Đến nay, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã hoàn thiện các chọn lựa cho vị trí Ngoại trưởng, Cố vấn An ninh quốc gia, Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Tài chính – vốn được xem là bộ khung quan trọng cho chính sách ngoại thương của Nhà Trắng trong 4 năm sắp tới.
Cụ thể, sau khi chọn Thượng nghị sĩ Marco Rubio giữ vị trí Ngoại trưởng và Hạ nghị sĩ Mike Waltz trở thành Cố vấn An ninh quốc gia, ông Trump mới đây công bố đã chọn hai nhà đầu tư tài chính là Howard Lutnick và Scott Bessent lần lượt làm Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Tài chính Mỹ. Đây có thể xem là 4 vị trí gần như quyết định chính sách ngoại thương của Mỹ.
Đội hình cứng rắn với công cụ tăng thuế
Trong đó, việc chọn lựa Thượng nghị sĩ Rubio làm Ngoại trưởng và Hạ nghị sĩ Waltz làm Cố vấn An ninh quốc gia báo hiệu xu hướng “diều hâu” của Nhà Trắng trong chính sách đối ngoại. Đó là vì cả hai nghị sĩ này đều được đánh giá là cứng rắn, có xu thế sử dụng các biện pháp “cơ bắp” trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, Iran hay Nga… cũng như giải quyết các vấn đề đối ngoại.
Ngược lại, hai ông Howard Lutnick và Scott Bessent lại chưa từng làm chính trị, có xuất thân là giới đầu tư tại Mỹ. Ông Lutnick là Giám đốc điều hành Công ty môi giới Cantor Fitzgerald ở Phố Wall. Tuy ít khi đề cập đến vấn đề Trung Quốc, nhưng ông Lutnick lại thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ về việc sử dụng chính sách thuế quan, đặc biệt đối với những đối tác như Trung Quốc. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài CNBC vào tháng 9, ông Lutnick đặc biệt nhấn mạnh điều này. “Thuế quan là một công cụ tuyệt vời để tổng thống sử dụng – chúng ta cần bảo vệ người lao động Mỹ”, ông Lutnick nói.
Tương tự, ông Bessent, người được Tổng thống đắc cử Trump chọn làm Bộ trưởng Tài chính, cũng khẳng định điều này. Năm nay 62 tuổi, ông Bessent là một nhà đầu tư nổi tiếng ở Phố Wall và rất thân cận với nhà tài phiệt George Soros. Tỉ phú Bessent luôn thể hiện là một người ủng hộ cải cách thuế và giảm bớt các quy định. Chính vì thế, việc ông Trump chọn lựa ông Bessent làm Bộ trưởng Tài chính khiến nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ giảm bớt các thủ tục hành chính và thuế đối với doanh nghiệp nội địa. Nhưng vấn đề là ông cũng khẳng định cần sử dụng công cụ thuế đối với giao thương quốc tế.
Chính vì thế, đội ngũ trên của ông Trump báo hiệu chính sách đối ngoại cứng rắn và thuế là công cụ quan trọng.
Thế khó cho Trung Quốc
Với “bộ sậu” trên, gần như đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại thương của Mỹ sắp tới, giới quan sát đánh giá Trung Quốc sẽ đối mặt áp lực lớn.
Trong báo cáo mới đây do Công ty phân tích Moody’s gửi đến Thanh Niên, kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn về xuất khẩu.
Theo đó, Công ty phân tích Moody’s dự báo Mỹ sẽ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ quý 2/2025 và thuế suất đạt đỉnh khoảng 40% vào cuối năm 2025. Đối với các nước khác, Mỹ có thể tăng thuế thêm 5 điểm phần trăm. Do Mỹ chiếm khoảng 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, nên với mức thuế trên được dự báo dẫn đến giảm tiêu thụ khiến cho xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 6% vào năm 2026.
Tuy nhiên, báo cáo trên cũng kỳ vọng mức thuế nhập khẩu của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ giảm từ năm 2026 và ổn định ở mức 20% vào năm 2027. Nên nếu thuế suất dần giảm như dự báo, thì mức giảm của xuất khẩu Trung Quốc sẽ còn khoảng 3% vào năm 2027. Trong khi đó, mức thuế của Mỹ áp dụng đối với các nước khác được dự báo sẽ giảm dần từ năm 2026.
Từ dự báo trên, Công ty phân tích Moody’s đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2025 từ mức 4,7% xuống còn 4,2%. Thậm chí, nếu bị Mỹ tiếp tục duy trì mức thuế nhập khẩu cao đến năm 2026, Trung Quốc có thể chỉ tăng trưởng kinh tế còn 3,7%.
T.P