Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnADMM+ là hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu

ADMM+ là hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu

Sáng nay (21/11) tại Vientiane, Lào, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 11 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Đại tướng Chansamone Chanyalath, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 11 có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng, đại diện Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và 8 nước đối tác gồm: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Hoa Kỳ.

Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng, đại diện Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và 8 nước đối tác gồm: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Hoa Kỳ. Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Đại tướng Chansamone Chanyalath nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những chuyển biến nhanh chóng, ASEAN tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm, là cầu nối cho hợp tác và đối thoại. Đánh giá thời gian qua, hợp tác quốc phòng giữa ASEAN và các đối tác ngày càng thực chất, Đại tướng Chansamone Chanyalath bày tỏ hy vọng ADMM+ lần thứ 11 tiếp tục là cơ hội để thúc đẩy hợp tác quốc phòng hiệu quả hơn nữa, đóng góp thiết thực vào duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, thịnh vượng ở khu vực cũng như trên thế giới. Nhân dịp này, Đại tướng Chansamone Chanyalath cảm ơn sự ủng hộ của các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác dành cho Lào trong Năm Chủ tịch ASEAN 2024.

Hội nghị đã nghe báo cáo kết quả Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+); cập nhật tình hình hợp tác gần đây trong ASEAN; thông qua Tuyên bố chung chuyên đề của ADMM+ về biến đổi khí hậu.

Hội nghị cũng trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh khu vực và thế giới, trong đó có cuộc xung đột tại Ukraine, cuộc xung đột Israel-Hamas, tình hình Myanmar, tình hình Bán đảo Triều Tiên…; nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định.

Liên quan đến tình hình an ninh khu vực, các Bộ trưởng Quốc phòng, đại diện Bộ trưởng Quốc phòng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc và mục tiêu cơ bản được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tiến trình Bali, cũng như việc tuân thủ luật pháp quốc tế, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng trong khu vực. Các nước đối tác khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác tại khu vực.

Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh biển, trong đó có Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, đối với an ninh khu vực và toàn cầu. Nhiều nước nhất trí cho rằng các tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; nhấn mạnh việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Các nước, trong đó có Trung Quốc, bày tỏ mong muốn sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong bài phát biểu với chủ đề “Những nhà lãnh đạo quốc phòng có trách nhiệm, cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường của khu vực và thế giới” khi trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh khu vực và thế giới, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh thế giới đang trong thời kỳ thay đổi mang tính thời đại. Chủ đề “Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường” được nước Chủ tịch Lào đưa ra không chỉ phản ánh khát vọng chung về một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển, mà còn là sự cam kết về trách nhiệm chung để duy trì hòa bình, ổn định và phát triển đó.

Đại tướng Phan Văn Giang đề nghị hợp tác quốc phòng giữa ASEAN với các đối tác cần gắn với định hướng chiến lược của ASEAN, đặc biệt là Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045; tiếp tục đề cao vai trò trung tâm, khả năng dẫn dắt và tự chủ chiến lược của ASEAN, tôn trọng các nguyên tắc căn bản và giá trị cốt lõi của ASEAN, đó là hợp tác vì hòa bình, ổn định, cùng phát triển; làm sâu sắc thêm nội hàm các hoạt động hợp tác, nâng cao hơn nữa hiệu quả thực chất để đưa ADMM+ thực sự trở thành một cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh quan trọng của khu vực và thế giới. Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định “Với truyền thống hòa bình, hòa hiếu, “lấy chí nhân thay cường bạo”, Việt Nam cam kết đóng góp tích cực, hiệu quả vào các nỗ lực chung của ADMM+ nhằm xây dựng thế giới hòa bình, phát triển”.

Đại tướng Phan Văn Giang đề nghị thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc ở tất cả các quốc gia; giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng và tuân thủ luật pháp, cam kết quốc tế, khu vực; không đe dọa sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; không ngừng củng cố đoàn kết, sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia thành viên, đề cao đối thoại, loại bỏ đối đầu để ADMM+ luôn là cầu nối, là điểm đến của đối thoại và hợp tác cho các bên.

Các đối tác cần tôn trọng vai trò trung tâm và các nguyên tắc của ASEAN khi tiến hành các hoạt động hợp tác ở khu vực. Về vấn đề Biển Đông, Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) chất lượng, hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Đại tướng Phan Văn Giang đề nghị các đối tác ủng hộ lập trường ASEAN về Biển Đông, nỗ lực của ASEAN nhằm xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định, là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, luôn coi trọng quan hệ hợp tác quốc tế, Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; kiên định chính sách quốc phòng “bốn không”.

Nhấn mạnh năm 2024 là năm chuyển giao giữa hai chu kỳ Nhóm chuyên gia ADMM+ Đại tướng Phan Văn Giang trân trọng cảm ơn sự ủng hộ tích cực của các nước thành viên đối với Việt Nam và Nhật Bản, trong vai trò đồng chủ trì Nhóm chuyên gia ADMM+ về Gìn giữ hòa bình chu kỳ 2021-2023. Cho biết Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam lần thứ hai sẽ được tổ chức vào tháng 12 tới đây, Đại tướng Phan Văn Giang trân trọng mời các vị lãnh đạo quốc phòng, quân đội và các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng các nước ASEAN và các nước đối tác đối thoại thăm cũng như tham dự triển lãm.

Cùng ngày, Lễ bàn giao vai trò Chủ tịch ADMM và ADMM+ đã được tổ chức trang trọng tại Vientiane. Theo đó, Bộ Quốc phòng Malaysia là Chủ tịch ADMM và ADMM+ trong năm 2025.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới