Thursday, November 14, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMầm mống của những cơn bão biển

Mầm mống của những cơn bão biển

Mặc dù mấy tháng qua Philippines có phần mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc, thế nhưng mới đây chính quyền Manila lại có một hành động rất cứng rắn, khiến cho Bắc Kinh tức giận.

Vào ngày thứ sáu, 8/11, Philippines bất ngờ thông qua hai bộ luật nhằm tăng cường các yêu sách chủ quyền biển đảo của nước này, trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc tại Biển Đông khi trùng xuống, lúc gia tăng. Hai bộ luật có tên là: Đạo luật về các Vùng biển (Maritime Zones Act) và Đạo luật đường biển của quần đảo (Archipelagic Sea Lanes Act). Cả hai bộ luật nhằm khẳng định dứt khoát phạm vi lãnh hải của Philippines, cũng như các vùng biển mà nước này có các quyền được quy định trong Công ước quốc tế về Luật biển (UNCLOC-1982).

Không dừng ở đó, các đạo luật mới công bố còn thiết lập các tuyến hàng hải và hàng không để củng cố chủ quyền và các quyền hàng hải theo luật pháp quốc tế. Qua đây, Manila muốn phát đi thông điệp, cam kết vững chắc trong việc bảo vệ quyền khai thác tài nguyên một cách hòa bình trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình.

Tổng thống Marcos Jr. nhấn mạnh: “Người dân Philippines, đặc biệt là các ngư dân của chúng ta, có thể tiếp tục đánh bắt hải sản mà không lo gặp những bất ổn và quấy rối”.

Hai luật vừa được công bố đã thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu, nhất là các nước trong khu vực có tranh chấp trên Biển Đông. Câu hỏi đầu tiên là, liệu các văn bản luật này sẽ được thực thi ra sao; chúng có tác động đến hoạt động của Trung Quốc tại Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines hay không? Luật có chặn được cái vòi bạch tuộc trong bối cảnh Bắc Kinh thường xuyên có hành động hung hăng đối với các tàu cá trong vùng EEZ của các nước láng giềng?

Theo các tác giả của hai đạo luật nêu trên, căng thẳng trong EEZ của Philippines sẽ không giảm ngay lập tức, vì rằng Trung Quốc sẽ không công nhận và kiên quyết phản đối các luật này. Thế nhưng Manila cứ đưa ra luật vì cái gì đúng, phù hợp luật pháp quốc tế thì sẽ được quốc tế công nhận.

Một nguồn tin của AFP cho hay, để tăng cường hoạt động giám sát, lực lượng tuần duyên của Philippines sẽ mua 40 tàu tuần tra cao tốc từ Pháp, trị giá khoảng 440 triệu USD. Manila đã triển khai kế hoạch đưa một số tàu trong số đó đến các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Các nhà quân sự Philippines nói rõ rằng, muốn có hòa bình thì phải chuẩn bị tốt nhất cho chiến tranh, không để Trung Quốc dễ dàng chèn ép.

Được biết chính quyền Bắc Kinh đã hết sức tức giận. Họ không trheer im lặng trước sự “lấn tới” của Manila. Chẳng lẽ họ tự xóa đi tuyên bố từ lâu rằng, chủ quyền của Trung Quốc là gần như toàn bộ tuyến đường hàng hải trên Biển Đông, mặc dù còn những tranh chấp nhưng Trung Quốc đã “bỏ qua” nhiều chuyện vì đại cục (!).

Sau khi Manila công bố luật, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Philippines tại Trung Quốc tới để đưa ra lời “phản đối nghiêm khắc”. Trung Quốc lên án hành động của Mania, cho đây là một nỗ lực nhằm “củng cố giá trị phán quyết bất hợp pháp của Tòa Trọng tài quốc tế tại Lahaye (năm 2016) về chủ quyền trên các vùng lãnh thổ tại Biển Đông thông qua luật pháp trong nước Philippines”.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, những cuộc đối đầu giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển và giữa Hải quân Trung Quốc với Philippines trên tuyến đường biển bị tranh chấp đã tăng lên như nước lũ kể từ năm 2023. Đây là cái cớ để Mỹ, nước đồng minh cùng có Hiệp ước an ninh lâu năm với Manila, tham gia vào một cuộc xung đột lớn tại vùng Á Châu-Thái Bình Dương.

Bắc Kinh càng cay cú hơn khi hai bộ luật được công bố trong một buổi lễ được truyền hình toàn quốc với sự tham dự của các giới chức quân sự và an ninh quốc gia cao cấp. Manila muốn làm rầm rộ để củng cố lập trường của mình, nhằm bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Ông Marcos tuyên bố: “Những điều này cho thấy quyết tâm của chúng tôi trong việc bảo vệ tài nguyên biển, bảo tồn tình trạng đa dạng sinh học phong phú và bảo đảm rằng vùng biển thuộc chủ quyền của chúng tôi vẫn là nguồn sống và sinh kế cho tất cả người dân Philippines”. Khỏi phải nói dân chúng quốc gia quần đảo phấn khích như thế nào.

Đáp lại, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói: “Hành động của Philippines vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ, thẩm quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông. Trung Quốc lên án mạnh mẽ và cương quyết phản đối hành động đó”.

Bà Mao Ninh mạnh mồm như thế bởi vì, năm ngoái, qua một bản đồ quốc gia mới được công bố, chính phủ Trung Quốc đã xác định đòi hỏi của mình trên hầu như toàn bộ Biển Đông bằng các đường đứt đoạn mơ hồ, không phải là 9 đoạn mà lên tới 10 đoạn. Khi ấy nhiều nước trong khu vực như Malaysia, Việt Nam, Đài Loan, Indonesia và Philippines đã đồng loạt phản đối và bác bỏ.

Mặc, ai nói mặc ai, Trung Quốc cứ thẳng đường tiến ra Biển Đông.

Thế nhưng không để ai đó bơi trên sóng lặng để về đích một cách dễ dàng, các nước trong khu vực đã đoàn kết chống lại âm mưu độc chiếm Biển Đông. Hai đạo luật mới của Philippines là mầm mống của những cơn bão biển.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới