Người mua hàng ở thị trường Việt Nam dựa nhiều vào social. Họ quan tâm đến việc những người khác đang mua hàng gì, nói gì về hàng họ muốn mua và chuẩn bị mua – đại diện TikTok Việt Nam chia sẻ.
Ngày 17/12, bà Trang Phạm, Quản lý chính sách công và quan hệ Chính phủ của TikTok tại Việt Nam, chia sẻ chiến lược phát triển shoppertainment (thương mại được dẫn dắt bởi yếu tố giải trí, giáo dục) tại sự kiện VDCA Conference 2024, do Chi hội Truyền thông số phía Nam (SVDCA) thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức tại TP.HCM.
Phần trao đổi hơn 10 phút của nữ diễn giả thu hút chú ý của nhiều khách mời.
Người tiêu dùng hướng đến “nền tảng trọn gói”
Theo bà Trang, xu hướng shoppertainment đang nổi bật toàn thị trường. Theo nghiên cứu của TikTok, trong tương lai, shoppertainment ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có thể lên tới 1.000 tỷ USD. Song, để đạt được, doanh nghiệp cần bám xu hướng và tận dụng.
Năm 2024, TikTok cùng đối tác đưa ra “sách trắng tương lai thương mại điện tử 2.0”, qua nghiên cứu thấy có 3 thay đổi quan trọng của hành vi người tiêu dùng ở Đông Nam Á mà doanh nghiệp nên quan tâm.
Theo đó, người tiêu dùng có xu hướng đưa ra quyết định trực quan hơn nhiều so với trước. Khi người mua thấy nội dung, sản phẩm, hình ảnh về giảm giá, có review từ người dùng khác và lợi ích được đưa ra nội dung nổi bật… xu hướng sẽ mua hàng nhanh hơn.
Sự thay đổi thứ 2, song theo bà Trang là lớn nhất. Người tiêu dùng mong muốn mua hàng trên các nền tảng All-In-One. Nền tảng nào vừa giúp người mua giải trí, vừa tìm hiểu được sản phẩm, giúp họ mua hàng và thanh toán ngay lập tức, “tại chỗ” – sẽ thu hút mọi người.
Cuối cùng là xu hướng content community. Đây là xu hướng người mua hàng tìm kiếm cộng đồng. Họ sẽ xem cộng đồng sử dụng những sản phẩm gì, nói gì về sản phẩm và trải nghiệm nó thế nào.
“Người mua hàng dựa rất nhiều vào social”
Chia sẻ nghiên cứu thói quen người mua hàng ở Việt Nam, đại diện TikTok tham luận tại sự kiện nói, “thị trường dựa rất nhiều vào social”.
“Người mua hàng ở Việt Nam quan tâm đến việc những người khác đang mua hàng gì, nói gì về hàng tôi muốn mua và chuẩn bị mua. Khách hàng Việt Nam quan tâm điều này hơn so với thị trường khác. Như Hàn Quốc, họ không quan tâm tới người khác review gì. Họ quan tâm tới lợi ích sản phẩm và giá cả bao nhiêu”, bà Trang chia sẻ.
Nữ diễn đặt câu hỏi, làm sao có thể triển khai shoppertainment – đồng thời đưa ra gợi ý dựa trên nghiên cứu, với “khung” gồm 4 điểm: Xây dựng chân dung khách hàng; Xây dựng bộ sản phẩm bán hàng; Content; Trao quyền cho thương mại.
Việc dựng chân dung khách hàng ngày nay không dừng ở nhân khẩu học, như lứa tuổi, giới tính… mà cần hiểu sở thích, lối sống của họ để đưa sản phẩm và chiến lược phù hợp. Nếu xây dựng được chân dung khách hàng tốt, doanh nghiệp có thể chạm được họ ở tất cả các điểm của phễu marketing.
Dẫn ví dụ một doanh nghiệp điện tử nổi tiếng có nhà máy tại Thái Lan, bà Trang kể khi triển khai bán hàng trên TikTok, họ tìm hiểu và thấy lượng khách hàng đến từ 3 nhóm: Người thích làm đẹp, thích công nghệ và doanh nghiệp trẻ. Từ đó, họ livestream tập trung vào 3 nhóm với các team và host khác nhau. Cuối cùng, doanh nghiệp nhận ra đối tượng yêu thích công nghệ và doanh nghiệp trẻ đưa ra quyết định mua hàng có giá trị đơn cao hơn hẳn nhóm khác.
“Khung” chiến lược, phải sắp xếp được hàng hoá theo nhóm sản phẩm. Đầu tiên, cần tập trung vào các sản phẩm phễu để mang càng nhiều khách hàng về càng tốt. Doanh nghiệp cần có sản phẩm để kiểm tra khả năng mang nhiều lợi nhuận, song chưa có nhiều khách hàng tìm kiếm. Việc doanh nghiệp liên tục test sản phẩm mới đưa ra thị trường có thể giúp tăng lợi nhuận, tăng khả năng tìm kiếm khách hàng.
Dẫn chứng một nhãn mỹ phẩm có nhà máy ở Thái Lan test phương thức kinh doanh kết hợp các sản phẩm với nhau. Từ đó, họ nhận ra khách thích mua sản phẩm gộp “kem dưỡng thể và chăm sóc da”, hơn là mua lẻ từng loại. “Đây là cách làm tốt để doanh nghiệp Việt Nam tham khảo, đưa ra chiến lược cho mình”, bà Trang gợi ý.
Về content, doanh nghiệp nào chưa quen sản xuất có thể truy cập vào các trang miễn phí có AI để giúp thực hiện và làm video ngắn trên nền tảng.
Đại diện TikTok khuyên các doanh nghiệp nên trao quyền cho marketing nhằm đưa dịch vụ tiến gần với người tiêu dùng.
T.P