Vào tuần trước, khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine bắn tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất vào các mục tiêu xung quanh tỉnh Kursk của Nga, lực lượng không quân Nga đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống các tên lửa ATACMS, mỗi tên lửa có thể chứa tới 950 đầu đạn con, sắp được bắn xuống.
Tình huống này đã xảy ra vào rạng sáng ngày 25/11. “Chuyện gì đang xảy ra vậy. Nó phát nổ rồi!”, một quân nhân Nga thốt lên trong đoạn video khi ít nhất một trong những tên lửa ATACMS phát nổ trên căn cứ không quân Khalino ở Kursk, cách biên giới Nga – Ukraine 112km. Một tên lửa ATACMS có tầm bắn xa tới 300km.
Trận tập kích “có khả năng tạm thời khiến sân bay ngừng hoạt động”, Frontelligence Insight, một nhóm phân tích của Ukraine, đưa tin. Đây là tín hiệu tích cực đối với lực lượng Ukraine gồm 20.000 quân, đang chiếm giữ khu vực xung quanh thị trấn Sudzha ở Kursk, cách Khalino 80km về phía tây nam. Lực lượng này dự đoán Nga sẽ mở cuộc tấn công quy mô lớn trong những ngày tới.
Khalino là căn cứ quân sự gần nhất với mặt trận Kursk, vì vậy, việc không quân Nga bố trí các máy bay tấn công mặt đất chính, Sukhoi Su-25, tại căn cứ này là điều hợp lý. Lực lượng Su-25 của Nga đã bị lực lượng phòng không Ukraine làm tổn thất nặng nề trong 33 tháng diễn ra chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Cuộc tấn công vào căn cứ Khalino có thể đã gây tổn hại cho các máy bay Su-25 của Nga. Nga hiện chưa xác nhận thiệt hại sau vụ tấn công này.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 25/11 cho biết, lực lượng phòng không của nước này đã bắn hạ 8 tên lửa đạn đạo phóng từ Ukraine trong vòng 24 giờ.
Trước đó, Nga đã phải tìm cách xây dựng các rào chắn tại căn cứ, có khả năng bảo vệ một số máy bay. Nhiều máy bay Su-25 có thể đã được sơ tán ngay trước cuộc đột kích của tên lửa ATACMS.
“Hoạt động tại căn cứ đã giảm đáng kể trong những ngày gần đây, nên không rõ liệu có nhiều máy bay bị bắn trúng hay không”, Frontelligence Insight cho biết.
Cuộc tấn công vào Khalino có thể gây tổn hại cho căn cứ tiền tuyến quan trọng của lực lượng máy bay không người lái Nga. Nếu có bất kỳ khẩu đội tên lửa đất đối không hoặc radar nào bốc cháy trong cuộc đột kích, có thể sẽ xuất hiện một lỗ hổng mới trong hệ thống phòng không của Nga. Theo Frontelligence Insight, điều đó “có thể tạo ra cơ hội cho các cuộc tấn công trong tương lai với nhiều máy bay không người lái giá rẻ hơn và số lượng lớn hơn”.
Cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS hôm 25/11 là cuộc tấn công lớn thứ ba của Ukraine vào các mục tiêu chiến lược trong và xung quanh vùng Kursk kể từ khi Mỹ – sau đó là Anh và Pháp – cho phép Ukraine sử dụng tên lửa của các nước này để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Ukraine mở chiến dịch đột kích vào Kursk từ đầu tháng 8, tuyên bố kiểm soát một phần lãnh thổ Nga ở biên giới. Khi trận chiến ở Kursk leo thang, nhiều cuộc tấn công của Ukraine có khả năng xảy ra hơn. Nga được dự đoán cũng sẽ trả đũa nhiều hơn.
Cuộc tấn công bằng tên lửa siêu vượt âm đời mới của Nga vào thành phố Dnipro ở Ukraine tuần trước được coi là một trong những đòn đáp trả của Nga đối với việc Ukraine phóng tên lửa ATACMS vào lãnh thổ Nga. Moscow tuyên bố, đây là tên lửa thế hệ mới có tốc độ gấp 10 lần âm thanh và hiện tại không hệ thống phòng không nào có khả năng đánh chặn.
T.H