Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dài hơn 1.540km đi qua 20 tỉnh, thành với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 67 tỷ USD được Chính phủ trình ra Quốc hội. Dự án phấn đấu khởi công vào năm 2027.
Theo chương trình nghị sự, sáng 13/11, Quốc hội nghe tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, trước khi thảo luận tại tổ nội dung này.
Hồi năm 2010, ý tưởng xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đã được đưa ra nhưng Quốc hội chưa thông qua do còn ý kiến băn khoăn về tốc độ, phương án khai thác, nguồn lực đầu tư trong bối cảnh quy mô nền kinh tế thời điểm đó thấp (GDP là 147 tỷ USD), nợ công ở mức cao (56,6% GDP).
Nhưng nay, nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010; nợ công ở mức thấp – khoảng 37% GDP. Vì thế, theo Chính phủ, nếu dự kiến triển khai dự án vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD, nguồn lực đầu tư lúc này không còn là trở ngại lớn.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được trình ra Quốc hội lần này dự kiến bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TPHCM), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố.
Dự án có chiều dài tuyến khoảng 1.541km, xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm với tốc độ thiết kế 350 km/h. Đường sắt tốc độ cao, theo phương án Chính phủ trình, sẽ vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Theo phương án thiết kế sơ bộ, hướng tuyến của đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được nghiên cứu và lựa chọn “ngắn nhất có thể”.
“Dự án cũng hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường, các khu di tích, danh lam thắng cảnh, đất quốc phòng; giảm khối lượng giải phóng mặt bằng, tránh các khu vực đông dân cư”, theo tờ trình của Chính phủ.
Trên dọc tuyến cao tốc, Chính phủ dự kiến bố trí 23 ga hành khách, mỗi vị trí ga quy hoạch không gian phát triển từ 200 đến 500ha. 5 ga hàng hóa có quy mô mỗi ga khoảng 24,5ha.
Báo cáo Quốc hội về phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư, Chính phủ cho biết sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827ha; số dân tái định cư khoảng 120.836 người.
Dự án này sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).
Dự kiến nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035, bố trí vốn trong khoảng 12 năm (từ năm 2025 đến năm 2037), bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD – tương đương khoảng 1,3% GDP năm 2023 và khoảng 1% GDP năm 2027 (thời điểm khởi công dự án). Quá trình triển khai sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư.
Về tiến độ, Chính phủ tính toán hoàn thành công tác lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế vào năm 2025- 2026; khởi công dự án năm 2027; phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2035.
Theo báo cáo của Chính phủ, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ góp phần tăng cường kết nối các cực tăng trưởng, mở ra không gian phát triển kinh tế mới; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Dự án nếu được phê duyệt sẽ tạo tiền đề quan trọng để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; tạo động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được kỳ vọng góp phần phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện, làm giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường.
T.P