Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLiệu nước Mỹ có tránh được một Việt Nam khác trong tương...

Liệu nước Mỹ có tránh được một Việt Nam khác trong tương lai?

Nhà báo, sử gia Mỹ Frances FitzGerald viết nhiều sách về lịch sử Việt Nam và đã giành được nhiều giải thưởng. Bà viết bài này trong dịp một hội thảo xem xét lại cuộc chiến tranh Việt Nam tổ chức tháng 2/1983 tại Mỹ.

Nữ nhà báo Mỹ Francis FitzGerald chụp ảnh cùng những người lính Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam năm 1973.

Trong bài viết được in lại trong cuốn “Vietnam reconsidered: Lessons from a war” (Việt Nam: Xem xét lại, bài học từ cuộc chiến tranh), FitzGerald đã nêu lên những bài học của cuộc chiến tranh cho người dân, nhà báo, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng thống Mỹ. Để có thể giúp bạn đọc hiểu được suy nghĩ của một nhà sử học Mỹ về chiến tranh Việt Nam, Tạp chí Phương Đông xin dịch và đăng lại toàn văn bài viết.

Đây là câu hỏi dễ trả lời bởi vì đâu có dễ dàng gì mà nước Mỹ lại tham gia vào một cuộc chiến phải trả giá bằng hàng nghìn sinh mạng người Mỹ và hàng triệu, thực ra thì không thể đếm được, sinh mạng người Đông Dương. Hành động can dự như vậy đâu có dễ.

Việt Nam không phải là bãi lầy vì chính chúng ta đã chủ động bước vào cuộc chiến, chúng ta bị hút vào và rồi không thể rút ra được cho dù đã cố gắng rất nhiều. Đó là cách giải thích của sách giáo khoa và theo tôi thì cũng có thể là cách giải thích trong phim ảnh về cuộc chiến. Thực ra, Mỹ đã tạo ra cuộc chiến này. Và nếu chúng ta tính từ thời điểm Hiệp định Geneva được ký kết năm 1954, cố gắng của chúng ta mất hai mươi năm. Việc này đã mất rất nhiều thời gian, tốn rất nhiều tiền bạc và hao tổn rất nhiều năng lượng. Không có gì dễ hơn là phải tránh một Việt Nam trong tương lai.

Không can thiệp vào công việc nội bộ của một nước nhỏ thuộc thế giới thứ ba, đặc biệt là những nước không quan trọng về kinh tế và chiến lược với Mỹ là công việc dễ. Không dính líu với những Chính phủ yếu đuối, tham nhũng và đàn áp ngay cả khi bạn không mất nhiều công để gây dựng những Chính phủ đó cũng rất dễ. Điều này đặc biệt dễ khi người dân vẫn nhớ những điều khủng khiếp xẩy ra trong chiến tranh. Và lẽ dĩ nhiên, nếu chính quyền nào quên đi bài học Việt Nam thì chỉ cần nhìn vào vai trò của Liên Xô ở Afghanistan. Theo tờ Thời báo New York, Nga đã chịu thương vong khoảng 12.000 đến 15.000 quân rồi, chưa nói đến hằng hà sa số dân thường Afghanistan thương vong.

Tất nhiên, điều rất có thể xẩy ra là chính quyền chúng ta sẽ quên bài học này và tìm cách lặp lại lịch sử. Thật vậy, chính quyền Reagan hiện tại có vẻ như đang tiến hành những bước thăm dò cần thiết ở Trung Mỹ. Nếu điều này là đúng thì tôi hay bất kỳ ai cũng hầu như chẳng làm được gì. Tôi phải nói rằng cử điệp viên CIA và cố vấn quân sự của Mỹ đến Trung Mỹ đầy biến động là bằng chứng về tình trạng bất ổn tâm trí.

Tôi không thể nói với chính quyền Reagan những điều phải làm để ngăn không cho một Việt Nam khác xẩy ra, nhưng tôi có thể rút ra những bài học chi tiết từ những điều chúng ta đã trải nghiệm ở Việt Nam: những câu chuyện về thái độ thận trọng, những góp ý thực dụng, những lời thông thái, những gì các cá nhân và các nhóm can dự vào cuộc chiến để lại cho chúng ta.

Đầu tiên là với những người có vai trò làm “thái thú” ở xứ nhiệt đới, họ có thể học được nhiều từ kinh nghiệm của Tướng Edward Lansdale và những người kế nhiệm trong quan hệ với Ngô Đình Diệm. Bài học đầu tiên là bạn có thể tạo dựng một lãnh đạo, tìm ra một người, trao cho người đó quyền lực, bảo vệ người đó với tất cả khả năng của mình, nhưng mục tiêu của người đó lại không trùng mục tiêu của bạn. Theo ngôn từ của một lãnh đạo Bắc Việt Nam thì bạn có thể dựng nên một con rối, nhưng không thể tạo ra một con rối tốt. Chỉ có rối tồi mà thôi. Bài học tất yếu là bạn không thể trả tiền cho một người nào đó để anh ta thôi không tham nhũng nữa.

Một bài học khác mà chúng ta có thể rút ra từ kinh nghiệm của nhiều Tổng thống và “thái thú” trong cuộc chiến này là: không để người đưa tin biết ý định của mình, nếu không họ hầu như chắc chắn sẽ nói với bạn những gì bạn muốn nghe. Nói với họ điều bạn mong muốn là làm hỏng hệ thống báo cáo của mình. Thứ hai là nếu bạn thực sự muốn duy trì một chính phủ dân sự thì đừng bỏ tiền vào viện trợ quân sự, vì giới quân sự nước đó sẽ lớn lên đến mức loại bỏ chính phủ dân sự. Đến khi đó bạn sẽ phải hỗ trợ chế độ độc tài quân sự mà hầu như chắc chắn sẽ là chế độ đàn áp vì họ sẽ phụ thuộc vào bạn. Họ sẽ căm ghét sự phụ thuộc này và vì thế họ sẽ ăn cắp của bạn.

Theo tôi, còn một bài học nữa rút từ kinh nghiệm của Tổng thống Kennedy. Đó là đề phòng mình có một người viết diễn văn rất hay – ngôn từ của bạn có thể sẽ được mọi người ghi nhớ.

Một bài học nữa rút từ kinh nghiệm của Ngoại trưởng Dean Rusk. Đây là bài học đặc biệt dành cho các Ngoại trưởng trong tương lai. Trung thành phục vụ Tổng thống, làm việc theo quy định của chính quyền và không bao giờ phàn nàn không nhất thiết bạn sẽ được thưởng, nhưng bạn có thể thấy mình thoải mái hơn.

Có một bài học rút từ kinh nghiệm của Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara. Bài học đó là lừa bịp là nguy hiểm bởi vì lừa bịp có thể dẫn đến tự dối mình. Bạn không thể lừa bịp báo chí, công chúng và đồng nghiệp của mình mãi được mà không tin vào những điều mình nói. Điều này sẽ làm bạn không còn vũ khí gì nữa và David Halberstam sẽ không chỉ gọi bạn là đồ nói dối mà là đồ ngốc.

Còn có một bài học nữa quan trọng hơn rút từ kinh nghiệm của McNamara. Đó là trong cách mạng xã hội, con số không có nghĩa gì. Bạn có thể đếm được số người chết, bạn còn có thể đếm được số quân của phía bên kia, nhưng đó là đếm quá khứ. Bạn không thể đếm được những điều sắp xẩy ra và chỉ có những điều đó mới quan trọng.

Một bài học mà lãnh đạo các nước phải học từ kinh nghiệm của ông Hồ Chí Minh. Bài học đó là: tiến hành chiến tranh dù ngắn hay lâu dài thì bạn đều phải có được sự ủng hộ của nhân dân. Ủng hộ của nhân dân còn quan trọng hơn nhiều so với vũ khí bởi vì nếu nhân dân tin rằng sự nghiệp của mình là vì công bằng thì họ sẽ sẵn sàng hy sinh một cách phi thường. Nếu chúng ta không làm như vậy, bao nhiêu vũ khí cũng chỉ đổ xuống sông xuống biển.

Còn có kết quả tất yếu cho điều trên được tướng Võ Nguyên Giáp đưa ra và có ích cho quân du kích ở Trung Mỹ. Đó là có sự khác biệt giữa chiến tranh du kích và chiến tranh nhân dân. Du kích có thể tách rời dân như chính phủ, nhưng khi đó quân du kích sẽ thua, và họ vĩnh viễn sẽ chỉ là quân du kích.

Tôi cho rằng có một bài học, thực ra là có nhiều bài học mà Lyndon Johnson có thể gợi cho chúng ta, chắc chắn là cho các chính trị gia. Một trong những bài học đó là không khái quát hoá những trải nghiệm ở Đông Texas. Một số người không quan tâm đến chuyện các chính trị gia chi tiêu để giành phiếu bầu. Và đừng có hứa hẹn là sẽ xoá đói, dốt và bệnh tật khi bản thân mình vẫn dốt, không hiểu biết. Dốt là nguyên nhân của hai yếu tố khác nêu trên.

Johnson còn có một bài học nữa dành cho các Tổng thống tương lai. Đó là không để các cơ quan chủ quản tự viết báo cáo về mình. Nếu CIA đang hành động thì tin vào Lầu Năm Góc và ngược lại. Nếu không làm như vậy, bạn sẽ vướng phải điều mà tôi vẫn gọi là lý thuyết chung về tương đối của Robert Komer. Komer là người đứng đầu chương trình “bình định” và năm 1967, khi được hỏi liệu chương trình có tiến bộ hay không ông nói với các nhà báo chúng tôi rằng: “Lẽ dĩ nhiên chúng ta đã có tiến bộ. Chúng ta luôn tiến bộ. Chỉ có điều là phía bên kia lại tiến nhanh hơn chúng ta”.

Và rồi còn có một bài học rút ra từ kinh nghiệm của Thượng Nghi sĩ Wayne Morse. Ông là một trong hai người phản đối nghị quyết về Vịnh Bắc Bộ. Đây là bài học cho các nghị sĩ khác. Bài học đó là đừng có tin vào những gì họ nói với bạn, những điều đó không phải những điều tốt và quan trọng mà cũng không phải những điều liên quan đến an ninh quốc gia. Tôi cho rằng chúng ta còn có một bài học nhỏ hơn, bài học đó là các nghị sỹ Quốc hội cần phải đến vùng chiến sự nếu họ muốn chống lại chính sách của chính quyền, bởi vì hầu hết các nghị sỹ đều không nhanh trí như các quan chức địa phương và quan chức địa phương sẽ làm các nghị sĩ trông như những kẻ đần.

CIA ở Việt Nam chắc chắn sẽ có những bài học cho CIA về sau này – chắc chắn bài học này không được CIA ở Iran chú ý tới. Đó là bài học phải có thông tin tình báo chính xác, bạn không thể can dự quá mức với chính phủ thân hữu của mình, đặc biệt là trong trường hợp bạn đang cố giải quyết vấn đề nội bộ của chính phủ họ.

Tôi nghĩ rằng Tướng William Westmoreland có một bài học về ngôn ngữ học cho chúng ta. Ông đã dùng ngôn ngữ theo cách không giống ai trong cuộc chiến. Nhưng bài học ngôn từ đầu tiên đến trong óc tôi là nếu có động từ “attrit” (tiêu hao) thì hầu như chắc chắn từ này còn là động từ phản thân.

Có nhiều bài học rút ra từ kinh nghiệm của Henry Kissinger và Richard Nixon, nhưng cũng cần phải chọn một bài học, có lẽ là chọn ngẫu nhiên. Không nên nói rằng uy tín của nước Mỹ phụ thuộc vào việc Mỹ có tiếp tục ủng hộ cuộc chiến mà nước Mỹ sắp thua. Đồng minh của bạn có thể sẽ tin vào điều đó.

Có một loạt bài học mà báo chí Mỹ có thể đã học được ở Việt Nam. Bài học đầu tiên là bất kỳ quan chức nào nói về độ “tin cậy” là người chắc chắn đang nói dối.

Một bài học khác tương đối triết lý mà báo chí Mỹ học được của Kissinger và Nixon là có những khác biệt giữa những gì mọi người biết, mọi người nghĩ, mọi người tin, mọi người nói với bạn và mọi người làm. Đây là những phạm trù khác nhau và các bạn không nên cho rằng những điều ấy có liên hệ với nhau.

Một bài học có thể chỉ với báo chí nhưng lại quan trọng. Đó là không viết về cải cách ruộng đất, ngay cả khi bạn lớn lên ở nông trại, một điều khó có thể xẩy ra. Điều này quá phức tạp. Viết về cải cách ruộng đất là viết về toàn bộ nền kinh tế.

Cuối cùng, nhà báo đâu có thua trong cuộc chiến. Họ cũng không thể thắng trong cuộc chiến. Họ cũng không thể chấm dứt cuộc chiến. Họ đại diện cho dư luận hơn là họ vẫn tưởng tượng. Nói một cách khác thì một nước tự do sẽ có báo chí tự do tương ứng.

Còn phong trào hòa bình, họ sẽ phải nói gì với những phong trào sinh ra sau này? Đầu tiên là chống lại chính phủ mình không phải là hành động không yêu nước và không đặc trưng cho người Mỹ, ngay cả khi nước Mỹ tiến hành chiến tranh hay thậm chí là đem quân Mỹ đến nước khác. Thứ hai là phong trào không cần thiết phải có một lãnh đạo có tài duy nhất. Một lãnh đạo duy nhất có thể bị ám sát hay mất uy tín, nếu vậy thì phong trào có thể bị tan rã. Một phong trào không có người đứng đầu có thể có lúc như không trí óc, nhưng sẽ lại dễ thích ứng hơn. Phản đối của người dân thường được mọi người ưa chuộng hơn là vận động tranh cử. Không phải mọi thứ ở nước Mỹ được quyết định bằng bỏ phiếu. Mặt khác, nếu phong trào chỉ đề cập đến một vấn đề thì cuối cùng cũng sẽ mờ nhạt dần.

Các cựu chiến binh nói gì với chúng ta? Họ sẽ nói gì với những người lính trong tương lai. Điều đầu tiên là giết chóc và đặt mạng sống của mình vào hiểm nguy đòi hỏi phải dấn thân về đạo đức. Người lính phải hỏi mục đích là gì và nếu không làm điều này sớm thì sau này cũng phải làm và như vậy thì sẽ đau đớn hơn nhiều.

Cựu chiến binh Việt Nam dạy chúng ta điều gì? Chúng ta không thể cứ đơn giản xoá bỏ mất mát của mình, nhận thất bại, làm những việc khác và đóng hồ sơ lại. Những điều này sẽ là một phần của lương tri chúng ta và buộc chúng ta phải chịu trách nhiệm.

Người Việt Nam dạy chúng ta điều gì? Họ dạy chúng ta một số điều. Trước hết là không có gì quý hơn độc lập và tự do. Thứ hai là cuộc sống không phải là một loạt vấn đề với giải pháp. Cuốc sống là những xung đột không thể hoá giải được, không có giải pháp mà cũng không thể thoả hiệp.

Điều quan trọng nhất với hội nghị này và chắc chắn với chúng ta nói chung là quá khứ không chỉ thuộc về các nhà sử học. Sức mạnh và sức bền bỉ bắt nguồn từ những mối liên hệ với lịch sử của mình. Quá khứ và tương lai cân bằng với hiện tại và bạn chỉ có một yếu tố nếu bạn có được những yếu tố còn lại.

Bạn chỉ có thể kiểm soát được tương lai của mình chừng nào bạn bám rễ sâu và vững vào lịch sử.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới