“Phán quyết của Tòa Trọng tài mang tính ràng buộc đối với cả Trung Quốc và Philippines,” đại diện Bộ ngoại giao Mỹ khẳng định.
Ngày 12/7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông cáo liên quan tới phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Thông cáođược Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby đăng tải trên trang web của cơ quan này. Dưới đây là nội dung văn kiện:
Phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc mà Tòa Trọng tài đưa ra ngày hôm nay là một đóng góp quan trọng vào mục tiêu chung, hướng tới một giải pháp hòa bình cho các cuộc tranh chấp trên biển Đông.
Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu phán quyết và chưa bình luận về các yếu tố trong vụ việc. Tuy nhiên, một số nguyên tắc quan trọng vốn đã sáng tỏ ngay từ đầu và đáng được khẳng định lại.
Mỹ ủng hộ mạnh mẽ nguyên tắc pháp chế. Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải trên biển Đông một cách hòa bình, bao gồm cả hình thức phân xử qua trọng tài.
Khi gia nhập Công ước về Luật Biển (UNCLOS), các bên đã chấp nhận tiến trình dàn xếp tranh chấp bắt buộc của Công ước để giải quyết vấn đề. Trong phán quyết hôm nay và phán quyết hồi tháng 10 năm ngoái, Tòa Trọng tài đã nhất trí rằng, Philippines đang hành động trong phạm vi quyền hạn của mình, theo Công ước, khi khởi xướng vụ kiện này.
Như đã đề cập tới trong Công ước, phán quyết của Tòa Trọng tài là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc bằng pháp luật đối với cả Trung Quốc và Philippines.
Mỹ hi vọng và kỳ vọng rằng, cả 2 bên sẽ tuân thủ theo đúng nghĩa vụ, bổn phận của mình.
Sau phán quyết quan trọng này, chúng tôi hối thúc các bên liên quan tránh đưa ra những phát ngôn hoặc có hành động gây hấn. Phán quyết này có thể và nên là một cơ hội mới, để nối lại những nỗ lực giải quyết tranh chấp hàng hải một cách hòa bình.
Chúng tôi khuyến khích các bên có liên quan làm rõ những yêu cầu của mình, theo luật pháp quốc tế – như được phản ánh trong Công ước về Luật biển – và phối hợp với nhau để giải quyết các tranh chấp.
Những bước đi này có thể tạo nên cơ sở cho các cuộc thảo luận sâu rộng hơn, hướng tới thu hẹp phạm vi tranh chấp hàng hải, thiết lập các tiêu chuẩn hành xử trong các khu vực tranh chấp, và cuối cùng là giải quyết các tranh chấp mà không viện tới động thái cưỡng chế hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.