Ngày 08/7/2024, Nhật Bản và Philippines đã ký kết với nhau “Thỏa thuận tiếp cận đối ứng” (RAA) về quốc phòng. Sự kiện này liên tục thu hút sự quan tâm rất lớn cũng như đánh giá, bình luận của dư luận khu vực và thế giới.
Trong đó, đa số ý kiến đều thống nhất cho rằng, RAA ra đời không chỉ thể hiện mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước đã nâng lên một tầm cao mới “chưa từng có”, mà điều sâu xa hơn, quan trọng hơn là: Cả Nhật Bản và Philippines đều muốn gửi đến Trung Quốc một “thông điệp” mạnh mẽ hơn, “nhắc nhở” và “cảnh báo” Bắc Kinh về những gì họ đã và đang thực hiện.
Đó là:
Thứ nhất, không xâm phạm lợi ích của Philippines và Nhật Bản ở Biển Đông
Với Nhật Bản, là quốc gia nằm ở Đông Bắc Á, có vùng biển riêng của mình là biển Nhật Bản và một phần biển Hoa Đông nhưng vẫn thuộc châu Á – Thái Bình Dương, nên quốc đảo này có lợi ích gắn chặt với Biển Đông về nhiều mặt, vì tuy Biển Đông nằm ở Đông Nam Á, nhưng nó lại kết nối gần như liền mạch với Đông Bắc Á và hình thành nên một khu vực biển Đông Á hoàn chỉnh.
Lẽ đương nhiên, Nhật Bản không có và không thể có tranh chấp gì về chủ quyền ở Biển Đông với các nước Đông Nam Á, nhưng Nhật Bản lại có nhiều lợi ích ở vùng biển này. Trước hết là về kinh tế và thương mại: Đây là tuyến đường biển vận tải hàng hóa quan trọng bậc nhất đối với Nhật Bản. Khoảng 42% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Nhật được vận chuyển đi qua vùng biển này, chủ yếu là các nguyên, nhiên liệu, đặc biệt là các loại nhiên liệu hóa thạch rất cần thiết cho việc đảm bảo ổn định nguồn năng lượng phục vụ cho sự phát triển của Nhật Bản. Nếu tuyến hàng hải cực kỳ nhộn nhịp ở Biển Đông bị cản trở hoặc tắc nghẽn, các tàu thuyền của Nhật Bản sẽ phải chuyển lộ trình sang eo biển Lombok và Đông Philippines, khi đó Tokyo phải mất thêm ít nhất là khoảng 700 triệu USD mỗi năm cho chi phí vận tải. Còn nếu như xảy ra xung đột tại Biển Đông, sẽ làm cho tất cả các tuyến hàng hải đi qua đây bị “đóng băng”, Nhật Bản phải bỏ ra thêm 50% chi phí vận tải để đi qua các tuyến đường thay thế khác.
Cùng với lợi ích về kinh tế và thương mại, lợi ích an ninh của Nhật Bản cũng chịu tác động không nhỏ từ khu vực Biển Đông. Tình hình an ninh Biển Đông ổn định thì Nhật Bản có lợi. Ngược lại, nếu xung đột, chiến tranh xảy ra ở đây, sẽ uy hiếp mạnh mẽ đến môi trường an ninh, ổn định và sự phát triển kinh tế của Nhật Bản. Do đó, giới lãnh đạo Nhật Bản đã nhiều lần nhấn mạnh quyết tâm đảm bảo trật tự hòa bình, không để xảy ra xung đột, luôn ủng hộ quan điểm giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế. Thế nhưng, với tham vọng “làm chủ”, “độc chiếm” Biển Đông và cậy thế nước lớn, Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, dùng sức mạnh để “cưỡng chế”, hăm dọa, xâm phạm lợi ích không chỉ của các nước trong khu vực, mà còn của cả các nước ngoài khu vực, trong đó có Nhật Bản, nhất là các lợi ích về tự do hàng hải, hàng không. Biển Đông không còn là “chuyện riêng” giữa ASEAN với Trung Quốc nữa, mà đã trở thành vấn đề an ninh của toàn khu vực. Hiện nay, Nhật Bản đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông, song luôn nhận được sự ủng hộ của đồng minh số 1 là Mỹ. Để bảo vệ Nhật Bản, Mỹ đã nhiều lần cam kết sẽ áp dụng Điều 5 của Hiệp ước đồng minh giữa hai nước, trong đó có vấn đề Senkaku. Ngược lại, bên cạnh việc bảo vệ lợi ích của mình tại Biển Đông, Nhật Bản cũng có nghĩa vụ phối hợp với Mỹ tại vùng biển này để thể hiện mối quan hệ đồng minh gắn bó mật thiết và “đền đáp” lại cam kết trên của Mỹ, khi mà Mỹ đang triển khai ý đồ chiến lược tại Biển Đông. Việc ký kết RAA với Philippines là sự lựa chọn của Nhật Bản, vừa không chỉ thể hiện sự coi trọng quốc gia thân thiện “cùng chí hướng”, mà còn giúp Nhật Bản can dự sâu hơn vào Biển Đông, tạo thêm “động lực” cho Philippines chống lại Trung Quốc, qua đó góp phần bảo vệ các lợi ích của Tokyo cũng như của Mỹ tại vùng biển có giá trị vào loại bậc nhất thế giới này.
Với Phillippines, là quốc gia nằm ở trung tâm địa chiến lược của châu Á – Thái Bình Dương, có vị trí rất quan trọng ở Biển Đông, đã và đang đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng, nhất là về chủ quyền an ninh quốc gia bởi các hành động xâm lấn ngày càng trắng trợn hơn của Trung Quốc.
Từ đầu năm 2023 đến nay, các vụ “chạm trán” giữa Trung Quốc và Philiippines liên tục xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu vẫn xoay quanh hoạt động tranh chấp chủ quyền giữa hai nước. Bên nào cũng có lý do và đều cho mình “là đúng” và ra sức bảo vệ cái đúng đó. Đáng chú ý là, được sự “hỗ trợ” từ Mỹ và một số nước đồng minh của Mỹ, Philippines ngày càng “tự tin” hơn và đã có sự điều chỉnh chính sách trong quan hệ với Trung Quốc, từ “hòa hoãn, hợp tác” sang “gia tăng đấu tranh, giảm bớt hợp tác”. Trong khi đó, phía Trung Quốc coi những việc làm của Manila trên Biển Đông, nhất là tại khu vực bãi Cỏ Mây là “phản bội thỏa thuận đã đạt được giữa hai nước” và “mang tính khiêu khích”, đồng thời đáp trả kiên quyết và “cứng rắn” hơn. Các vụ việc theo kiểu “ăn miếng, trả miếng” lẫn nhau, nhất là hoạt động phun vòi rồng với công suất lớn, chiếu tia laser “cấp độ quân sự”, đâm va của tàu Hải cảnh Trung Quốc đối với tàu tiếp tế của Philippines liên tục xảy ra. Điển hình nhất là ngày 17/6/2024, tàu Hải cảnh Trung Quốc và tàu tiếp tế của Philippines đã va chạm ở bãi Cỏ Mây. Vụ va chạm tuy không gây chết người hay làm hư hại nặng phương tiện của hai bên, nhưng theo tố cáo của Tổng Tư lệnh Quân đội Philippines Romeo Brawner thì: “Họ (Trung Quốc) đã nhảy lên tàu của chúng tôi một cách bất hợp pháp, cướp thiết bị của chúng tôi, hành động như cướp biển”. Đứng trước mối uy hiếp từ Trung Quốc, ngoài việc dựa vào đồng minh hiệp ước là Mỹ, Philiipines đã tập hợp thêm lực lượng, bằng cách mở rộng quan hệ với các nước trong và ngoài khu vực dưới các dạng thức khác nhau để tăng thêm “sức mạnh cứng” trong đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông. Việc ký RAA, nâng cấp quan hệ quốc phòng với Nhật Bản chính là sự lựa chọn đó.
Ngoài ra, do cả Nhật Bản và Philippines đều là “đồng minh thân cận” của Mỹ ở khu vực. Do đó, việc hai nước nâng cấp hợp tác quân sự không chỉ có yếu tố Mỹ đứng sau thúc đẩy, mà còn cho thấy hai nước có ý đồ cùng nhất trí “bắt tay” chặt hơn với Mỹ để bao vây, kiềm chế Trung Quốc.
Thứ hai, quan hệ quốc phòng Nhật – Phi được tăng cường là nhằm đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông
Dựa trên những lợi ích tương đồng, nên từ đầu thế kỷ XXI, Nhật Bản và Philippines đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác chiến lược trên nhiều mặt, đặc biệt là về quốc phòng để đối phó với Trung Quốc. Cụ thể:
Dưới thời Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo ở Philippines, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác toàn diện. Sau khi Benigno Aquino III lên cầm quyền, mối quan hệ này phát triển nhanh chóng hơn, trong đó quốc phòng – quân sự trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng, thậm chí là động lực chính. Tháng 9/2011, hai bên tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương thành đối tác chiến lược. Theo đó, hai nước tăng cường phối hợp giữa các cơ quan an ninh hàng hải với nhau, ví như Nhật Bản cử tàu tuần tra trên biển tới Philippines, hỗ trợ đào tạo và xây dựng năng lực cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines; tăng cường trao đổi giữa các cơ quan quốc phòng, như tổ chức các chuyến thăm lẫn nhau giữa Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản và Tư lệnh Hải quân Philippines, thúc đẩy tàu của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản đến thăm các cảng của Philippines.
Tháng 6/2015, hai nước ký Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, trong đó làm rõ hơn các hoạt động mà Philippines và Nhật Bản có thể cùng thực hiện trong tương lai trên Biển Đông, như tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, đối thoại an ninh, xây dựng năng lực, diễn tập chung, hợp tác an ninh trên biển, chống cướp biển và cướp có vũ trang trên biển…Trong thời gian này, Philippines đã ký hợp đồng mua 10 tàu tuần tra của Nhật Bản cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. Sau khi Rodrigo Duterte nhậm chức Tổng thống Philippines, mặc dù quan hệ quân sự của Phi với Mỹ có thời điểm rơi vào căng thẳng, nhưng Manila vẫn duy trì và tăng cường hợp tác quốc phòng – quân sự với Nhật Bản.
Trước các diễn biến an ninh trên Biển Đông ngày càng phức tạp, hợp tác quốc phòng Nhật – Phi được thúc đẩy mạnh hơn, các cơ chế hợp tác liên quan dần được hoàn thiện. Đối thoại an ninh 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng, Hội nghị Thứ trưởng Quốc phòng, Đối thoại an ninh hàng hải và Đối thoại quốc phòng thường niên… là các cơ chế quan trọng của hợp tác song phương đã hoạt động. Ngoài ra, Nhật Bản và Philippines còn sử dụng các cơ chế đa phương như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng và Hội nghị quốc phòng Tokyo để tiến hành trao đổi song phương. Nội dung và hình thức hợp tác quốc phòng cũng dần được đa dạng hóa. Nhật Bản cung cấp cho Philippines các trang thiết bị quân sự như tàu tuần tra, máy bay huấn luyện, máy bay vận tải. Hai bên còn mở rộng không gian hợp tác trong việc chia sẻ thông tin tình báo, huấn luyện chung và tàu thăm viếng lẫn nhau. Bên cạnh đó, hai nước còn triển khai nhiều cuộc tập trận chung. Tháng 5/2015, Nhật – Phi đã tiến hành diễn tập chung về tránh va chạm ngoài ý muốn trên biển. Tháng 6 cùng năm, hai nước lại tổ chức cuộc tập trận quân sự chung, Nhật Bản điều máy bay tuần tra P-3C đến cảng Puerto Princesa thuộc đảo Palawan, phía Tây Philippines. Tháng 4/2016, Nhật Bản lần đầu tiên làm quan sát viên, tham gia cuộc tập trận chung Balikatan giữa Mỹ và Philippines. Những năm gần đây, tần suất các cuộc tập trận song phương và đa phương giữa Nhật Bản và Philippines ngày càng tăng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình an ninh trên Biển Đông diễn ra rất phức tạp. Trung Quốc liên tục gây hấn với Philippines ở bãi Cỏ Mây. Để “răn đe” và “kiềm chế” Trung Quốc, Nhật Bản và Philippines triển khai mạnh hơn các hoạt động quân sự – quốc phòng. Tháng 11/2023, Mỹ và Philippines phối hợp với Nhật Bản và Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận Kamandag-7 (Hợp tác chiến binh trên biển) tại các “cứ điểm chiến lược” của Philippines, như quần đảo Batanes gần Đài Loan và đảo Palawan gần Biển Đông. Tháng 4/2024, Nhật Bản và Philippines phối hợp với Mỹ và Australia tổ chức cuộc diễn tập “hoạt động hợp tác hàng hải” đầu tiên tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Tháng 6/2024, các tàu của Mỹ, Nhật Bản, Philippines và Canada thực hiện các hoạt động hợp tác hàng hải ở Biển Đông.
Những hoạt động trên cho thấy, quan hệ quốc phòng giữa hai nước ngày càng thắt chặt và mục tiêu hướng đến là ngăn chặn các hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Thế nhưng đây chỉ là những hoạt động ở mức độ thông thường, một số cuộc tập trận quân sự dù đã diễn ra, song chưa đủ độ để có thể “răn đe” và ứng phó kịp thời với sự biến động nhanh chóng, khó lường của môi trường an ninh khu vực.
Ngày 8/7/2024, RAA đã được ký kết, nhưng hai nước không công bố thông tin chi tiết về nội dung. Điều đó cho thấy thỏa thuận này có một số yếu tố nhạy cảm nhất định, đặt trong bối cảnh tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông có nhiều diễn biến phức tạp, mà nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động phi pháp của Trung Quốc gây ra. Tuy nhiên, từ một số thông tin mà Bộ Ngoại giao Nhật Bản tiết lộ cho thấy: Mặc dù không phải là hiệp định phòng thủ quân sự chung vì không có các điều khoản ràng buộc quân đội hai nước phải hỗ trợ lẫn nhau hay cùng tham chiến khi xảy ra chiến tranh, nhưng cái mà RAA tạo ra được bước “đột phá”, mang tính nhảy vọt về cả “lượng” và “chất” trong quan hệ quốc phòng hai nước lại thể hiện ở chỗ, RAA sẽ thiết lập các điều kiện “thuận lợi đặc biệt” cho lực lượng quân đội mỗi nước khi đến hoạt động tại địa phận của nhau và thúc đẩy các hoạt động hợp tác, như các hoạt động tập trận quân sự chung; cứu trợ thiên tai chung; tăng tính tương tác giữa quân đội hai nước; tạo điều kiện thuận lợi cho Nhật Bản tham gia cuộc tập trận Balikatan tới đây với tư cách là thành viên chính thức. Trong tương lai, khi RAA có hiệu lực thực thi, thì bằng các hoạt động thực tế, thỏa thuận này sẽ giúp Nhật Bản mở rộng quan hệ với các nước, lan tỏa sức mạnh quân sự của nước này ra toàn khu vực, đưa Nhật Bản từ một “quốc gia bình thường” trở thành “nước lớn thế giới”; góp phần bảo vệ tuyến hàng hải huyết mạch trên Biển Đông; hỗ trợ, tạo thêm “điểm tựa” mới cho Philippines trong đối phó với Trung Quốc; tạo “chỗ đứng” mới cho Nhật Bản trong việc phối hợp với Mỹ về giải quyết vấn đề Eo biển Đài Loan. Còn đối với Philippines, lợi ích mà RAA đưa đến cho nước này là có thêm cơ hội nâng cao sức mạnh quân sự. Bởi Nhật Bản không chỉ gia tăng các hoạt động tập trận quân sự, tuần tra chung, mà còn cung cấp nhiều hơn nữa cho Philippines các loại vũ khí, trang bị như tàu tuần tra, máy bay chiến đấu, hệ thống ra đa giám sát biển… Mặt khác, cả Nhật Bản và Philippines đều là đồng minh của Mỹ, nên sự ra đời của RAA không chỉ là bước “đột phá” trong quan hệ song phương Nhật – Phi, mà còn là bước tiến mới nhanh chóng của liên minh Mỹ – Nhật – Phi vừa hình thành hồi tháng 4/2024 – một “tiểu liên minh” nằm ở vị trí trung tâm trong hệ thống liên minh ở khu vực dưới sự dẫn dắt của Mỹ để bao vây, kiềm chế Trung Quốc một cách kín kẽ hơn.
Một số tác động đối với an ninh khu vực có khả năng sẽ xuất hiện trong tương lai
Về mặt tích cực: Trước hết là khi RAA ra đời, sẽ giúp giảm đi sự mất cân bằng lực lượng tại khu vực, qua đó góp phần duy trì ổn định an ninh Biển Đông. Bởi lẽ, trong cạnh tranh địa chính trị ở Biển Đông hiện nay, có hai đối tượng chính chi phối độ “nóng, lạnh” về an ninh ở đây là Trung Quốc và Mỹ cùng đồng minh của Mỹ. Nhưng do Mỹ và đồng minh Nhật Bản ở cách xa nhau về địa lý nên gặp nhiều hạn chế trong sự bố trí, hiện diện về lực lượng ở Biển Đông. RAA ra đời sẽ tạo cơ sở cho Nhật Bản tăng thêm sự hiện diện của Lực lượng phòng vệ nước này ngay trong khu vực để phối hợp triển khai các hoạt động hợp tác quân sự song phương Nhật – Phi và đa phương cùng Mỹ và các nước khác tại Philippines. Thỏa thuận này cũng có thể mở ra nhiều hoạt động hợp tác, như phát triển hệ thống phòng thủ, hậu cần, huấn luyện, tập trận quân sự… qua đó nâng cao năng lực của Philippines và khả năng phối hợp tác chiến giữa ba nước Mỹ – Nhật – Phi khi có tình huống xấu xảy ra. Hiện nay, Nhật Bản là một trong những đối tác chủ chốt cung cấp trang thiết bị bảo đảm an ninh trên biển cho Philippines. Năm 2020, Nhật Bản đã ký hợp đồng cung cấp 4 hệ thống ra đa phòng không cho Philippines, trong đó hai hệ thống đã bàn giao năm 2023 và 2024. RAA sẽ tạo cơ sở và động lực thúc đẩy sự tương tác, tin cậy lẫn nhau và hợp tác mạnh mẽ hơn giữa Quân đội hai nước, mở ra nhiều cơ hội để tiếp tục hiện đại hoá năng lực quốc phòng của Philippines. Sự lớn mạnh hơn của Quân đội Philippines, cùng với đó là sự có mặt nhiều hơn của Mỹ, Nhật ở khu vực chắc chắn sẽ buộc Trung Quốc phải suy nghĩ và điều chỉnh hoạt động của mình ở Biển Đông, vùng biển này vì thế có thể “lặng sóng” hơn.
Tiếp theo là tăng tính “tiết chế’ và “răn đe” nhiều hơn đối với các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Xét về tổng thể, RAA giữa Nhật Bản và Philippines là một mắt lưới nhỏ trong mạng lưới hợp tác quân sự đa phương của Mỹ với các đồng minh và giữa các đồng minh của Mỹ với nhau tại khu vực Biển Đông và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trước khi Nhật Bản và Philippines ký RAA, Philippines đã ký Hiệp định Lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ năm 1998, Hiệp định Tình trạng Lực lượng thăm viếng (SOVFA) với Australia vào năm 2017, nâng cấp Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ (EDCA) năm 2023. Còn Nhật Bản đã ký RAA với Australia và Anh vào năm 2022 và 2023. Tất cả những văn kiện có tính pháp lý đó sẽ cho phép các nước nói trên gia tăng phối hợp các hoạt động trên Biển Đông để không chỉ bảo vệ lợi ích của các nước, mà còn có thể “tiết chế” bớt phần nào các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Về mặt tiêu cực: Một là, RAA giữa Nhật Bản và Philippines ra đời có thể đẩy tình hình an ninh khu vực nói chung, Biển Đông nói riêng diễn biến phức tạp hơn. Bởi vì, việc Nhật Bản gia tăng sự hiện diện ở Philippines nói riêng, Biển Đông nói chung đặt trong bối cảnh Mỹ đã triển khai nhiều hệ thống vũ khí, khí tài ở khu vực, nên sẽ tác động đến các toan tính, chính sách của các chủ thể khác trong khu vực; Philippines sẽ có sự “tự tin” và mạnh dạn hơn khi triển khai các hành động mạo hiểm ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ coi đây là những nỗ lực mới của Mỹ và đồng minh để bao vây, kiểm soát nước này, do đó Bắc Kinh sẽ phản ứng bằng cách tiếp tục hành xử “cứng rắn” hơn ở Biển Đông đối với lực lượng đồn trú của Philippines tại bãi Cỏ Mây, xung quanh khu vực bãi cạn Scaroborough và bãi cạn Sabin – nơi mà gần đây Trung Quốc có ý định xây dựng đảo nhân tạo. Điều này sẽ làm cho an ninh khu vực vốn đã phức tạp lại càng diễn biến phức tạp, khó lường hơn.
Hai là, có thể đẩy khu vực vào cuộc chạy đua vũ trang mới. Kể từ đầu năm 2024 đến nay, Biển Đông đã chứng kiến nhiều diễn biến mới phức tạp và căng thẳng, chủ yếu giữa một bên là Trung Quốc và một bên là Philippines và các đồng minh của họ. Đứng trước nguy cơ bất ổn địa – chính trị có thể xảy ra, các nước ASEAN buộc phải, hoặc là chọn tham gia các liên minh “mini” ở khu vực, hoặc là xây dựng mối “đoàn kết” với nhau theo “sách lược mới”, hoặc là tìm kiếm sự đảm bảo an ninh cho mình bằng cách nhanh chóng nâng cao năng lực quân sự – quốc phòng. Trong các lựa chọn đó, việc mở rộng, nâng cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự để nâng cao năng lực quân sự – quốc phòng cho đất nước có lẽ là sách lược quan trọng nhất sẽ được các quốc gia sử dụng để “tự cứu lấy mình trước khi thiên hạ cứu”. Cuộc chạy đua vũ trang lấy tăng cường sức mạnh quân sự của lực lượng hải quân và không quân làm nội dung chính, cùng với đó là các cuộc tập trận quân sự song phương và đa phương có qui mô ngày càng lớn hơn, sẽ trở thành xu thế lan rộng ở Đông Nam Á trong thời gian tới.
Ba là, củng cố xu hướng quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và hình thành các phe phái an ninh đối chọi nhau ở khu vực. Việc Philippines và Nhật Bản đạt được RAA là một phần trong kế hoạch của Philippines nhằm xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác với các quốc gia “cùng chung chí hướng”. Ngoài một số hiệp định, thỏa thuận đã ký với Mỹ, Nhật Bản, Australia, Anh…gần đây Philippines đang đẩy nhanh việc mở rộng quan hệ an ninh với nhiều nước hơn để tăng cường sự hỗ trợ của quốc tế về vấn đề Biển Đông. Sau khi ký RAA với Nhật Bản, Tổng thống Philippines Marcos Jr. cho biết: “Việc ký một thỏa thuận như vậy với Nhật Bản là chưa đủ. Chúng ta cần ký những thỏa thuận kiểu này với nhiều quốc gia hơn”. Philippines đang nghiên cứu để đạt được RAA hoặc các thỏa thuận tương tự với Pháp, Canada và New Zealand. Những biện pháp này sẽ khiến cho xu thế quốc tế hóa vấn đề Biển Đông tăng lên, có thể hình thành một “vòng tròn” nhỏ kích động đối đầu phe phái ở khu vực nói chung, Biển Đông nói riêng. Có thể nói, RAA giữa Nhật Bản và Philippines ra đời rất nhanh, từ khi khởi động cho đến khi ký kết, thời gian chỉ diễn ra trong vòng một năm, nhanh hơn nhiều so với các RAA khác mà Nhật Bản ký với các nước khác. Đây là bước “đột phá” nhanh “đáng kinh ngạc” trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Philippines muốn mở rộng hợp tác an ninh với Nhật Bản để tăng cường năng lực nhằm bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông trước áp lực ngày càng lớn từ phía Trung Quốc. Trong khi đó, Nhật Bản cần mở rộng hợp tác an ninh ra khu vực Biển Đông, rộng hơn là khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để triển khai các chiến lược an ninh của mình. Do hai nước cùng là đồng minh của Mỹ, nên việc tăng cường hợp tác quân sự giữa họ cũng sẽ phục vụ cho các hoạt động hợp tác an ninh của cả ba nước trong khu vực. Việc RAA Nhật – Phi ra đời có thể tạo ra sự cân bằng lực lượng mới, ở mức độ nào đó góp phần làm “dịu hơn” tình hình an ninh Biển Đông. Tuy nhiên, đây là một thỏa thuận về quân sự, ra đời vào lúc Biển Đông đang “nổi sóng”, đối đầu nhiều hơn đối thoại. Nó cũng là cơ sở pháp lý cho phép nhiều loại vũ khí, trang thiết bị quân sự được “đổ dồn” về Biển Đông. Điều đó cho thấy, Thỏa thuận trên có thể mang đến một số mặt tích cực nào đó cho an ninh khu vực, nhưng mặt tiêu cực thì chắc chắn sẽ nhiều hơn và lớn hơn. Một số chuyên gia Biển Đông của Trung Quốc đã cảnh báo chính phủ nước này rằng, Nhật Bản có thể gây thêm nhiều “rắc rối” hơn ở Biển Đông sau khi ký RAA với Philippines, do đó Trung Quốc phải suy nghĩ, nhận thức rõ ràng về “mối đe dọa” này, đồng thời xem xét lại tổng thể các chính sách ngắn hạn và dài hạn để có biện pháp đối phó mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Biển Đông vì thế nhiều khả năng lại “chao đảo” trước nhiều “sóng lớn”.