Friday, November 22, 2024

Ông Trump…lo?

Sau cuộc chạy đua gây cấn, nhiều diễn biến bất ngờ, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã giành chiến thắng, trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Giờ là lúc giới quan sát kiểm chứng những gì ông Trump đã hứa hẹn.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo ông Trump

Một trong những lời hứa được cử tri Mỹ quan tâm nhất là giải pháp chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine. Trong các chiến dịch tranh cử và phát biểu của mình, ông Trump nhiều lần thể hiện quan điểm ủng hộ việc tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine. Ông đã chỉ trích cách giải quyết của chính quyền của ông Biden; hứa hẹn rằng, nếu ông được bầu lại, ông sẽ nỗ lực để kết thúc cuộc chiến này…

Như biết sự hoài nghi của dư luận, ông Trump nhấn mạnh rằng ông có khả năng thương lượng với cả Nga và Ukraine. Và ông tin rằng có thể đạt được một thỏa thuận để chấm dứt xung đột. Tháng 7-2023, ông nói: “Tôi sẽ nói với Zelensky rằng: ‘Không còn cách nào khác. Anh phải đạt được một thỏa thuận’. Và tôi sẽ nói với Putin rằng: ‘Nếu không đạt được thỏa thuận, chúng tôi sẽ viện trợ nhiều hơn nữa cho Ukraine'”. Thậm chí, ứng cử viên này tự tin thề thốt “sẽ hoàn thành thỏa thuận chỉ trong một ngày”.

Tiến lên cấp độ cao hơn, ngày 27-9- 2024, tại Tháp Trump nằm ở số 721-725 Fifth Avenue giữa đường 56 và 57 ở Midtown Manhattan, Thành phố New York – nơi được dùng làm trụ sở của The Trump Organization – ông Trump tuyên bố trước báo chí: “Tôi có mối quan hệ tốt với ông Zelensky, và tôi có những mối quan hệ tốt đẹp cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tôi nghĩ nếu tôi chiến thắng trong cuộc bầu cử, thì ngay cả khi chưa nắm quyền vẫn có thể tìm ra một giải pháp phù hợp với cả 2 bên. Tôi sẵn sàng làm việc với cả Ukraine lẫn Nga, để giải quyết cuộc xung đột”.

Hiển nhiên, đó là một lời hứa to tát. Nhưng với một vấn đề tày trời như cuộc chiến Ukraine, ai cũng nhận thấy, nó quá chung chung, chẳng thể hiện gì cụ thể về cái gọi là “thỏa thuận”, hay “giải pháp”. Thậm chí, nhiều người còn dẫn ra những lời lẽ về cái gọi là “thân thiết” với hết ông Tập Cận Bình của Trung Quốc, ông Putin của Nga, lại đến ông Kim Jong-un của Triều Tiên, mà ông Trump từng khoe khoang có thể giúp ông xử lý dễ dàng mọi vấn đề phức tạp, đối chứng với thực tế quan hệ của các quốc gia trên với Mỹ, từ đó, khuyến cáo dư luận hãy thận trọng…

Căn cứ vào tính cách của “người đàn ông nguy hiểm nhất thế giới” – cách gọi ông Trump của chính cô cháu ruột Mary L. Trump, người gọi ông Trump là chú (trong cuốn sách “Quá nhiều và chưa bao giờ là đủ: Cách gia đình tôi tạo ra người đàn ông nguy hiểm nhất thế giới” (Too Much and Never Enough: How My Family Created the World’s Most Dangerous Man), không ít nhà quan sát cho rằng: những cam kết nêu trên đó chỉ là sự khoa trương của ông Trump nhằm lấy lòng cử tri Mỹ.

Khoa trương, điều đó là có thể. Nhưng cũng không thể không thừa nhận, ông Trump đã tỏ ra cao thủ một cách ranh mãnh khi đánh đúng vào tâm lý khó chịu của nhiều người dân – cử tri Mỹ đối với việc hàng trăm tỷ USD tiền thuế của họ bị ném vào một cuộc chiến vô vọng ở một xứ sở xa xôi là Ukraine.

Nay thì ít hay nhiều, sự khoa trương đó cũng đã góp phần giúp ông Trump trở lại Nhà trắng một cách vang dội. Và, trong lúc ông Trump còn tràn đầy phấn khích, giới quan sát cho rằng, những giây phút thăng hoa với sự kiện không thể nói là không vĩ đại đó, rồi sẽ mau chóng qua đi, để tới lúc nhân vật sẽ chính thức tiếp quản chiếc ghế tổng thống trong Nhà Trăng vào ngày 20/1/2025 xắn tay vào thực hiện những lời hứa.

Không thể khác, liên quan vấn đề Ukraine, ai cũng đoán ra: viện trợ là “con bài” khả thi nhất cho cái gọi là “giải pháp” của ông Trump nếu thắng cử. “Con bài” đó, như trên đã dẫn, được ông Trump mà cả với cả Kiev và Moscow. Nếu Ukraine không chấp nhận giải pháp của ông Trump, Washington sẽ cắt phéng tất cả. Một khi Ukraine đã ngoan mà nghe lời, chấp nhận giải pháp của ông Trump, Nga không gật, thì, viện trợ sẽ trở lại và cuộc chiến sẽ còn tiếp diễn…

Tuy nhiên vấn đề là giải pháp/lời khuyên của ông Trump là gì? Buộc Ukraine “đổi đất lấy hòa bình” – tức chấp nhận những vùng đất mà Nga đã sát nhập – chăng? Chắc chắn, đó là điều Kiev khó chấp nhận.

Còn Moscow, ông Putin cũng chắc chắn sẽ chẳng thể từ bỏ những Kherson, Zaporizhia, Lugansk, Donetsk mà Nga đã tuyên bố sáp nhập, để đổi lấy việc Ukraine yếu đi do không còn viện trợ của Mỹ và phương Tây.

Nói cách khác, với cả hai bên, lãnh thổ mà họ coi là phải thuộc về mình, là vấn đề có tính nguyên tắc.

Như vậy, tiếng súng ở Ukraine chắc chắn chưa thể dễ dàng chấm dứt sau hàng tuần, hàng tháng, thậm chí hàng năm chứ không phải “trong vòng 24 giờ” khi ông Trump chính thức bước vào Nhà Trắng vào ngày 20/1 của năm sau. Bên cạnh đó, chuyện viện trợ hay không viện trợ cho Ukraine hay đồng minh thân cận nào đó, theo luật pháp Mỹ, còn phụ thuộc Quốc hội. Liên quan thủ tục này, ngay cả khi Đảng Cộng hòa của ông Trump chiếm quyền kiểm soát Thượng Viện và chiếm ưu thế trong Hạ Viện sau cuộc bầu cử ngày 5/11 vừa qua, thì nào đã chắc, việc thông qua một quyết định quan trọng như vậy đã hanh thông.

Cũng cần dẫn thêm lời cảnh báo của Moscow. Ngay khi ông Trump thắng cử, phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã bình luận rằng, nếu nếu đắc cử, ông Trump “sẽ buộc phải tuân thủ mọi quy tắc của hệ thống và sẽ không thể ngăn chặn chiến tranh. Không phải trong một ngày, không phải trong ba ngày và cũng không phải trong ba tháng…Nếu ông Trump cố gắng nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Ukraine, ông ấy có thể đối mặt với tình cảnh giống cựu Tổng thống Mỹ JFK” (hàm ý của ông Medvedev là nhắc lại việc ông Kennedy bị ám sát vào năm 1963, khi tân tổng thống lúc đó chủ trương thúc đẩy chính sách giảm căng thẳng với Liên Xô trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh…)

Cho rằng, ông Trump bắt đầu…lo lắng ngay sau chiến thắng vang dội, là vì lẽ đó.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới