Tuesday, December 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChính trường Philippines sóng gió

Chính trường Philippines sóng gió

Ngày 23/11 vừa qua, bà Sara Duterte, phó tổng thống Philippines, công khai tuyên bố đã chỉ thị cho một người giết tổng thống Marcos, vợ ông là bà Liza Araneta-Marcos và Chủ tịch Hạ viện Martin Romualdez, nếu bà bị ám sát.

Phó Tổng thống Philippines Sara Duterte (trái) và Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.

Tuyên bố trên lập tức làm dậy sóng luận Philippines. Nhiều người trong giới quan sát nhận định rằng, đây là dấu hiệu cho thấy, chính trường Philippines “có chuyện”. Đảo quốc này, có thể nói, đang đau đầu với “giặc ngoài” là Trung Quốc với liên tục các vụ quấy phá trên Biển Đông, thì nay, lại thêm vụ “cả nhà tổng thống” bị dọa giết – chẳng lẽ lại không nghiêm trọng?

Ngay sau đó, Bộ Tư pháp Philippines vào cuộc điều tra. Còn lực lượng an ninh thì thay đội cận vệ của bà Duterte. Còn dư luận, đang chờ đợi một quyết định mang tính trừng phạt từ tổng thống, thì bất ngờ, ngày 29/11, tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời ông Marcos cho biết, ông đã nói với quốc hội không yêu cầu luận tội bà Sara Duterte.

Câu hỏi đưa ra: Tại sao nhẹ tay như thế? Câu trả lời từ nhiều người là: Ông Marcos làm thế nhiều khả năng do muốn duy trì sự ổn định chính trị của Philippines.

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. và Phó Tổng thống Sara Duterte không chỉ là hai chính trị gia nổi bật, mà còn là những đại diện của hai gia tộc quyền lực lớn nhất Philippines. Gia tộc Duterte, với sự lãnh đạo của cựu tổng thống Rodrigo Duterte, có ảnh hưởng mạnh mẽ ở khu vực đảo Mindanao, và có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống chính trị Philippines. Trong khi đó, gia tộc Marcos, dù đã từng mất quyền lực trong cuộc Cách mạng Quyền lực Nhân dân Philippines năm 1986, nhưng Ferdinand Marcos Jr., con trai của cựu Tổng thống Ferdinand Marcos, đã vượt qua nhiều ứng viên nặng ký, giành lại vị thế và trở thành tổng thống vào năm 2022.

Liên quan sự kiện chính trị đình đám này, giới phân tích chỉ ra rằng, thắng lợi của ông Marcos không thể thoát ly sự hỗ trợ mạnh mẽ của gia tộc Duterte trong chiến dịch tranh cử. Vì thế, khi đã yên vị trên ghế quyền lực, đổi lại, bà Duterte chính thức trở thành phó tổng thống của ông Marcos.

Về lý thuyết, đây là một liên minh mạnh mẽ giữa hai gia tộc quyền lực của Philippines để đối phó với những thách thức trong nước và quốc tế. Tương lai chính trị của họ, ít nhất là trong giai đoạn đầu, có vẻ đầy triển vọng. Họ đều có cùng mục tiêu củng cố quyền lực và duy trì sự ổn định chính trị, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế và xã hội, và cả chủ quyền biển đảo.

Tuy nhiên, cuộc đời không phải lúc nào cũng hanh thông. Qua bình minh là tới hoàng hôn. Căng thẳng trong nội bộ chính quyền Manila bắt đầu lộ diện khi quyền lực thực sự được phân chia. Sau một thời gian nắm giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục, bà Sara Duterte bất ngờ tuyên bố từ chức vào ngày 19 tháng 6 năm 2024, khiến nhiều người nghi ngờ về mức độ ủng hộ trong nội bộ chính quyền của ông Marcos đối với bà Duterte. Đồng thời, dư luận đồn đoán, sự rạn nứt này dường như chỉ là dấu hiệu đầu tiên của một mối quan hệ chính trị đang ngày càng xấu đi và trở nên căng thẳng.

Vào cuối tháng 11 năm 2024, căng thẳng đến đỉnh. Phát biểu của bà Duterte về việc ám sát Tổng thống Marcos, dù có thể được hiểu là một lời đe dọa theo kiểu “nếu thì”, nhưng thực tế, đã làm dấy lên những nghi ngờ nghiêm trọng về sự ổn định chính trị của đất nước, do đã chạm đến những điểm nhạy cảm trong chính trường. Những cuộc điều tra ngay lập tức được mở ra cùng với những biện pháp phòng trừ những hành vi manh động nhằm vào tổng thống Marcos…

Vậy nên, khi ông Marcos Jr. không yêu cầu luận tội bà Duterte, giới quan sát vẫn cho rằng, ông Marcos thấy rõ sự nghiêm trọng của vụ việc. Nhưng ông nhận thức được rằng một cuộc đối đầu công khai sẽ chỉ càng làm xấu thêm mối quan hệ cần có. Thế nên, thay vì làm sâu sắc thêm sự chia rẽ chính trị, ông chọn cách giữ “đuề huề”, ít nhất là trên bề mặt, để bảo vệ sự ổn định của chính quyền.

Cũng chính thế, quyết định không yêu cầu luận tội không phải là một giải pháp vĩnh viễn. Trong một quốc gia mà các gia tộc quyền lực có ảnh hưởng sâu rộng, căng thẳng quyền lực, lợi ích và ảnh hưởng luôn âm ỉ. Chỉ một sai sót nhỏ, mọi thứ có thể bùng nổ. Ông Marcos có thể tránh được một cuộc khủng hoảng chính trị ngay lập tức, nhưng về lâu dài, sự ổn định chính trị mà ông đang cố gắng duy trì sẽ rất khó đảm bảo. Dù ông Marcos nỗ lực kiềm chế các căng thẳng tới đâu, một sự thay đổi trong cách tiếp cận của bà Duterte, hoặc sự chuyển biến trong các vấn đề khu vực vẫn có thể làm đảo lộn tình hình chính trị hiện tại. Đó là chưa kể các bất đồng về chính sách, về sự phân chia quyền lực trong chính phủ…

Tóm lại, quyết định của Tổng thống Marcos không yêu cầu luận tội bà Duterte trong bối cảnh hiện nay có thể là một chiến lược tạm thời để tránh rạn nứt sâu sắc trong chính quyền. Nhưng ít ai tin rằng, nó có thể đảm bảo sự ổn định lâu dài khi các mâu thuẫn trong chính trị Philippines, đặc biệt là giữa hai gia tộc quyền lực này, vẫn còn đó.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới