Mỹ có thể chuẩn bị như thế nào cho những chiến dịch phá hoại mới do nhà nước cầm đầu?
Vụ phá hoại các thiết bị liên lạc của Hezbollah trong năm nay – rõ ràng là do Israel thực hiện – chắc chắn là một chiến dịch rất ngoạn mục, nhưng xét về mặt gián điệp, thì đây không phải là điều gì mới mẻ. Các cơ quan tình báo từ lâu đã nhắm mục tiêu và khai thác chuỗi cung ứng cho cả mục đích tình báo và phá hoại. Từ Chiến tranh Lạnh thế kỷ 20 đến cuộc đụng độ địa chính trị ngày nay với Nga và Trung Quốc, việc xâm nhập chuỗi cung ứng luôn mang đến cơ hội để thu thập thông tin có giá trị về đối thủ hoặc phá hoại các lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế của họ.
Các quan chức phương Tây hiện đang bận rộn đánh giá các điểm yếu về chiến lược và chiến thuật trong chuỗi cung ứng của riêng họ. Hầu như không có hội nghị nào diễn ra ở Washington lại không đề cập đến Đạo luật CHIPS và chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Nước Mỹ đang rót hàng tỷ đô la vào việc phát triển các hệ sinh thái sản xuất công nghệ cao và chế biến vật liệu quan trọng để hỗ trợ ngành vi điện tử trong nước (ví dụ: Intel ở Arizona) và ở các quốc gia đối tác (như Mexico, Philippines, và nhiều nước khác).
Quan ngại về sự mong manh của chuỗi cung ứng trong quốc phòng cũng đã thúc đẩy Bộ Quốc phòng đưa ra Chiến lược Công nghiệp Quốc phòng đầu tiên. Nhà Trắng thậm chí đã thành lập Hội đồng về Khả năng Phục hồi Chuỗi cung ứng để phối hợp và quản lý nhiều sáng kiến chuỗi cung ứng khác nhau trên khắp các bộ phận của chính phủ Mỹ.
Điều đáng ngạc nhiên về sự thay đổi trong cách tiếp cận của chính phủ Mỹ là nó mất quá nhiều thời gian. Toàn cầu hóa không diễn ra theo cách mà chúng ta nghĩ nó sẽ diễn ra. Các nguyên lý của chính sách kinh tế tự do, bao gồm cạnh tranh hoàn hảo và hiệu quả, đang dần lùi bước trước ý tưởng về khả năng phục hồi trước những rủi ro do các đối thủ gây ra, đặc biệt là Trung Quốc và Nga.
Chẳng hạn, Trung Quốc không bao giờ chấp nhận sự tách biệt giữa an ninh quốc gia và an ninh kinh tế. Cách tiếp cận của họ đối với sự tiến bộ quốc gia không phải là cách tiếp cận của toàn bộ chính phủ, mà là cách tiếp cận của toàn bộ xã hội. Quan niệm rằng an ninh quốc gia và an ninh kinh tế bằng cách nào đó tách biệt với nhau không có nhiều ảnh hưởng bên ngoài các nền kinh tế tự do phương Tây. Trung Quốc đã hành động theo quan điểm riêng của mình về sức mạnh quốc gia, bao gồm cả việc cố gắng ngăn chặn bị cưỡng bức kinh tế thông qua chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp quan trọng.
Nói cách khác, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc dường như quan tâm nhiều hơn đến lịch sử phá hoại chuỗi cung ứng. Chính phủ Mỹ sẽ được hưởng lợi từ việc đánh giá cao hơn các hình thức phá hoại đã thành công trong quá khứ, và về những thay đổi trong chuỗi cung ứng, cũng như các chiến thuật được đối thủ của họ áp dụng trong thời kỳ chuyển giao. Những bài học từ lịch sử sẽ cung cấp những hướng dẫn có giá trị về cách Mỹ có thể tự bảo vệ mình khi các nhà nước thù địch khai thác chuỗi cung ứng ngày nay.
Phá hoại chuỗi cung ứng của kẻ thù có tuổi đời lớn như chính trị và chiến tranh. Vào thời trung cổ, quân đội sẽ sử dụng điệp viên cải trang làm thương gia để khám phá những gì kẻ thù đang thu mua; ngoài ra, họ cũng sẽ đầu độc nguồn cung nước của kẻ thù. Quay trở lại thế kỷ 20: Khi tình báo Anh phát hiện ra rằng Đức Quốc Xã đang sử dụng các công ty bình phong thương mại để làm gián điệp, người Anh đã cố gắng – nhưng có lẽ không thành công – trong việc làm giả công nghệ mà Berlin được cho là đang nhắm tới. Tuy nhiên, phải đến thời hậu chiến thì việc sử dụng chuỗi cung ứng để thu thập thông tin tình báo và phá hoại mới được định hình rõ ràng. Bước sang thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh, CIA đã nghĩ ra một chiến dịch khéo léo để thu thập thông tin liên lạc của nước ngoài bằng cách gian lận trong quá trình sản xuất và mua sắm của họ. CIA đã bí mật thông đồng với một công ty Thụy Sĩ có uy tín, Crypto AG, để bán các máy mã hóa bị nghe lén cho các quốc gia bên thứ ba. Các quốc gia bên thứ ba này đã mua máy Crypto vì tin rằng họ đang mua công nghệ tốt nhất mà tiền có thể mua được từ Thụy Sĩ trung lập. Chiến dịch của CIA, có mật danh là RUBICON và chỉ được tiết lộ vào năm 2020, đã cho phép chính phủ Mỹ đọc các thông tin liên lạc của nước ngoài như một cuốn sách mở.
Đến cuối Chiến tranh Lạnh, các chiến dịch gián điệp và phá hoại chuỗi cung ứng đã chuyển sang một chiều hướng mới. Các cơ quan tình báo của Liên Xô, KGB và GRU, bắt đầu nhắm vào các nước phương Tây để đánh cắp càng nhiều thông tin tình báo khoa học và kỹ thuật (scientific and technical, S&T) càng tốt nhằm thực hiện đại chiến lược ý thức hệ của Liên Xô chống lại chủ nghĩa đế quốc phương Tây, chủ yếu là Mỹ. Việc Richard Nixon và Henry Kissinger làm tan băng quan hệ giữa Đông và Tây, được gọi là hòa hoãn, đã tạo điều kiện cho việc mở ra quan hệ thương mại giữa khối Liên Xô và Mỹ.
Dù chính phủ Mỹ đã hạn chế các công nghệ lưỡng dụng được phép mua bán sau Bức màn sắt, tình báo Liên Xô đã sử dụng thời kỳ hòa hoãn để chuyển sang thế tấn công, sử dụng các công ty bình phong thương mại để đánh cắp bí mật quân sự và công nghiệp của phương Tây. Năm 1982, một điệp viên Liên Xô làm việc trong bộ phận tình báo khoa học và kỹ thuật của KGB, Line X, đã tiết lộ phạm vi và quy mô của cuộc tấn công S&T của KGB vào phương Tây. Điệp viên đó, Vladimir Vetrov, được những người quản lý của mình trong tình báo Pháp đặt cho mật danh FAREWELL. Hoạt động gián điệp của Vetrov đã đem lại cho tình báo Pháp và các đồng minh của họ một “cửa sổ” chưa từng có để chứng kiến sự xâm nhập bí mật của Liên Xô vào chuỗi cung ứng phương Tây.
Thông tin tình báo cực kỳ nhạy cảm của Vetrov, dựa trên khoảng 4.000 tài liệu mà ông ta đánh cắp, hiện được gọi là Hồ sơ FAREWELL, đã được người Pháp chuyển giao ở cấp cao nhất cho Nhà Trắng và cộng đồng tình báo Mỹ. Hồ sơ này cho phép CIA, hợp tác với một số đối tác châu Âu của mình, tiến xa hơn một bước trong hoạt động gián điệp – phá hoại các chuỗi cung ứng đã được xác định là mục tiêu của khối Liên Xô. Dù các chi tiết cụ thể vẫn chưa rõ ràng, nhưng chiến dịch của CIA dường như liên quan đến việc cung cấp cho chính phủ Liên Xô một thiết kế tàu con thoi đã bị điều chỉnh của NASA, với các chip máy tính bị lỗi, thông tin sai lệch về công nghệ tàng hình, và các turbine không hoạt động.
Nhờ vào những bài báo điều tra gần đây của phóng viên an ninh quốc gia Zach Dorfman, giờ đây chúng ta biết rằng FBI cũng thực hiện những trò phá hoại tương tự. Trong một hoạt động có mật danh INTERING, FBI đã đảm bảo rằng Liên Xô “sẽ vô tình mua các hàng hóa bị phá hoại trị giá hàng triệu đô la của Mỹ,” Dorfman đã viết trong một bài báo gần đây trên Tạp chí Politico. FBI đã sử dụng một doanh nhân người Áo có nhiều mối quan hệ, người mà danh tính vẫn là một bí mật cho đến tận ngày nay, để “mang công nghệ lỗi đến cho Moscow và các đồng minh của họ; rút cạn kho bạc của khối Liên Xô; vạch trần các sĩ quan tình báo và những kẻ chủ mưu bí mật ở Mỹ; và tiết lộ cho các điệp viên phản gián Mỹ chính xác loại công nghệ mà Liên Xô đang theo đuổi.” Người Bulgaria là mục tiêu chính của hoạt động INTERING, nhờ FBI họ đã nhận được một loạt các sản phẩm vi điện tử gian lận.
Chiến tranh Lạnh của thế kỷ trước là một thời kỳ đơn giản hơn. Liên Xô chưa bao giờ là một cường quốc kinh tế lớn trên trường thế giới, và phương Tây thực sự có thể gạt Liên Xô sang một bên. Nhưng không điều nào trong số đó đúng với Trung Quốc ngày nay, thậm chí là với Nga, đất nước có nền kinh tế đang chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kể trước các lệnh trừng phạt của phương Tây sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Dù có những điểm tương đồng giữa Chiến tranh Lạnh của thế kỷ trước và cuộc đụng độ địa chính trị hiện tại giữa Đông và Tây, nhưng cũng có những khác biệt lớn. Sức mạnh kinh tế khổng lồ của Trung Quốc – và sự kết nối sâu sắc của nước này với phần còn lại của thế giới trong hai thập kỷ qua – khiến cho cuộc cạnh tranh hiện tại phức tạp hơn nhiều, và do đó có thể được cho là nguy hiểm hơn so với quá khứ, như cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã lưu ý gần đây.
Bối cảnh kỹ thuật số ngày nay cũng khiến việc khai thác chuỗi cung ứng hiện đại khác với trong quá khứ. Như biên tập viên quốc phòng của The Economist, Shashank Joshi, đã viết vào tháng 9: “những gì trước đây đòi hỏi các công ty bình phong, cơ sở hạ tầng vật lý, và các tác nhân mang theo công cụ phá hoại giờ đây có thể được thực hiện trên môi trường ảo.”
Ví dụ, vụ tấn công SolarWinds của Nga, vụ xâm nhập mạng lớn nhất được biết đến cho đến nay tại Mỹ, được phát hiện vào giữa tháng 12/2020. Chính phủ Nga đã có thể chèn các mạng cửa sau (backdoor networks) vào khu vực tư nhân và các cơ quan liên bang, bằng cách sử dụng bản cập nhật phần mềm do một công ty có tên là SolarWinds cung cấp. Mức độ của vụ tấn công này thật đáng kinh hoàng và nó bao gồm các lĩnh vực quan trọng của cơ sở hạ tầng an ninh quốc gia Mỹ, chẳng hạn như Bộ Năng lượng, đơn vị kiểm soát Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia.
Dựa trên bằng chứng hiện tại, dường như vụ SolarWinds là một chiến dịch gián điệp (thu thập thông tin tình báo), chứ không phải phá hoại. Nhưng vấn đề là: Trong môi trường kỹ thuật số, sự khác biệt giữa gián điệp và phá hoại có thể cực kỳ nhỏ, tương tự như sự khác biệt giữa quan sát, chèn phần mềm độc hại, và kích hoạt phần mềm độc hại. Cuối cùng thì mọi thứ phụ thuộc vào sự khác biệt về mã lập trình. Như học giả luật của quân đội Anh Juliet Skingsley đã chỉ ra gần đây, sự khác biệt giữa gián điệp và phá hoại, dù thường không đáng kể về mặt thực tế, là sự khác biệt cơ bản trong luật pháp quốc tế. Cụ thể, luật này thường cho phép hoạt động gián điệp, ngoại trừ trường hợp bị cấm rõ ràng theo hiệp ước hoặc thông lệ, nhưng không cho phép hoạt động phá hoại.
Trung Quốc có cách tiếp cận về cơ bản khác với Liên Xô trong việc thu thập thông tin tình báo và khai thác chuỗi cung ứng – hoặc chí ít là khác với những gì Liên Xô có thể làm trong Chiến tranh Lạnh. Ngoại trừ dầu mỏ, Liên Xô sản xuất rất ít mặt hàng mà phần còn lại của thế giới mong muốn, và điều tương tự cũng đúng với nước Nga ngày nay. Tuy nhiên, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì không như vậy. Sự bùng nổ kinh tế phi thường của Trung Quốc trong hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, và sự hội nhập của nước này vào nền kinh tế thế giới khi sản xuất ra những mặt hàng giá rẻ mà thế giới mong muốn, đã được thúc đẩy bởi hoạt động gián điệp công nghiệp, được gọi một cách lịch sự hơn là “thu thập tài sản trí tuệ.” Khác với Liên Xô và Nga ngày nay, những nước mà hành vi đánh cắp bí mật thường có phạm vi hẹp và nhắm vào các ngành công nghiệp và lĩnh vực cụ thể của phương Tây, Trung Quốc áp dụng cách tiếp cận “toàn xã hội” để thu thập thông tin tình báo.
Trung Quốc đang thu thập thông tin cả công khai và bí mật, kết hợp các nguồn mở với thông tin tình báo truyền thống của con người và thu thập thông tin tình báo kỹ thuật. Kết quả là một kẻ thù của Mỹ – và phương Tây nói chung – khiến Liên Xô và các cơ quan tình báo của họ trông giống như lũ trẻ con. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự để thực hiện khái niệm “an ninh quốc gia toàn diện” của mình. Trên thực tế, điều này có nghĩa là ĐCSTQ sử dụng tất cả các đòn bẩy và cơ chế của chính phủ Trung Quốc, thương mại, quân sự, và cộng đồng người Hoa hải ngoại để thu thập thông tin hữu ích cho mục tiêu đại chiến lược của Bắc Kinh: thay thế Mỹ trở thành cường quốc kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới.
Chiến lược của họ ngày càng trở nên sắc bén hơn kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền ở Trung Quốc cách đây hơn một thập kỷ. Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình không hề che giấu sự thật rằng họ mong muốn có được tất cả các thông tin kinh tế và quân sự nào mà họ cho là cần thiết từ phương Tây. Các tài liệu chiến lược quan trọng của Trung Quốc, như Made in China 2025, nêu rõ các lĩnh vực công nghệ mà họ muốn trở thành người dẫn đầu thế giới, và vượt qua Mỹ nếu cần thiết. Các công nghệ mà Trung Quốc nhắm đến đang được lan truyền thông qua chuỗi cung ứng và trên khắp các lĩnh vực. Chúng bao gồm các công nghệ mới nổi, chẳng hạn như AI, máy tính lượng tử, sinh học tổng hợp, cũng như chất bán dẫn, hàng không vũ trụ, và hàng không, công nghệ xanh, viễn thông, rô bốt và tự động hóa, và công nghệ hạt nhân. Các tài liệu chiến lược của ĐCSTQ nêu rõ rằng nếu một công nghệ không thể phát triển trong nước, thì nhà nước Trung Quốc được phép – thậm chí có nghĩa vụ – đánh cắp nó từ nước ngoài. Theo quan điểm của Bắc Kinh, đây là sự đáp trả công bằng trong sứ mệnh phục hưng dân tộc sau một thế kỷ bị các cường quốc phương Tây làm nhục.
Theo một loạt các luật an ninh quốc gia ngày càng chuyên chế được thông qua dưới thời Tập Cận Bình, ĐCSTQ đã yêu cầu các công ty Trung Quốc phải hợp tác với các cơ quan tình báo và an ninh nhà nước bất cứ khi nào được yêu cầu. Đây là bối cảnh cho các tít báo trong những năm gần đây về mọi thứ, từ nỗi sợ về việc ĐCSTQ sử dụng Huawei và TikTok làm nền tảng thu thập thông tin tình báo, đến khả năng giám sát cần cẩu tại các cơ quan quản lý cảng của Mỹ, cho đến cáo buộc gián điệp của Alibaba tại các trung tâm hậu cần của châu Âu. Hồi tháng 10, một công dân Trung Quốc làm việc tại một công ty hậu cần đã bị bắt vì tình nghi chuyển thông tin cho tình báo Trung Quốc, được cho là về các hoạt động di chuyển vũ khí của Đức ra khỏi sân bay Leipzig.
Do đó, chính phủ Mỹ đang phải đối mặt với một kẻ thù hoạt động trên nguyên tắc khác biệt, bằng cách hợp nhất thương mại, chính phủ, và quân đội. Có thể nói Washington đang cạnh tranh với một tay bị trói sau lưng. Vấn đề ý thức hệ cũng đang nổi lên ở đây: Khác với một số đối tác phương Tây, chính phủ Mỹ không tiến hành các chiến dịch gián điệp công nghiệp vì lợi ích của các công ty Mỹ. Điều này không phải lúc nào cũng đúng. Theo một nhân vật giấu tên đến từ CIA, lệnh cấm của Washington đối với các chiến dịch gián điệp công nghiệp chỉ xuất hiện sau Chiến tranh Lạnh, vào những năm 1990.
Có những ưu điểm và nhược điểm ở cả hai phía của lập luận về hoạt động gián điệp công nghiệp do nhà nước hậu thuẫn. Một mặt, việc khai thác năng lực mạnh mẽ của chính phủ Mỹ vì lợi ích của các công ty Mỹ mang tính chất chủ nghĩa tư bản thân hữu. Mặt khác, các nước phương Tây khác, ví dụ như Pháp và Israel, lại không bị kiềm chế như vậy khi tách biệt tình báo và thương mại, và đó là chưa kể đến Trung Quốc.
Có lẽ đã đến lúc chính phủ Mỹ xem xét lại lệnh cấm hiện hành đối với hoạt động gián điệp công nghiệp. Chúng ta có nên tiếp tục duy trì các nguyên tắc kinh tế lý thuyết với cái giá phải trả là phúc lợi kinh tế của chúng ta không?
Công chúng không biết liệu Mỹ có đang phá hoại chuỗi cung ứng của các nhà nước thù địch theo cách họ đã từng làm với hồ sơ FAREWELL hay không – và chúng ta cũng không nên biết. Tuy nhiên, có thể đánh cược rằng một số quan chức của cộng đồng tình báo ít nhất cũng đang nghĩ theo hướng tương tự. Theo một cựu sĩ quan cấp cao của CIA, người được cấp quyền ẩn danh, CIA có một đơn vị chuyên về các hoạt động chuỗi cung ứng. Một ngày nào đó, các kho lưu trữ có thể tiết lộ những chiến dịch bí mật nào của Mỹ đã từng diễn ra.
Nhưng bất kể thành công chiến thuật nào có thể đạt được thông qua các chiến dịch phá hoại và chiến dịch bí mật của Mỹ, chính phủ vẫn không đủ khả năng để đối phó với các phương pháp mạnh tay, toàn xã hội của Trung Quốc được nêu ở trên. Và đó là một cuộc tấn công dữ dội: các cơ quan tình báo Trung Quốc đang nhắm mục tiêu vào mọi thứ, từ các công ty hàng không vũ trụ khổng lồ của Mỹ, đến các công ty đầu tư mạo hiểm, và các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon. Nhận thức và ý định là một điểm khởi đầu tốt – nhưng trong cuộc đấu này, Mỹ bị cản trở bởi một nền văn hóa không coi các công ty là nguồn lực quốc gia, trong khi trên thực tế, sự đổi mới của khu vực tư nhân từ lâu đã là động lực thúc đẩy sức mạnh của Mỹ.
Trước những chuyển đổi sâu sắc đang diễn ra trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cần có một cách tiếp cận toàn diện, hợp tác, và chủ động. Các nhà hoạch định chính sách, các ngành công nghiệp, và cộng đồng tình báo phải đoàn kết để tạo ra các mạng lưới cung ứng bền vững, an toàn, và hiệu quả phù hợp với tương lai.
Để làm được điều này, chính phủ Mỹ cần thay đổi nhận thức về các công ty; xem họ là đối tác thực sự, chứ không chỉ là “nhà cung cấp.”
Một ví dụ điển hình là chuỗi cung ứng. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, các cơ quan của chính phủ thường chọn xây dựng các giải pháp tùy chỉnh khi các giải pháp thương mại tiên tiến đã tồn tại, thường là với niềm tin rằng nhu cầu của chính phủ là duy nhất. Trong hầu hết các trường hợp, điều này không đúng – và chắc chắn không đúng trong trường hợp chuỗi cung ứng. Các tập đoàn xe hơi, các công ty vận chuyển toàn cầu, và các nhà bán lẻ đa quốc gia đều phải đối mặt với những vấn đề có quy mô và tính phức tạp như của các cơ quan chính phủ. Các giải pháp quy mô thương mại đang đạt được tốc độ và sự đổi mới đáng kể trong chuỗi cung ứng mà không cần các trung tâm nghiên cứu do liên bang tài trợ. Những trung tâm liên bang này chắc chắn có rất nhiều người thông minh, nhưng kinh tế học của việc sao chép những gì hiện có của khu vực tư nhân là điều khủng khiếp đối với lợi tức đầu tư của người nộp thuế, thường là chỉ đổi lại một sản phẩm kém chất lượng.
Khác với thế kỷ trước, giờ đây khu vực tư nhân, chứ không phải chính phủ Mỹ, đang phát triển các công nghệ mới nổi sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta trong thế kỷ này – trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, và sinh học tổng hợp. Khoảng 85% cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ hiện đang do khu vực tư nhân nắm giữ. Chính phủ Mỹ hiếm khi, hoặc không bao giờ, có thể hiểu rõ một lĩnh vực hoặc doanh nghiệp hơn chính các doanh nghiệp đó. Điều này đặc biệt đúng đối với các công nghệ mới nổi và chuỗi cung ứng liên quan của chúng.
Bằng cách giải quyết trực diện những thách thức đa diện này, chúng ta có thể mở đường cho một nền kinh tế toàn cầu do Mỹ lãnh đạo an toàn hơn, bền vững hơn, và thịnh vượng hơn trong kỷ nguyên AI và chuyển đổi số. Điểm khởi đầu ở Washington phải là sự thật đơn giản này: Trong bối cảnh ngày nay, an ninh quốc gia chính là an ninh của khu vực tư nhân.
T.P