Triều Tiên cảnh báo cứng rắn phương Tây về việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
“Phương Tây có ý định đẩy lục địa châu Âu vào một cuộc xung đột vũ trang trực tiếp với Nga. Đây là một hành động tự sát”, Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố hôm 11/11, trích dẫn những bình luận gần đây của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
“Ông Lavrov tiết lộ rằng phương Tây, đặc biệt là Anh – Mỹ, không hề bận tâm đến cuộc chiến mà họ đã phát động ở châu Âu để chống lại Nga, đồng thời Mỹ đang cố tình kéo cơ sở hạ tầng quân sự của NATO vào Thái Bình Dương và không che giấu ý định tăng cường sức ép lên Trung Quốc, Triều Tiên và Nga”, Bộ Ngoại giao Triều Tiên dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov cho biết.
Vào ngày 4/11, trong bài phát biểu tại Hội nghị quốc tế Sáng tạo tương lai ở Moscow, Ngoại trưởng Lavrov đã chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, đồng thời chỉ trích Mỹ cùng các đồng minh vì đã hỗ trợ Ukraine.
“Khi sức ép về kinh tế không thể lay chuyển được các quốc gia có chủ quyền, phương Tây, do Mỹ dẫn đầu, sẽ dùng đến những lời hăm dọa, thậm chí sử dụng vũ lực”, ông Lavrov nói.
Ông Lavrov cáo buộc phương Tây có kế hoạch đánh bại Nga bằng cách “sử dụng chính quyền Ukraine”.
Nhà ngoại giao Nga cũng bình luận về khả năng Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để “tấn công sâu vào lãnh thổ Nga”. Ông cảnh báo điều này sẽ “làm giảm mạnh” cơ hội của bất kỳ bên nào trong “tương lai đa cực” sắp tới.
Các chính phủ châu Âu và Mỹ cho đến nay vẫn từ chối cấp phép cho Ukraine sử dụng vũ khí của họ để tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga. Moscow cảnh báo động thái này sẽ đồng nghĩa với việc phương Tây trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột và có thể bị trả đũa.
Báo Telegraph trích dẫn nguồn tin ẩn danh trong chính phủ Anh cho biết, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có kế hoạch vận động Tổng thống Mỹ Joe Biden thay đổi lập trường về việc sử dụng tên lửa Storm Shadow của Anh để tấn công tầm xa vào Nga.
Gần đây, phương Tây cho rằng Triều Tiên đã đưa hơn 10.000 quân nhân đến Nga để huấn luyện và phần lớn lực lượng này đã được triển khai đến vùng biên giới Kursk của Nga, nơi quân đội Ukraine kiểm soát một phần lãnh thổ kể từ tháng 8. Kiev không loại trừ khả năng lính Triều Tiên sẽ triển khai ở chiến trường Ukraine để hỗ trợ Nga.
Moscow và Bình Nhưỡng đã bác bỏ cáo buộc, song mặt khác khẳng định ngay cả khi lính Triều Tiên được triển khai đến Nga, điều đó cũng không vi phạm luật pháp quốc tế. Moscow khẳng định, hợp tác giữa Nga và Triều Tiên không nhằm vào bên thứ ba nào.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 11/11 đã ký sắc lệnh phê chuẩn Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Triều Tiên và Nga. Hiệp ước sẽ có hiệu lực khi hai bên trao đổi các văn kiện phê chuẩn.
Hiệp ước nêu rõ, hai nước nên “ngay lập tức hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác bằng mọi phương tiện sẵn có” nếu một trong hai bên rơi vào tình trạng chiến tranh.
T.H