Quan chức Mỹ không loại trừ khả năng Nga có thể tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm vào Ukraine sau vụ phóng tên lửa Oreshnik tháng trước.
Theo Hãng tin Reuters, ngày 11-12, một quan chức Mỹ không nêu tên nhận định Nga có thể phóng một tên lửa đạn đạo siêu vượt âm khác vào Ukraine trong những ngày tới.
Nga lần đầu tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung siêu vượt âm Oreshnik vào thành phố Dnipro của Ukraine vào hôm 21-11.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đó là động thái phản ứng trước việc Ukraine lần đầu tiên sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS của Mỹ và Storm Shadow của Anh để tấn công vào lãnh thổ Nga, sau khi Kiev được phương Tây “bật đèn xanh”.
Tuy nhiên vị quan chức Mỹ nêu trên cho biết Washington không coi Oreshnik là vũ khí giúp “thay đổi cục diện trên chiến trường”.
Trước đó ông Putin tuyên bố nếu Ukraine tiếp tục phóng vũ khí tầm xa của phương Tây sang Nga, Matxcơva có thể sử dụng Oreshnik để tấn công Ukraine một lần nữa và không loại trừ việc nhắm đến các “trung tâm ra quyết định” ở Kiev.
Ông Putin khẳng định Oreshnik không thể bị đánh chặn và có sức hủy diệt tương đương với vũ khí hạt nhân, ngay cả khi chỉ được trang bị đầu đạn thông thường.
Một số chuyên gia phương Tây nhận định đặc điểm đặc biệt của Oreshnik là loại vũ khí này có thể mang theo nhiều đầu đạn với khả năng tấn công đồng thời vào các mục tiêu khác nhau.
Đây là điều thường chỉ thấy ở các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tầm bắn xa hơn.
Theo Reuters, vị quan chức Mỹ không nêu tên cho rằng các tên lửa này chỉ mang tính “thử nghiệm” và Nga có thể chỉ sở hữu số lượng ít, đồng thời tên lửa Oreshnik có đầu đạn nhỏ hơn so với các loại tên lửa khác mà Nga đã triển khai ở Ukraine.
Mỹ cho biết đang tiến hành các đợt chuyển giao hệ thống phòng không cho Ukraine.
Xung đột Nga – Ukraine đang bước vào giai đoạn mà một số quan chức Nga và phương Tây cho rằng có thể là giai đoạn cuối cùng và nguy hiểm nhất, khi lực lượng Matxcơva tiến quân với tốc độ nhanh nhất kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2-2022.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào tháng 1-2025, đã thúc đẩy lệnh ngừng bắn và đàm phán để nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến, làm dấy lên những nghi ngờ về sự ủng hộ của Washington dành cho Kiev.
T.H