Chỉ còn ít ngày nữa là bước sang năm 2025, đánh dấu một phần tư thế kỷ 21 đã đi qua. Nhìn lại tình hình Biển Đông, có những chuyển biến gì đáng chú ý?
Vấn đề đầu tiên cũng là vấn đề nóng nhất là việc các bên gia tăng các hoạt động quân sự hóa biển Đông. Ở đây không chỉ có những hoạt động ráo riết của Trung Quốc, mà còn có dấu ấn của Mỹ và các quốc gia khác cũng gia tăng đáng kể.
Năm 2023 Mỹ đã hoàn thành việc tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự mới ở Philippines. Từ đó, khiến cho căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines càng bị đẩy lên cao xung quanh các vùng biển tranh chấp. Chớp thời cơ này, Mỹ đã “rủ rê” các đồng minh mở rộng quy mô của cuộc tập trận thường niên Balikatan. Cuộc tập trận diễn ra vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2024.
Cuộc tập trận Balikatan ghi nhận nhiều dấu ấn mới. Thứ nhất, tần suất tương tác giữa Philippines với các đồng minh gia tăng nhanh chóng. Philippines lần đầu tiên tập trận quân sự toàn diện với Mỹ, Nhật Bản và Australia ở Biển Đông. Đồng thời, “nhân tiện” tổ chức hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo ba bên với Mỹ và Nhật Bản. Thứ hai, số lượng đối tác tham gia tập trận chung gia tăng đột biến. Lần đầu tiên xuất hiện lực lượng Pháp cùng 10 quốc gia khác với tư cách quan sát viên. Đáng chú ý, Nhật Bản tuyên bố sẽ tham gia trực tiếp trong tương lai gần. Thứ ba, vị trí của cuộc tập trận Balikatan đã được đẩy ra ngoài phạm vi 12 hải lý của Philippines, với ý đồ: Manila cùng các đồng minh đã tính đến phương án “lấy lại những gì đã mất”.
Như một sự thách thức Trung Quốc, Mỹ tăng cường các hoạt động ngoại giao quân sự với các quốc gia xung quanh Biển Đông. Đặc biệt, các hoạt động này đã sử dụng một lực lượng tàu mặt nước tương đối hùng hậu. Các tàu sân bay USS Abraham Lincoln ,tàu khu trục hộ tống USS Frank E. Petersen Jr đã có những hoạt động xung quanh khu vực Biển Đông. Tàu chỉ huy USS Blue Ridge và tàu Waesche của Mỹ cũng đã cập bến quân cảng Cam Ranh của Việt Nam.
Nhà Trắng cũng đang thúc đẩy quá trình hiện diện quân sự ở Biển Đông của các thế lực bên ngoài, chủ yếu là các nước đồng minh của Mỹ. Nhật Bản và Australia đang trở thành hai nhân tố tiêu biểu cho xu hướng này. Năm 2024, Nhật Bản ít nhất đã ba lần tham gia các cuộc tập trận với Mỹ và các đồng minh ở Biển Đông, vào các tháng 4/2024, 9/2024, và 11/2024.
Theo dõi chặt chẽ mọi biến động trên Biển Đông, Trung Quốc tích cực chuẩn bị cho cuộc chiến mới. Tuyên bố và làm thật, Trung Quốc tiếp tục quá trình quân sự hóa Biển Đông; gia tăng các hoạt động tập trận, tuần tra và tăng tốc cải tạo các cơ sở trên Biển Đông mà họ đang chiếm giữ. Trung Quốc cũng gia tăng cả quy mô và tính chất của các hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Năm 2023, một báo cáo đã chỉ ra, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã tăng 35% và tiếp tục tăng trong năm 2024, tuy chưa có con số chính xác. Dân quân biển của Trung Quốc hoạt động rất hung hăng ở Biển Đông. Các bên liên quan đã ghi nhận nhiều hoạt động tác chiến điện tử của đối phương nhằm vào nhau.
Như vậy điểm nổi bật trong năm tới là, cán cân lực lượng ở khu vực Biển Đông tiếp tục có những thay đổi so với những năm trước. Sự tham gia của Australia, Nhật Bản, Anh, Pháp, Hà Lan và các đối tác, đồng minh khác của Mỹ cho thấy, họ có chung tham vọng kiềm chế Trung Quốc đang ngày một gia tăng so với những năm trước đây. Có điều, sự tham gia của các quốc gia này mới chỉ ở giai đoạn đầu, lực lượng liên hợp do Mỹ đứng đầu tuy đã gia tăng về số lượng nhưng chưa làm thay đổi sự cân bằng lực lượng ở Biển Đông.
Trong khi đó, nhờ bổ sung thêm các căn cứ quân sự mới ở Philippines, Mỹ có thể triển khai thêm lực lượng hải quân đông đảo hơn, khiến cho sức mạnh quân sự của Mỹ ở Biển Đông tăng lên đáng kể. Trong năm 2024, số lượng các hoạt động hàng hải đa phương của Philippines đã gấp ba lần năm 2023, (hầu hết các hoạt động này đều có sự góp mặt của Mỹ).
Câu hỏi đặt ra, các nước ASEAN đã động thủ ra sao? Trong xu hướng quân sự hóa Biển Đông, các nước trong khu vực đã nhanh chóng tham gia cuộc đua cải tạo, gia cố các điểm đảo thuộc chủ quyền của mình. Từng bước nâng cao năng lực tác chiến, năng lực ứng phó với các tình huống va chạm trên biển và không ngừng hiện đại hóa quốc phòng, xây dựng được lực lượng đủ mạnh nhằm đạt được sự cân bằng với các thế lực bên ngoài.
Mặc dù ASEAN vẫn giữ được vai trò trung tâm, nhưng khả năng chi phối tới chính sách của các bên ở Biển Đông còn hạn chế. Tác động của các nước lớn và các rạn nứt bên trong mối quan hệ nội bộ ASEAN đã và đang khiến tổ chức này thống nhất không cao, chú ý chăm lo cho lợi ích của mình mà không quan tâm lợi ích khu vực.
Bức tranh 2024 trên Biển Đông vẫn đỏ rực. Đó là cơ sở để các quốc gia trong khu vực dự báo và tính toán các phương án cụ thể.
Nhìn chung Biển Đông trong năm 2025 vẫn là một điểm nóng chiến lược, có tầm ảnh hưởng tới toàn cầu. Căng thẳng trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc vẫn sẽ tồn tại theo cả hai hình thức biểu hiện: va chạm trên thực địa và tăng cường đấu tranh về pháp lý, đối ngoại. Còn các quốc gia xung quanh, nhất là các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cũng sẽ đấu tranh mạnh mẽ hơn.
Đáng chú ý là sự thay đổi thượng tầng chính trị ở Mỹ. Sự trở lại Nhà Trắng của Donald Trump đang đặt ra nhiều kịch bản phát triển đối với cục diện ở Biển Đông.
Đối với Philippines, thay về tích cực hỗ trợ, Washington sẽ tỏ ra “vừa phải” hơn. Có điều, sự vừa phải ấy sẽ không giống như chính sách có phần lạnh nhạt trong nhiệm kỳ đầu tiên. Mấu chốt nằm ở việc, Mỹ đã lôi kéo thành công các đồng minh của họ can dự vào vấn đề Biển Đông. Mỹ sẽ đẩy một phần trách nhiệm này cho Nhật Bản, Australia và các đồng minh khác của họ.
Dưới tác động của các chính sách trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump, tình hình khu vực cũng như cục diện Biển Đông có thể sẽ có những thay đổi đáng kể. Quan hệ Mỹ – Trung, mâu thuẫn kinh tế giữa hai siêu cường sẽ được tái hiện, sẽ xuất hiện nhiều nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ kinh tế giữa hai nước. Sẽ có sự dịch chuyển từ ưu tiên cạnh tranh về an ninh sang trạng thái cân bằng giữa cạnh tranh an ninh và “tách rời” kinh tế. Để cân bằng, thỏa hiệp chính trị sẽ là giải pháp thường xuyên được hai bên sử dụng. Điều này sẽ khiến cục diện Biển Đông khó có thể có bước ngoặt lớn, nhưng tính phức tạp thậm chí là thất thường sẽ gia tăng và đó sẽ là đặc trưng chính của tình hình Biển Đông trong năm 2025.
Philippines sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong việc thích ứng với các chính sách của Trump. Manila đã đi quá xa trong quan hệ với Bắc Kinh, khó có thể phục hồi mối quan hệ này trong ngắn hạn. Vì lẽ đó, nền kinh tế Philippines sẽ ngày càng suy yếu, và mặc dù là một bên tham gia vào tranh chấp ở Biển Đông, nhưng nước này sẽ đánh mất dần khả năng tự quyết.
Khi đó, đối tác kinh tế đủ tin cậy nhất của Philippines sẽ là các thành viên ASEAN. “Sự trở lại” ngôi nhà chung ASEAN của Philippines có thể sẽ diễn ra. Khi đó, tiến trình đàm phán COC sẽ có thêm những hi vọng mới, nhưng vẫn chỉ như “giấc mơ cuối chân trời”.
H.Đ