Như lời phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2024), từ một quốc gia chưa có tên trên bản đồ thế giới, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam giờ đây đã trở thành biểu tượng của hòa bình, ổn định và hiếu khách, là điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế. Quả thực, xét trong bối cảnh lịch sử nghìn năm của đất nước, chỉ trong gần 80 năm qua Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc.
Nhưng câu hỏi đặt ra là, con đường nào sẽ là con đường đúng đắn cho Việt Nam trong những thập kỷ tới? Hiện nay, thế giới đang đối diện với những biến động cơ bản. Bức tranh địa chính trị toàn cầu ngày càng trở nên phân cực với sự xuất hiện của các loại vũ khí phi đối xứng, như máy bay không người lái, tàu chiến không người lái, đến chiến tranh mạng. Nhiều quốc gia đang tăng cường khẳng định quyền lực trong khu vực, thế giới trở nên đa cực hơn, cùng với đó là tình trạng suy thoái môi trường ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nặng nề trên nhiều vùng lãnh thổ.
Đồng thời, những bước tiến vượt bậc của thời đại chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn và công nghệ nano đã và đang ảnh hưởng đến lực lượng sản xuất, phương thức sản xuất và các mối quan hệ giữa các thành phần kể trên. Điều này mang tới một tương lai đầy triển vọng nhưng cũng nhiều thách thức. Trong bối cảnh đầy biến động như vậy, Việt Nam cần có những chính sách nào và tìm kiếm những phương tiện gì để đảm bảo vị thế của mình trên trường quốc tế?
Bài viết này đề xuất rằng, Việt Nam cần tiếp tục kiên định với chân lý “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, lấy giáo dục làm nền tảng chính cho sự phát triển quốc gia trên cơ sở tận dụng tốt nhất các cơ hội do chuyển đổi số mang lại.
Ngôi sao Bắc Đẩu của Việt Nam
Trong thế kỷ qua, Việt Nam đã trải qua nhiều thay đổi, từ ách đô hộ thuộc địa đến giành lại chủ quyền, từ cảnh hoang tàn sau chiến tranh đến những bước phát triển đáng kể về kinh tế. Thậm chí, tên nước cũng đã thay đổi từ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, xuyên suốt qua những năm tháng lịch sử đó, có một điều chưa bao giờ thay đổi; đó chính là: “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” – cụm từ chứa đựng 3 giá trị cốt lõi này đã trở thành khát vọng chung của cả dân tộc. Sự trường tồn của những giá trị này không chỉ đáng tự hào mà còn đáng được chúng ta suy ngẫm về nguồn gốc và ý nghĩa của nó.
Tiêu ngữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” lần đầu xuất hiện một cách trang trọng tại Sắc lệnh số 33A ngày 13/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ, được ban hành chỉ 11 ngày sau Tuyên ngôn Độc lập, và do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp, cùng Bộ trưởng Tư pháp Vũ Trọng Khánh ký. Kể từ đó, cụm từ này trở thành tiêu ngữ quốc gia trên mọi văn bản của Việt Nam. Đây không chỉ là một quyết định hành chính, mà còn là cách để khẳng định khát vọng của một dân tộc vừa thoát khỏi gần một thế kỷ ách thống trị thực dân. Tiêu ngữ phản ánh tâm tư và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước. “Độc lập” là cuộc đấu tranh giành chủ quyền của dân tộc, giải thoát khỏi ách ngoại xâm. “Tự do” đảm bảo những quyền căn bản, cần thiết cho cuộc sống của một con người, còn “Hạnh phúc” là mục tiêu cuối cùng của sự thịnh vượng và an lành xã hội. Sự gắn kết của 3 giá trị này tạo thành nền tảng cho tinh thần dân tộc Việt Nam.
Ngược dòng lịch sử, bản Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, chính là tuyên ngôn độc lập của Việt Nam vào thế kỷ XV, trong đó, Nguyễn Trãi đã viết:
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Cho đến ngày nay, Việt Nam đã giành được độc lập, không những giữ vững chủ quyền quốc gia mà còn “có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế”. Như vậy, ta có thể thấy, hơn bao giờ hết, ngọn cờ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” đã và đang được các thế hệ lãnh đạo đất nước tiếp tục phất cao.
Giữ vững khát vọng “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” giống như việc dựa vào sao Bắc Đẩu, giúp đất nước luôn đi đúng hướng và tránh bị cuốn theo những dòng chảy thay đổi của thời cuộc. Những giá trị cốt lõi này chính là sợi dây kết nối và là nền tảng chung vượt lên trên mọi tranh cãi, giúp người Việt, dù ở trong hay ngoài nước, bất kể quan điểm chính trị hay lập trường, vượt qua những khác biệt, cả trong hiện tại lẫn quá khứ, bởi không ai có thể phủ nhận giá trị của “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Đây chính là mẫu số chung của người Việt và là kim chỉ nam trường tồn cho con đường phát triển của đất nước.
Giáo dục – nền tảng vững chắc cho tương lai
Giáo dục từ lâu đã được coi là nền tảng của mọi sự phát triển. Không chỉ là công cụ mở ra tương lai, giáo dục còn là trụ cột giúp quốc gia đối mặt với thách thức thời đại. Dù tài nguyên thiên nhiên, chính sách kinh tế và công nghệ đóng vai trò quan trọng, giáo dục vẫn là yếu tố then chốt để xây dựng một xã hội bền vững.
Giáo dục tạo ra thế hệ công dân có tri thức, văn hóa, khả năng thích ứng và sáng tạo. Một hệ thống giáo dục mạnh mẽ sẽ thúc đẩy sự phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế, khoa học đến văn hóa, xã hội. Đây là chìa khóa đưa xã hội đến với công bằng, thịnh vượng và hòa bình. Một dân tộc được giáo dục tốt chính là cốt lõi của sự phát triển quốc gia, vì giáo dục nuôi dưỡng tư duy phản biện, sáng tạo và ý thức trách nhiệm trong mỗi cá nhân.
Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, giáo dục luôn được xem là thiết yếu và giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Dưới các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, hệ thống giáo dục được củng cố qua các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình nhằm tuyển chọn nhân tài phục vụ đất nước. Những người đỗ đạt không chỉ được tôn vinh mà còn nắm giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình, góp phần vào việc cai quản và phát triển đất nước. 82 bia tiến sỹ hiện còn ở Quốc Tử Giám là biểu tượng của tinh thần hiếu học và bình đẳng trong giáo dục của Việt Nam thời đó.
Chỉ 1 tuần sau tuyên ngôn độc lập, Chính phủ Việt Nam đã ra 3 sắc lệnh liên tiếp, số 17, 19 và 20 nhằm xóa nạn mù chữ trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Sau đó, đến năm 1948, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở vào giai đoạn gay go, trong bài kêu gọi thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ có 3 thứ giặc cần phải diệt, đó là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Ta thấy giặc dốt chỉ đứng sau giặc đói, và còn đứng trước cả giặc ngoại xâm. Và năm 1993, Trung ương Đảng đã đưa giáo dục thành quốc sách hàng đầu.
Tuy nhiên, thực tế bức tranh về phát triển giáo dục và đào tạo của Việt Nam trong những năm gần đây chưa có nhiều khởi sắc. Trong 10 năm gần đây, qua 4 lần bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục nhận mức tín nhiệm thấp nhất (3 lần) hoặc thấp nhì (1 lần). Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Quốc phòng luôn đứng hàng đầu ở cả 4 cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Vậy tại sao các quan chức giáo dục lại bị đánh giá thấp như vậy, dù nghề giáo từ xưa đến nay luôn được người Việt tôn kính? Tại sao các thầy cô giáo không thể nhận được sự tin tưởng giống như các chiến sĩ? Chúng ta phải làm gì để thay đổi bức tranh ảm đạm này?
Câu trả lời nằm ở việc cần phải đánh giá lại vai trò của giáo dục trong xã hội, đặc biệt trong kỷ nguyên số hóa, khi mọi lĩnh vực đều đang thay đổi hàng ngày, hàng giờ và liên tục tạo ra nhiều tác động. Điều này không chỉ bao gồm việc xem xét lại vị thế, vai trò của giáo viên và các nhà quản lý giáo dục, mà còn ưu tiên ứng dụng các công nghệ và công cụ hỗ trợ để nâng cao chất lượng học tập cho học sinh.
Chuyển đổi số, khoa học và AI: cơ hội cho giáo dục Việt Nam
Trong việc cải tổ giáo dục, khoa học là phương tiện hữu hiệu nhất của ngày hôm nay, cụ thể là thông qua chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI).
Chuyển đổi số là một quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện, về cách sống, cách làm việc trên không gian thực và số. Nói đến chuyển đổi số, người ta thường gắn liền với sự tiên phong, khai phóng, sự đổi mới sáng tạo, bởi chuyển đổi số sẽ liên tục tạo ra những điều hoàn toàn mới, từ lực lượng sản xuất, phương thức sản xuất, đến mối quan hệ giữa các thành phần xã hội chưa từng có từ trước tới nay.
Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi số không phải là một quá trình đơn giản. Nó đòi hỏi ý chí chính trị và sự cam kết từ cấp lãnh đạo cao nhất. Đây chính là công việc quan trọng hàng đầu mà Trung ương Đảng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cần trực tiếp động viên, khích lệ và chỉ đạo sát sao. Bởi nếu ai cũng lo sợ cái mới, ai cũng chỉ trong vùng an toàn của mình, thì không thể có đổi mới sáng tạo, không thể có chuyển đổi số thành công.
Trong bối cảnh toàn cầu, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội hiếm có để tận dụng làn sóng chuyển đổi số này, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Hiện nay, thế giới đang ở vạch xuất phát khá đồng đều về AI, Việt Nam có cơ hội để vươn lên trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong giáo dục qua ứng dụng công nghệ số. Việt Nam đã có sẵn cơ sở hạ tầng số cần thiết, và nếu tận dụng tốt, đất nước có thể xây dựng một hệ thống giáo dục đổi mới và hiệu quả hơn, đáp ứng các yêu cầu của thế kỷ XXI.
Chuyển đổi số trong giáo dục, dưới ngọn cờ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, sẽ là một trong những giải pháp căn bản, giúp Việt Nam phát triển trong kỷ nguyên vươn mình. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh của quốc gia trên trường quốc tế.
Việc áp dụng chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ là một xu hướng công nghệ, mà còn là một chiến lược phát triển quốc gia quan trọng. Để thực hiện được điều này, cần có những cải cách mạnh mẽ trong chính sách giáo dục để đảm bảo rằng AI và các công nghệ số được áp dụng hiệu quả trong lớp học. Một số đề xuất cụ thể bao gồm:
- Xây dựng “ĐẠI LỘ SỐ” là hạ tầng cáp quang, đến tất cả các trường phổ thông công lập, miễn phí. Điều này phải coi như là việc Chính phủ xây dựng đường phố giao thông công cộng. Đây là việc mà các công ty viễn thông nhà nước, như Viettel và VNPT có thể thực hiện dễ dàng.
- Miễn phí toàn bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12. Chính sách này sẽ giúp chống tiêu cực trong việc xuất bản sách giáo khoa, và đảm bảo rằng mọi học sinh, dù xuất thân từ hoàn cảnh kinh tế nào, đều được tiếp cận những tài liệu học tập chất lượng cao như nhau.
- Thành lập các phòng tư vấn miễn phí tại các tỉnh, thành để hỗ trợ học sinh Việt Nam tiếp cận các cơ hội du học quốc tế. Thay vì cung cấp học bổng du học, Chính phủ cần cung cấp dịch vụ miễn phí này để giúp học sinh tự mình tìm kiếm học bổng từ các trường đại học trên thế giới. Điều này không chỉ giúp tăng thêm danh tiếng cho sinh viên Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn tăng cường sự chủ động và tinh thần trách nhiệm của học sinh Việt Nam.
- Nâng cao vị thế của giáo viên. Giáo viên cần được trả lương cao nhất trong số các công chức, biến nghề dạy học thành một nghề cạnh tranh, thu hút những tài năng xuất sắc nhất.
- Tăng cường đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu. Chính phủ cần tăng cường đầu tư mạnh mẽ hơn vào giáo dục. Ngân sách cho ngành giáo dục nên vượt qua mức 20% mỗi năm. Thêm vào đó, Chính phủ nên dành thêm 20% ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu khoa học có liên quan đến giáo dục, nhằm thúc đẩy đổi mới và phát triển.
Việc tăng cường đầu tư vào giáo dục không chỉ nhằm mang lại lợi ích trước mắt, mà còn gắn liền với sự phát triển của quốc gia trong tương lai. Giáo dục góp phần bảo vệ Độc lập bằng cách xây dựng một thế hệ công dân tự lực, tự cường. Một dân tộc có học vấn cao sẽ có đủ năng lực để sáng tạo, đổi mới và duy trì tăng trưởng kinh tế, giúp quốc gia mình đứng vững trên trường quốc tế. Giáo dục cũng thúc đẩy Tự do, trao cho người dân kiến thức và kỹ năng tư duy phản biện để hiểu và thực hiện đầy đủ các quyền tự do của mình. Cuối cùng, giáo dục mang đến Hạnh phúc bằng cách trang bị cho mỗi cá nhân những công cụ cần thiết để đạt được thành công trong cuộc sống cá nhân lẫn sự nghiệp.
T.P