Thursday, November 14, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNhiều mặt hàng tỉ đô băng băng xuất khẩu vào Mỹ

Nhiều mặt hàng tỉ đô băng băng xuất khẩu vào Mỹ

Nhiều mặt hàng tỉ đô của Việt Nam như gỗ, thủy sản, may mặc… vẫn băng băng xuất khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu vào Mỹ tăng vọt.

“Ngành tỉ đô” của Việt Nam vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu vào Mỹ

Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm 2024, thị trường dệt may đã khởi sắc. Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam dự báo sẽ chạm mốc mục tiêu xuất khẩu 44 tỉ USD năm 2024.

Đối với Vinatex, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2024 đạt gần 1,5 tỉ USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu 9 tháng hoàn thành 73,6% kế hoạch, tăng 2% so với cùng kỳ; lợi nhuận bằng 80% kế hoạch, tăng hơn 70% so với cùng kỳ.

Trong đó, điểm sáng là dệt may Việt Nam đã vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Mỹ, đồng thời đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

“Dự kiến đơn hàng may mặc trong quý IV/2024 và quý I.2025 sẽ tiếp tục dồi dào, tuy nhiên đơn giá chưa cải thiện đáng kể. Trong dài hạn, khi chính sách cắt giảm lãi suất tại các thị trường lớn thực sự có tác động tích cực đối với nền kinh tế, tạo ra việc làm ổn định và sức mua, đơn giá sẽ cải thiện”, ông Hiếu nói.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt 98,4 tỉ USD, tăng 24,2%, so với cùng kỳ năm 2023.

Đây là mức tăng mạnh nhất trong số các thị trường xuất khẩu có tăng trưởng của Việt Nam trong 10 tháng qua. Cán cân thương mại với Mỹ duy trì xuất siêu khi đạt 86,1 tỉ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Riêng với ngành nông nghiệp, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 10 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp đạt gần 52 tỉ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mỹ là thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 92% kim ngạch xuất sang châu lục này. Nhóm hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ tiếp tục đóng vai trò chủ lực, với kim ngạch xuất sang Mỹ trong 9 đạt 6,5 tỉ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cần nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, 5 năm qua, bình quân mỗi năm xuất khẩu thủy sản sang nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt 1,5-2,1 tỉ USD.

Dù vậy, ngành thủy sản và một số ngành nghề khác khi xuất khẩu vào Mỹ vẫn phải đối diện với các biện pháp phòng vệ thương mại tăng, gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm.

Vasep khuyến nghị doanh nghiệp thận trọng và có chiến lược khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ dù thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp thuận lợi hơn năm nay.

Trong bối cảnh người tiêu dùng Mỹ ngày càng quan tâm đến bền vững, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội, Vasep khuyến nghị doanh nghiệp áp dụng các phương pháp nuôi trồng sạch, theo tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP, ASC, MSC).

Doanh nghiệp cần cung cấp thông tin minh bạch về quá trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu và các tiêu chuẩn chất lượng. Điều này giúp xây dựng lòng tin với người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu của các đối tác nhập khẩu, phân phối, bán lẻ.

Ông Cao Hữu Hiếu cũng cho rằng, khi xuất khẩu vào Mỹ, doanh nghiệp cần kiên định mục tiêu xanh hóa chuỗi sản xuất. Chiến lược phát triển của Vinatex luôn xác định mục tiêu xây dựng chuỗi sản xuất dệt may bền vững, quan tâm đến các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội, tiến tới mô hình kinh doanh tuần hoàn.

Đây cũng là yêu cầu bắt buộc từ các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam, với mức độ ngày càng cao và khắt khe hơn.

Ngoài việc bị ràng buộc bởi các quy định của Chính phủ và các nhà mua hàng, bản thân doanh nghiệp cũng cần nhận thức rõ sự cần thiết và trách nhiệm của mình trong lĩnh vực này, xem như là điều kiện sống còn để giành được lợi thế cạnh tranh trong tương lai gần.

“Mặc dù những tháng cuối năm 2024 cho thấy tín hiệu tích cực nhất định, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn cần hết sức thận trọng, quản trị chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh, bám sát kế hoạch đã đề ra, nhận diện và phòng ngừa tốt rủi ro, không để xảy ra bất kỳ tình huống bất ngờ nào, cam kết hoàn thành kế hoạch năm.

Đây là sự chuẩn bị cần thiết để doanh nghiệp đủ “sức khỏe” đón bắt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025 mà không bị lệ thuộc vào sự may rủi của thị trường”, ông Hiếu cho hay.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới