Tổng thống Ferdinand Marcos nói rằng thông tin về sự xuất hiện của tàu ngầm Nga trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines ở Biển Đông là ‘rất đáng lo ngại’.
Ngày 2-12, tờ Inquirer của Philippines trích dẫn các nguồn an ninh đưa tin một tàu ngầm tấn công của Nga đã nổi lên bên trong EEZ của Manila vào tuần trước.
“Điều đó rất đáng lo ngại. Bất kỳ sự xâm phạm nào vào Biển Tây Philippines (cách Philippines gọi Biển Đông), EEZ của chúng tôi, các đường cơ sở của chúng tôi, đều rất đáng lo ngại”, ông Marcos nói với các phóng viên sau đó.
Nhà lãnh đạo Philippines không đề cập chi tiết sự xuất hiện của tàu ngầm Nga, nói rằng ông sẽ để quân đội thảo luận về vấn đề này.
Hãng tin Reuters cho biết Hải quân Philippines và Đại sứ quán Nga tại Manila chưa đưa ra bình luận nào.
Theo các nguồn tin của Inquirer, chiếc tàu ngầm là Ufa lới Kilo II của Hải quân Nga. Nó lần đầu tiên được phát hiện cách khu vực Occidental Mindoro 148 km (80 hải lý) về phía tây vào ngày 28-11 từ hướng Malaysia.
Các nguồn tin tiết lộ Hải quân Philippines đã ngay lập tức điều máy bay và tàu chiến để theo dõi hoạt động của chiếc tàu ngầm. Tuy nhiên nguồn tin không nói rõ vì sao tàu ngầm lại nổi lên.
Sau đó, tàu ngầm của Nga tiếp tục nổi lên khi di chuyển chậm về phía bắc, bên ngoài vùng lãnh hải của Philippines, cho đến cuối tuần qua. Trong suốt hành trình, tàu Ufa luôn nằm trong tầm quan sát của Hải quân Philippines.
Các tàu ngầm lớp Kilo nặng 4.000 tấn có thể lặn tuần tra trong 45. Loại tàu này được Liên Xô thiết kế vào những năm 1970 và đã được nâng cấp trong những năm sau đó. Riêng chiếc Ufa được đưa vào hoạt động năm 2022 và thuộc Hạm đội Thái Bình Dương Nga. Tàu dài 74 m, có tầm hoạt động 12.000 km ở độ sâu 240m, tối đa 300m.
Được mệnh danh là một trong những tàu ngầm thầm lặng hiện đại nhất, Ufa có khả năng bắn tên lửa Kalibr đang được Nga sử dụng ở Ukraine.
Sự xuất hiện của con tàu diễn ra giữa lúc căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc leo thang trong năm qua ở Biển Đông.
Trung Quốc và Nga đã tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” khi Tổng thống Vladimir Putin đến thăm Bắc Kinh vào năm 2022. Hai nước cũng đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân bắn đạn thật ở Biển Đông vào tháng 7-2024.
T.H