Trong thời gian gần đây, căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc với những vụ đối đầu liên tiếp ở khu vực Bãi cạn Sa Bin đang thu hút sự quan tâm của quốc tế. Nhiều người lo ngại đây sẽ là điểm có nguy cơ đụng độ bùng phát thành xung đột vũ trang.
Những cuộc va chạm liên tiếp giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu tuần duyên Philippines cuối tháng 8 vừa qua đã khiến Manila và Bắc Kinh phải nhanh chóng tổ chức cuộc họp Cơ chế Tham vấn Song phương nhằm quản lý sự khác biệt giữa hai nước. Phát biểu với báo giới hôm 04/9, Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo đã thông báo về cuộc họp giữa Manila và Bắc Kinh. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định cuộc họp khó giải quyết được những căng thẳng xung quanh Bãi cạn Sa Bin bởi khu vực này có ý nghĩa mang tính chiến lược đối với cả Philippines và Trung Quốc mà cả hai bên không thể từ bỏ. Ông Ray Powell, Giám đốc SeaLight, một dự án về minh bạch hàng hải tại Đại học Stanford đánh gia: “Cả hai nước đều có nhiều thứ để mất nếu họ từ bỏ Bãi cạn Sa Bin, một phần vì cả hai đều đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ”.
Với Philippines, Bãi Sa Bin mang ý nghĩa chiến lược như ‘‘một trạm trung chuyển’’ của các hoạt động tiếp tế cho đơn vị quân đội đồn trú trên con tàu BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), được coi là một tiền tiêu của Philippines trong thế phòng ngự chống lại các tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở phía nam Biển Đông. Bãi cạn Sa Bin, Philippines gọi là bãi Escoda, Trung Quốc gọi là Xianbin (Tiên Tân Tiêu), nằm cách đảo Palawan khoảng 146 km về phía Tây. Từ đây để đến được Bãi Cỏ Mây, phía Tây quần đảo Trường Sa, còn khoảng 65 km.
Theo chuyên gia Collin Koh, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, Bãi cạn Sa Bin thường được dùng làm nơi trú ẩn cho các chuyến tàu tiếp tế của Philippines: “Nếu gặp thời tiết xấu, (tàu thuyền) có thể trú ẩn một thời gian tại đây, trước khi tiếp tục chuyến đi đến Bãi Cỏ Mây, thay vì phải quay ngược lại đảo (Palawan)’’, cách đó rất xa (hơn gấp đôi đường). Chuyên gia Collin Koh còn cho rằng làm chủ Bãi cạn Sa Bin cũng cho phép ngăn chặn tàu thuyền đến đảo Thị Tứ, một hòn đảo lớn do Philippines kiểm soát ở Biển Đông, nơi có khoảng 400 thường dân sinh sống.
Chuyên gia Trung Quốc Ding Duo, Phó giám đốc Viện Luật và Chính sách Hàng hải tại Viện Nghiên cứu Nam Hải (tức Biển Đông) ở Hải Nam, cũng dự báo ‘‘rất có khả năng sẽ xảy ra nhiều cuộc đối đầu trên biển gay gắt và dữ dội hơn giữa hai lực lượng hải cảnh Trung Quốc và tuần duyên Philippines gần vùng biển ngoài khơi Bãi cạn Sa Bin, do giá trị chiến lược của bãi cạn này đối với hoạt động tiếp tế của Manila cho Bãi Cỏ Mây’’.
Theo nhiều chuyên gia, Bãi cạn Sa Bin cũng được coi là rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của Philippines vì nằm gần Reed Bank, một khu vực cách Palawan khoảng 85 hải lý được cho là có trữ lượng dầu khí đáng kể. Hồi tháng 4/2024, cựu thẩm phán của Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cho biết trữ lượng khí đốt tại Reed Bank có khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng của Philippines đến 75 năm, do vậy cần kiểm soát Bãi cạn Sa Bin để bảo vệ các hoạt động dầu khí ở Reed Bank trong tương lai.
Điểm trung chuyển của các hoạt động tiếp tế cho vị trí tiền tiêu Bãi Cỏ Mây của Philippnes, và nguồn năng lượng dồi dào là hai trong số các lý do chính khiến Manila coi Bãi cạn Sa Bin là một khu vực có ý nghĩa chiến lược. Tuy nhiên, lý do trực tiếp khiến Manila quyết định khẩn cấp tăng cường sự hiện diện tại khu vực này là để ngăn ngừa viễn cảnh Bắc Kinh chiếm lĩnh bãi cạn, biến nơi đây thành một căn cứ quân sự như tại 7 thực thể địa lý khác thuộc quần đảo Trường Sa. Giới phân tích nhận định nếu để Bắc Kinh kiểm soát, khống chế Bãi cạn Sa Bin như họ đã làm với Bãi cạn Scarborough hồi năm 2012 thì sẽ là cơn ‘‘ác mộng’’ với Manila.
Với Trung Quốc, khống chế Bãi can Sa Bin không chỉ ngăn chặn được các hoạt động tiếp tế của Philippines cho binh sĩ trên Bãi Cỏ Mây mà còn giúp Bắc Kinh kiểm soát tuyến đường hàng hải quan trọng trên Biển Đông. Chính vì vậy, Trung Quốc từ lâu đã có mưu toan chiếm đoạt Bãi cạn Sa Bin. Bắc Kinh đã từng có các hoạt động chuẩn bị cho việc cải tạo Bãi cạn Sa Bin nhưng bị Philippines phát hiện.
Các nhà phân tích chiến lược đánh gia trong mưu đồ thôn tính Biển Đông, Bắc Kinh coi Bãi cạn Sa là điều không thể nhân nhượng. Theo chuyên gia Collin Koh, Singapore, ‘‘đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc, đối với Tập Cận Bình, điều đó rõ ràng là không khả thi vì dẫn đến những tổn thất chính trị rất lớn’’. Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng không muốn bị hạ nhục nếu phải chấp nhận lui bước trước ‘‘một đối thủ nhỏ hơn và yếu hơn nhiều’’ ở khu vực Bãi cạn Sa Bin.
Tháng 5/2024, Manila bắt đầu lên án các hoạt động “cải tạo” của Trung Quốc tại Bãi cạn Sa Bin. Người phát ngôn của Tuần duyên Philippines, chuẩn tướng Jay Tarriela, cho biết lực lượng tuần duyên của nước này đã phát hiện ra nhiều đống san hô chết và bị nghiền nát, được đổ lên các bãi cát của bãi cạn. Bắc Kinh đã phủ nhận các cáo buộc của Manila về mưu toan xây dựng đảo nhân tạo ở Sa Bin. Trước đó, từ tháng 4/2024, Philippines đã triển khai tàu BRP Teresa Magbanua, một trong những tàu tuần duyên tối tân nhất đến khu vực Sa Bin. Trong khi đó, Trung Quốc điều động nhiều tàu lớn, kể cả tàu CCG-5901, với tải trọng 12.000 tấn, được coi là ‘‘tàu tuần duyên lớn nhất thế giới’’. Liên tục trong những ngày cuối tháng 8/2024, Manila đã cáo buộc tàu Trung Quốc đâm và phun vòi rồng vào tàu Philippines, bắn pháo sáng vào máy bay Philippines.
Trong bối cảnh đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc loan tin Philippines đang cố gắng sử dụng tàu BRP Teresa Magbuana để tạo ra một ‘‘căn cứ quân sự bán chính thức’’ Bại bãi cạn Sa Bin, tương tự như với con tàu BRP Sierra Madre, chiếc tàu rỉ sét thời Thế chiến thứ hai, đã được Philippines cố tình cho mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây hồi 1999 để khẳng định chủ quyền. Bắc Kinh một mặt liên tục yêu cầu, thúc ép Philippines rút tàu BRP Teresa Magbuana, mặt khác bắn tiếng Trung Quốc đang xem xét khả năng kéo tàu BRP Teresa Magbanua của Philippines ra khỏi Bãi cạn Sa Bin.
Đáp trả lại những lời đe doạ của Bắc Kinh, hôm 09/9/2024 Đại tá Xerxes Trinidad, người phụ trách truyền thông của quân đội Philippines, cảnh cáo Trung Quốc không được phép dùng vũ lực để di dời tàu thuyền của Philippines. Giới quan sát nhận định với tuyên bố của Đại tá Xerxes Trinidad xem như một lằn ranh đỏ trong các tranh chấp ở Biển Đông giữa Philipppines và Trung Quốc đã được vạch rõ. Bãi cạn Sa Bin, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippnines, cách lãnh thổ Trung Quốc hơn nghìn cây số, có tầm quan trọng mang tính biểu tượng rất lớn với chính quyền Manila. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã từng nhiều lần khẳng định cam kết không nhượng bộ ‘‘một milimet chủ quyền trên biển’’. Xem ra, Bãi cạn Sa Bin dường như đang trở thành điểm đối đầu không thể khoan nhượng giữa Manila và Bắc Kinh.
Ngày 11/9/2024 các quan chức Philippines và Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp trong khuôn khổ Cơ chế Tham vấn Song phương tại Bắc Kinh. Tại cuộc họp phía Trung Quốc đã một lần nữa khẳng định chủ quyền của họ tại Bãi cạn Sa Bin và nhắc lại yêu cầu Manila rút ngay lập tức tàu tuần duyên của Philippines neo đậu tại bãi cạn này từ tháng 4 đến nay. Đáp lại yêu cầu đó, trên mạng xã hội X, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines, bà Theresa Lazaro đã tái khẳng định lập trường “kiên định” của Manila về Bãi cạn Sa Bin, nhưng cho biết Philippines đang tìm phương cách để làm giảm căng thẳng trong khu vực này. Kèm theo những dòng chữ đó là bức ảnh chụp bà bắt tay Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trần Hiểu Đông (Chen Xiaodong).
Thứ trưởng Lazaro nói thêm: “Chúng tôi đồng ý sẽ tiếp tục thảo luận về các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là về đường dây nóng, hợp tác tuần duyên, và hợp tác công nghệ, nghiên cứu khoa học”. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines, trong cuộc họp tại Bắc Kinh, hai bên đã có những cuộc trao đổi rất “thẳng thắn”. Giới quan sát nhận định với tiềm lực kinh tế quân sự kém xa Trung Quốc, đương nhiên Philippines không muốn căng thẳng ở khu vực Bãi cạn Sa Bin leo thang tới mức xung đột nên mặc dù kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các lợi ích trên biển, Manila sẽ nỗ lực cao nhất để giảm căng thẳng với Bắc Kinh ở khu vực Bãi cạn Sa Bin.
Nhưng tình hình tại Bãi cạn Sa Bin không dễ gì nhanh chóng trở lại yên ắng, nhất là sau khi tại Diễn Đàn An Ninh Hương Sơn Bắc Kinh, Trung tướng Hà Lôi của Trung Quốc đã dọa sẽ “đập tan” mọi hành động xâm phạm “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo nhật báo Philippines Inquirer, đáp lại lời đe dọa đó, hôm nay, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines Jonathan Malaya tuyên bố Manila sẽ tiếp tục “bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Tây Philippines (cách Philippines gọi Biển Đông)”.
Trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược giữa Mỹ – Trung ở Biển Đông và trong khu vực ngày càng gay gắt, diễn biến ở khu vực Bãi cạn Sa Bin nói riêng và Biển Đông nói chung còn phụ thuộc vào phản ứng và cách tiếp cận của Mỹ – đồng minh theo Hiệp ước của Philippines. Nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng việc Washington đang phải chia sẻ lực lượng trên nhiều ‘‘mặt trận’’ (Mỹ phải bận tậm vào cuộc chiến ở Ukraine và xung đột ở Trung Đông) và nước Mỹ đang bước vào giai đoạn cuối cùng chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào 05/11 tới để gia tăng các hoạt động hung hăng nhằm vào Philippines ở Biển Đông.
Trước những vụ va chạm giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu tuần duyên Philippines ở Bãi cạn Sa Bin, Mỹ nhanh chóng lên án hành vi hung hăng của Bắc Kinh và khẳng định cam kết bảo vệ đồng minh theo Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951. Vào cuối tháng 8 vừa qua, Tướng Romeo Brawner, Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, cho biết Washington đã đề nghị là các tàu của Mỹ hộ tống các tàu tiếp liệu của Philippines đến các vùng tranh chấp trên Biển Đông, sau khi khi Bắc Kinh nhiều lần ngăn chận các chuyến tàu tiếp liệu này. Tuy nhiên, hiện Manila chưa cần đến sự hộ tống của tàu Mỹ, trừ phi họ không còn có thể tiếp tế lương thực để cứu đói cho binh lính Philippines trú đóng ở những thực thể trên Biển Đông.
Giới phân tích nhận định với tư cách là đồng minh theo Hiệp ước phòng thủ chung của Philippines, song trên thực tế Mỹ hoàn toàn không muốn các vụ va chạm giữa tàu Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông leo thang đến mức họ bị kéo vào một cuộc xung đột với Trung Quốc. Bắc Kinh đã nhiều lần công khai yêu cầu Washington không được quyền can thiệp vào tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông. Giọng điệu hù dọa của Trung tướng Hà Lôi bên lề Diễn Đàn An Ninh Hương Sơn Bắc Kinh cũng là nhằm vào Mỹ khi ngạo mạn nói rằng: “Nếu như ở hậu trường Mỹ sử dụng những quân cờ, đẩy một số quốc gia lên tuyến đầu hay tự họ bước lên tuyến đầu thì quân đội Trung Quốc sẽ không ngần ngại đáp trả đích đáng, quyết tâm của Trung Quốc mạnh mẽ, không có gì lay chuyển được”, nhất là giờ đây Bắc Kinh “đã có những khả năng vững chắc, những phương tiện hiệu quả” để bảo vệ chủ quyền trên bộ và trên biển.
Một bài toán khó đặt ra cho Washington hiện nay là làm sao vẫn hỗ trợ được cho đồng minh Manila bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích trên Biển Đông, trong đó có Bãi cạn Sa Binh theo UNCLOS mà không để xảy ra xung đột quân sự. Để thể hiện rõ quan điểm của mình trên vấn đề Biển Đông, tại cuộc thảo luận phối hợp chính sách quốc phòng Mỹ – Trung Quốc được tổ chức bên lề Diễn Đàn An Ninh Hương Sơn Bắc Kinh, hôm 12/9/2024, phái đoàn Bộ Quốc phòng Mỹ đã một lần nữa nêu lên quan ngại của Washington trước những hành động của Trung Quốc đối với Philippines ở Biển Đông. Diễn biến tại khu vực Bãi cạn Sa Bin nói riêng và Biển Đông nói chung trong thời gian tới sẽ còn phức tạp, khó lường. Chính quyền Philippines sẽ hết sức kiềm chế song sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp Mỹ và các đồng minh của Mỹ để đối phó hiệu quả với Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ theo dõi sát thái độ của Mỹ và các đồng minh trong việc hậu thuẫn cho Philippines để cân nhắc hành động của mình vì trên thực tế Trung Quốc không muốn xảy ra một cuộc đối đầu quân sự, nhất là giữa lúc kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.