Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Trump tuyển 'Bộ sậu' ở Nhà Trắng, quan hệ Mỹ -...

Ông Trump tuyển ‘Bộ sậu’ ở Nhà Trắng, quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng

Nội các sắp tới của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump dần hình thành với một số vị trí quan trọng là những người được đánh giá rất cứng rắn trước Trung Quốc.

Hôm qua 12.11, tờ The Wall Street Journal dẫn một số nguồn tin thân cận tiết lộ ông Trump dự kiến chọn Thượng nghị sĩ Marco Rubio giữ vị trí Ngoại trưởng Mỹ và Hạ nghị sĩ Mike Waltz trở thành Cố vấn An ninh quốc gia khi chính thức quay lại Nhà Trắng vào tháng 1 tới đây. Ông Trump vừa qua cũng đã chọn Hạ nghị sĩ Elise Stefanik làm Đại sứ Mỹ tại LHQ và bà Susie Wiles làm Chánh văn phòng Nhà Trắng.

Trước đó, nhiều thông tin đồn đoán cho rằng ông Pompeo là ứng viên làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, chỉ trong 4 năm từ 2017 – 2021, có đến 5 người giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mà nguyên nhân liên tục thay đổi đến từ việc bất đồng với chính ông Trump. Lần này, khi các chọn lựa của vị Tổng thống đắc cử được đánh giá sẽ nhấn mạnh vào tính trung thành, thì vị trí lãnh đạo Lầu Năm Góc càng trở nên quan trọng hơn khi một số nhân vật có ảnh hưởng trong quân đội Mỹ liên tục nhấn mạnh quân đội chỉ trung thành với “hiến pháp” và quốc gia chứ không phải một cá nhân.

Chính vì thế, chủ nhân Lầu Năm Góc sắp tới được nhận định sẽ là người vừa trung thành với ông Trump vừa có thể điều hành hiệu quả quân đội Mỹ. Đến nay, sau khi cựu Ngoại trưởng Pompeo bị loại khỏi đường đua thì danh sách tiềm năng làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn những ứng viên sau: ông Keith Kellogg (từng là quyền Cố vấn An ninh quốc gia trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump); nghị sĩ Mike Roger (Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện); ông Richard Grenell (người từng là quyền Giám đốc tình báo quốc gia trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump) và ông Robert C. O’Brien (Cố vấn An ninh quốc gia trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump).

Ngoài các vị trí Ngoại trưởng, Cố vấn An ninh quốc gia và Bộ trưởng Quốc phòng, thì hai vị trí Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Thương mại cũng có ảnh hưởng lớn đến chính sách hành động đối ngoại sắp tới. Cựu Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Trump nhiệm kỳ đầu là ông Robert Lighthizer đang trở thành cái tên sáng giá để làm Bộ trưởng Tài chính hoặc Bộ trưởng Thương mại.


Đội hình “diều hâu” ?

Như vậy, tổng cộng còn 15 vị trí quan trọng trong nội các sắp tới của ông Trump. Tức vẫn còn khoảng 3/4 “bộ sậu” Nhà Trắng cần được ông Trump kiện toàn bộ máy. Tuy nhiên, khác với dự báo trước đó là đến cận kề lễ Giáng sinh thì bộ máy mới được chọn lựa hoàn tất, ông Trump dường như đang đẩy nhanh quá trình xây dựng đội ngũ. Có lẽ, đó là vì ông từng có kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước. Ngoài ra, lợi thế đảng Cộng hòa đang thắng thế ở cả thượng viện lẫn hạ viện cũng có thể giúp ông Trump dễ dàng đạt được các đề xuất nhân sự mà ít bị cản trở ở Quốc hội.

Mặc dù còn khuyết nhiều vị trí, nhưng việc chọn lựa ông Rubio làm Ngoại trưởng và ông Waltz làm Cố vấn An ninh quốc gia báo hiệu nhiều hành động đối ngoại của Nhà Trắng sắp tới sẽ rất cứng rắn. Cả hai nghị sĩ này đều được đánh giá là “diều hâu”, có xu thế sử dụng các biện pháp “cơ bắp” trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc cũng như giải quyết các vấn đề đối ngoại.

Bên cạnh đó, ông Lighthizer cũng là một “diều hâu” và từng nhiều lần nhấn mạnh cần dùng những biện pháp mạnh mẽ trước Trung Quốc. Chính vì thế, nếu nhân vật này nắm giữ Bộ Tài chính hoặc Bộ Thương mại của Mỹ thì gần như chắc chắn Washington sắp tới sẽ “không nương tay” trong cuộc thương chiến với Bắc Kinh. Điều này đồng nghĩa với việc quan hệ Mỹ – Trung sắp tới sẽ còn căng thẳng.

Bên cạnh đó, cả hai nghị sĩ Rubio và Waltz đều nhấn mạnh cần thiết lập hòa bình giữa Ukraine và Nga, đồng thời cho rằng Mỹ không nên quá tốn kém cho những cuộc xung đột đang xảy ra ở Ukraine và Trung Đông. Tuy nhiên, giải quyết xung đột ở Ukraine là thách thức không nhỏ cho ông Trump trong nhiệm kỳ tới.

Trả lời Thanh Niên, một chuyên gia tình báo quốc phòng Mỹ nhận xét nhiều khả năng chính quyền mới của Washington sẽ gây áp lực với cả Moscow lẫn Kyiv. Trong đó, đối với Kyiv thì Washington có thể sử dụng “lá bài” viện trợ để khiến Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán và thậm chí phải chấp nhận không đòi hỏi một phần lãnh thổ đã bị chiếm đóng. Với Moscow, Washington có thể tạo sức ép bằng đe dọa cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tấn công tầm xa để thọc sâu vào lãnh thổ Nga. Ngoài ra, không loại trừ khả năng Mỹ yêu cầu các nước châu Âu phải “gánh vác” nhiều hơn trong việc hỗ trợ Ukraine.

Tất nhiên, vẫn cần thêm thời gian để nhận định chính xác hơn về chương trình hành động sắp tới của ông Trump.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới