Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHòa bình cho Trung Đông - câu hỏi nhức nhối

Hòa bình cho Trung Đông – câu hỏi nhức nhối

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã có cuộc họp trong hai ngày 29/10 và 30/10 bàn về tình hình Trung Đông và vấn đề Palestine. Giống như các cuộc họp trước, kết quả thu được không đáng kể. Nguy cơ chiến tranh lan rộng vẫn còn nguyên độ nóng.

Phiên thảo luận mở cấp cao về tình hình Trung Đông và vấn đề Palestine, do ông Ignazio Cassis, Ngoại trưởng Thụy Sỹ chủ trì. Thụy Sĩ là nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 10/2024. Tham dự và phát biểu tại cuộc họp có Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Tiến trình hòa bình Trung Đông, một số Bộ trưởng ngoại giao và đại diện của gần 70 nước thành viên tổ chức đa phương lớn nhất thế giới.

“Tình hình Trung Đông tiếp tục căng thẳng. Xung đột kéo dài. Khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng tại Gaza, cũng như một số điểm nóng khác tại Trung Đông”. Đó là ba nhận xét bi quan tại cuộc họp này. Vì vậy, mối lo gia tăng nguy cơ lan rộng thành chiến tranh khu vực vẫn hiện hữu.

Tháo ngòi nổ cho quả bom Trung Đông phải tiếp tục từ đâu? Đại diện nhiều nước mạnh mẽ yêu cầu Israel dỡ bỏ ngay mọi rào cản đối với các hoạt động nhân đạo, để hoạt động này không bị gián đoạn ở Gaza, Leban và các khu vực khác bị ảnh hưởng bởi chiến sự. Phải bảo đảm an toàn cho nhân viên cứu trợ của Liên hợp quốc. Tất cả các bên liên quan cần nỗ lực cao nhất để đạt được một thỏa thuận về ngừng bắn và thả con tin, nối lại tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.

Đại diện các nước tiếp tục lên án mọi hành động tấn công vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự, xâm phạm chủ quyền của các nước. Có ý kiến nói cụ thể hơn, như không được chỉ trích vô căn cứ và hành động cản trở Tổng Thư ký Liên hợp quốc.

Về lâu dài, tiếng nói từ hội nghị khẩn cầu: Ủng hộ mọi nỗ lực ngoại giao nhằm thực hiện ngừng bắn và hướng tới giải pháp hòa bình lâu dài và công bằng cho xung đột ở Gaza cũng như như toàn khu vực Trung Đông. Trong đó phải dựa trên cơ sở giải pháp hai nhà nước, với việc thành lập Nhà nước Palestine độc lập theo đường biên giới trước năm 1967 và có Đông Jerusalem là thủ đô.

Về tình hình cuộc chiến tại Trung Đông mang nặng tính hận thù, trả đũa, những thông tin được công bố thật sự đáng lo ngại. Xung đột giữa Israel với Hamas ở Dải Gaza và Hezbollah ở Liban vẫn như chảo lửa ngùn ngụt cháy. Đến ngày 2/11 nhiều người vẫn còn mắc kẹt dưới đống đổ nát, sau khi Israel tấn công hai tòa nhà dân cư tại trại tị nạn Jabalia ở Gaza, (ước tính có ít nhất 170 người Palestine ở bên trong). Cuộc tấn công bất ngờ vào tối 1/11 khiến ít nhất 84 người chết. Cũng trong ngày này, Quân đội Israel thông báo, một thành viên cấp cao của lực lượng Hezbollah đã bị bắt trong một cuộc đột kích của hải quân nước này ở thị trấn Batroun, phía bắc Liban. Theo đó, lực lượng đặc nhiệm đã bắt giữ đối tượng và đưa về lãnh thổ Israel, trong một hoạt động được mô tả là một “chiến dịch đặc biệt”.

Dã man hơn, quân đội Israel còn tấn công vào trại tị nạn Nuseirat ở miền trung Gaza bằng pháo binh, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái (UAV). Theo cơ quan y tế Gaza, cuộc xung đột từ ngày 7/10/2023 đến nay đã khiến hơn 43 nghìn người Palestine thiệt mạng. Còn tại Liban hơn một năm qua đã có hơn 2.800 người thiệt mạng và 13.150 người bị thương.

Chiến tranh lan rộng khiến thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel với Hamas và Hezbollah ngày càng xa vời. Hamas không muốn một lệnh ngừng bắn tạm thời mà đòi hỏi, mọi thỏa thuận phải chấm dứt chiến sự ở Gaza và Israel phải rút quân. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đe dọa: Ưu tiên của Jerusalem là thực thi an ninh “bất chấp mọi áp lực và sự kiềm chế”. Vậy là Hamas cùng với Hezbollah vẫn trong trạng thái “nằm ngửa đấm với”.

Trung Đông bế tắc. Trung Đông đau thương tột độ, đói nghèo và chết chóc. Trong khi đó, những tính toán chiến lược đang được quân đội Israel triển khai một cách quyết liệt, rộng khắp khu vực. Liệu Jerusalem có thấy hết những nguy cơ và rủi ro trực chờ? Trong đó, nguy cơ lớn nhất là khả năng xung đột lan rộng tới nhiều mặt trận, khi ấy nước chủ chiến là Israel cũng không thể kiểm soát nổi tình hình.

Hiện Israel vẫn chưa rút chân ra khỏi đầm lầy chiến tranh ở Dải Gaza. Còn tại Liban, cho dù Hezbollah vừa bị tổn thất nặng nề, thậm chí còn được ví như “rắn mất đầu”, nhưng phong trào kháng chiến chống Israel vẫn đang bùng cháy dữ dội. Hezbollah còn tuyên bố tung ra những đòn trả đũa mạnh mẽ nhắm vào không chỉ các địa điểm gần biên giới với Liban mà cả các thành phố lớn, trung tâm kinh tế quan trọng của Israel. Lằn ranh đỏ cuối cùng là một cuộc tấn công quy mô lớn bằng kho tên lửa còn lại từ Hezbollah. Khi ấy sẽ gây tổn thất vô cùng nặng nề.

Không phải là lời đe dọa nữa mà trên thực tế mấy ngày giao tranh trên bộ ở Nam Li Băng vừa qua, Israel cũng đã chịu tổn thất lớn. Hàng chục sĩ quan thiệt mạng cùng trang thiết bị, súng ống các loại bị phá hủy. Thật sự là Israel đang sa lầy ở cả Gaza và Liban. Tel Aviv thừa hiểu, chi phí cho một cuộc chiến là rất lớn, cho dù nền kinh tế có mạnh đến đâu cũng không thể duy trì lâu dài, mặc dù có Mỹ và phương Tây đứng sau.

Tới đây khủng hoảng nhân đạo sẽ nghiêm trọng hơn, nhất là đối với dân thường Palestine. Số liệu của Liên hợp quốc cho hay, một năm qua đã có hơn 30.000 người Palestine thiệt mạng, trong đó khoảng 70% là phụ nữ và trẻ em; hơn 80% dân số Gaza (khoảng 1,9 triệu người) đã phải di dời. Các cơ sở hạ tầng tại Gaza bị tàn phá nặng nề, bao gồm bệnh viện, trường học và hệ thống cung cấp nước sạch. Nạn khan hiếm lương thực, thuốc men và nhiên liệu đang đe dọa sức khỏe và tính mạng của hàng triệu dân lành.

Bạo lực leo thang kéo dài sẽ gây nhiều hệ lụy, trong đó tạo ra thế hệ chiến binh cực đoan mới. Từ đó tiếp tục nuôi dưỡng vòng xoáy thù hận. Một thế hệ tiếp theo sẽ quyết tử chiến đấu chống Israel. Xung đột giữa người định cư Do Thái và người dân Palestine vẫn là vết thương đau đớn, nhức nhối.

Câu trả lời làm thế nào chấm dứt chiến tranh, mang đến hòa bình, thuộc về chính quyền Tel Aviv; thuộc về các thủ lĩnh của các tổ chức kháng chiến Hồi giáo; thuộc về Mỹ và phương Tây. Liên hợp quốc lên án hay khuyến nghị chỉ là những Tuyên bố chính trị, là nêu lên những giải pháp, những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới