gia Anh chụp tháng 10.2024

Hà Nội đưa ra phản ứng tại cuộc họp báo quốc tế thường kỳ, chiều ngày 31/10 vừa qua. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt nói: “Việt Nam hết sức quan ngại về thông tin này. Việt Nam mạnh mẽ phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Việt Nam bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982”.

Thật tình, những lời lẽ ấy, dư luận quen lắm rồi. Đến cả những cái tít mà cánh truyền thông “lề phải” của Việt Nam đưa, cũng chẳng khác mấy. Vẻ như việc lặp đi lặp lại những ngôn từ trên từ các phát ngôn viên Hà Nội khiến những bỉnh bút của các tòa soạn lười đi thì phải. Nên không ít trường hợp, nó được “bê” lại gần nguyên y phần đầu…

“Việt Nam phản ứng việc Trung Quốc lập 2 trạm nghiên cứu ở Biển Đông” là tiêu đề cái tin của VOV, một trong những cơ quan truyền thông chủ lực quốc gia, ngày 26/03/2020. Nội dung dẫn lời bà Lê Thu Hằng – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam (khi đó) trả lời câu hỏi của báo chí nước ngoài về việc Trung Quốc vừa thiết lập 2 trạm nghiên cứu trên đá Xu Bi và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Sau gần 5 năm, ngày 31/10/2024, trong bản tin dẫn lời ông phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt về động thái đáng lo ngại mới của Trung Quốc, Tiền phong, một tờ báo đoàn thể lớn, có vị thế đáng kể ở Việt Nam, kiểu giật tít trên lặp lại: “Việt Nam phản ứng về thông tin Trung Quốc sắp thiết lập hệ thống radar ở Hoàng Sa”.

Thực ra, chuyện tít/tiêu đề chỉ là một cách diễn ngôn, chẳng cần quá xét nét, nếu không sai về thông tin. Xét theo tiêu chí đó, báo chí “lề phải” của Hà Nội cơ bản là chuẩn, khi đề cập những vẫn đề liên quan câu chuyện Biển Đông vốn đầy nhạy cảm. Tỷ như cái tin của VOV nêu trên chẳng hạn, có gì sai đâu. Thời điểm đó, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế quan tâm và lo ngại trước việc Bắc Kinh thiết lập 2 trạm nghiên cứu trên đá Xu Bi và đá Chữ Thập, chứ đâu mình Việt Nam là quốc gia bị xâm phạm trực tiếp chủ quyền lên tiếng.

Vì sao? Đơn giản là chẳng ai ngây thơ đến mức tin rằng, 2 trạm nghiên cứu đó chỉ phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học. Thiên hạ hoài nghi rằng: cái tên “trạm nghiên cứu” là trá hình, còn thực chất, nó là cơ sở quân sự, nằm trong kế hoạch quân sự hóa các đá, đảo đang kiểm soát trên Biển Đông của Trung Quốc.

Nếu cần chứng minh thêm để thấy việc Hà Nội nghi ngờ, cảnh giác và phản đối Bắc Kinh xây dựng các “trạm nghiên cứu” ở Xu Bi và đã Chữ Thập là có cơ sở, có thể dẫn thêm việc mà Bắc Kinh đã làm tại đá Chữ Thập.

Đá Chữ Thập là một trong những đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc cưỡng chiếm bất hợp pháp từ sau hải chiến Trường Sa năm 1988. Đây là một trong các đảo có vị trí chiến lược ở Biển Đông về quân sự, đồng thời được dự đoán là rất có tiềm năng về dầu khí và đánh thủy sản…

Từ năm 2014, Trung Quốc đã khẩn trương triển khai xây dựng các công trình hạ tầng, như cảng nước sâu, sân bay có thể tiếp nhận máy bay quân sự và tàu chiến; lắp đặt radar và thiết bị giám sát và hệ thống phòng không, tăng cường khả năng giám sát và kiểm soát khu vực…Thậm chí, Trung Quốc đã điều động quân đội và lực lượng vũ trang bao gồm máy bay chiến đấu và máy bay vận tải đến khu vực này…Bằng cách làm đó, Trung Quốc tăng cường khả năng tác chiến và triển khai lực lượng nhanh chóng trong khu vực trong các trường hợp họ xét thấy cần thiết…

Nghĩa là, những việc làm của Trung Quốc là mang tính hệ thống, nằm trong một kế hoạch bài bản được âm mưu từ trước. Chẳng thể khác, việc hoàn thiện hạ tầng để triển khai hệ thống radar SIAR trên đảo Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) là điều phải đến. Vấn đề chỉ là thời điểm, và đây, chính là thời điểm mà Trung Quốc cho là thích hợp. Trước động thái mới này, mối quan tâm và lo ngại của dư luận tăng lên gấp bội.

Vì sao? Vì hệ thống radar SIAR đã được Trung Quốc lắp đặt căn cứ trên đảo Hải Nam và bãi Xu Bi (của Việt Nam). Nay, thêm hệ thống radar SIAR thiết lập trên đảo Tri Tôn, coi như Trung Quốc đã có một chuỗi radar kéo dài xuyên suốt Biển Đông, tạo thành một vành đai tại Biển Đông, giúp họ kiểm soát gần như hoàn toàn cả mặt biển lẫn vùng trời…

Với việc làm đó, Bắc Kinh không chỉ gây thêm áp lực lên các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia…có tranh chấp chủ quyền trực tiếp trên Biển Đông với Trung Quốc, mà còn thách thức cả Mỹ và các quốc gia ngoài khu vực – những quốc gia lâu nay muốn ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc vì lý do tự do hàng hải cho tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất toàn cầu.

Diễn biến đã vậy, tình hình Biển Đông sắp tới sẽ ra sao? Câu trả lời là: Chắc chắn, chỉ căng thẳng thêm mà thôi!

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới