Quan chức Nga cho rằng nếu Mỹ thực sự muốn chấm dứt xung đột Ukraine, Washington sẽ lệnh cho lực lượng vũ trang Ukraine rút khỏi vùng Donbass.
“Nếu Washington thực sự muốn chấm dứt xung đột, họ sẽ ngay lập tức lệnh cho Kiev đưa lực lượng vũ trang Ukraine khỏi các vị trí của họ ở 4 khu vực mới của Nga”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova phát biểu tại cuộc họp báo hôm 11/12, đề cập đến các vùng lãnh thổ ở Ukraine mà Nga đã tuyên bố sáp nhập.
“Những người mong đợi Nga nhượng bộ thì hoặc là họ thiếu thông tin hoặc là họ có trí nhớ ngắn hạn”, bà Zakharova lưu ý.
Bà Zakharova cho biết Moscow sẵn sàng thảo luận một thỏa thuận về Ukraine với Washington, nhưng cho đến nay, Nga vẫn chưa nhận được bất kỳ đề xuất nghiêm túc nào từ phía Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Theo nhà ngoại giao Nga, Bộ Ngoại giao Nga đang phải đối mặt với nhiều câu hỏi về việc liệu Moscow có sẵn sàng đàm phán với ông Trump và đội ngũ của ông hay không.
“Tất nhiên, chúng tôi đã sẵn sàng, bao gồm cả trong bối cảnh giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ kịch bản nghiêm túc nào để giải quyết các mối quan ngại an ninh hợp pháp của Nga và đảm bảo quyền của người nói tiếng Nga”, bà Zakharova nói.
Bà Zakharova cho biết, các điều khoản mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra trước đó cho một thỏa thuận về Ukraine phải là nền tảng cho bất kỳ thỏa thuận nào.
Tại một cuộc họp với Bộ Ngoại giao Nga hồi tháng 6, Tổng thống Putin đã nêu ra các điều kiện để giải quyết tình hình ở Ukraine.
Nga yêu cầu Ukraine rút lực lượng vũ trang khỏi các vùng lãnh thổ mà Moscow đã tuyên bố sáp nhập và Kiev phải từ chối gia nhập NATO. Ngoài ra, Nga muốn tất cả các lệnh trừng phạt của phương Tây phải được dỡ bỏ và yêu cầu Ukraine cam kết theo đuổi tình trạng không liên kết cũng như không có vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, các quyền và lợi ích của cộng đồng nói tiếng Nga cũng cần được đảm bảo.
Ukraine đã bác bỏ các điều kiện trên của Tổng thống Putin, đồng thời tuyên bố sẽ theo đuổi công thức hòa bình do Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov ngày 11/12 tuyên bố, Moscow đã bày tỏ thiện chí xem xét các đề xuất tiềm năng để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine nếu chúng được chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra.
“Nếu chính quyền tiếp theo của Mỹ thể hiện cam kết giải quyết vấn đề này và đưa ra các đề xuất cụ thể, phía chúng tôi sẽ vẫn sẵn sàng xem xét các đề xuất đó. Tuy nhiên, thiện chí xem xét không đồng nghĩa với sự đồng ý”, ông giải thích rõ.
Theo ông Ryabkov, Nga không thấy có giải pháp thay thế nào ngoài đề xuất của Tổng thống Putin để giải quyết xung đột Ukraine.
Ukraine có thể cầm cự bao lâu khi Mỹ cắt viện trợ quân sự?
Trong cuộc phỏng vấn với báo El Pais (Tây Ban Nha), khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ ngừng cung cấp viện trợ, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhii Marchenko thừa nhận việc ngừng viện trợ là một thách thức nghiêm trọng đối với năng lực phòng thủ của Ukraine.
“Chúng tôi phải có một kế hoạch để thiết lập các điều kiện cần thiết cho sự hợp tác với chính quyền mới của Mỹ. Việc xây dựng lòng tin để hợp tác là lợi ích tự nhiên của Ukraine. Tôi nghĩ rằng đây nên là chiến lược ưu tiên cho cả Ukraine và châu Âu”, ông Marchenko nói.
Theo ông Marchenko, Ukraine cần “sử dụng khoảng thời gian này một cách khôn ngoan và có thể đàm phán với chính quyền mới” của Mỹ để giải quyết tình trạng bất ổn này.
“Tôi tin rằng chúng ta có đủ tài chính, vũ khí, tên lửa và đạn pháo để cầm cự ít nhất cho đến nửa đầu năm 2025. Chúng ta sẽ đảm bảo phân bổ đủ ngân sách để mua đạn dược và thiết bị quân sự cần thiết vào năm 2025”, ông tuyên bố.
Ông cho biết Ukraine đang nhận được vũ khí cần thiết từ Mỹ. “Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ được trang bị vũ khí tốt để chống lại hành động tấn công này ít nhất là trong nửa đầu năm sau. Ukraine phải sử dụng khoảng thời gian này một cách rất khôn ngoan để tiến hành các cuộc đàm phán cần thiết với các đồng minh chính của chúng ta tại Mỹ”, quan chức Ukraine nhấn mạnh.
Trước đó, ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine hàng trăm nghìn quả đạn pháo, hàng nghìn tên lửa và hàng trăm xe bọc thép vào giữa tháng 1 năm sau.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đảm bảo với NATO và Ukraine rằng Washington sẵn sàng phân bổ toàn bộ nguồn tài trợ được Quốc hội Mỹ phê duyệt cho Kiev.
Vào ngày 7/12, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố gói viện trợ an ninh mới cho Ukraine trị giá 988 triệu USD.
Theo cuộc thăm dò mới nhất của CBS/YouGov được công bố vào ngày 25/11, công chúng Mỹ tỏ ra chia rẽ về việc có nên tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine hay không, với đa số phản đối.
Cuộc khảo sát được thực hiện ngay sau chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump, diễn biến làm dấy lên lo ngại về việc Mỹ sẽ cắt giảm sự hỗ trợ quan trọng của nước này cho Ukraine.
Ukraine ban đầu nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ khi xung đột với Nga nổ ra nhưng những ý kiến phản đối ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng để ngỏ khả năng dừng cấp viện trợ cho Ukraine.
Theo thông tin được công bố trên báo Telegraph (Anh), ông Trump có ý định sử dụng chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” để thúc đẩy Nga và Ukraine tham gia các cuộc đàm phán hòa bình.
Theo kế hoạch này, Mỹ sẽ dọa cắt giảm hoặc dừng hoàn toàn viện trợ quân sự cho Ukraine nhằm buộc Kiev phải bắt đầu đàm phán với Nga. Mặt khác, Washington cũng ra “tối hậu thư” với Moscow, dọa sẽ tăng cường trừng phạt kinh tế và các biện pháp gây sức ép khác nếu Nga trì hoãn quá trình giải quyết xung đột.
T.H