Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và kinh tế do cuộc chiến Ukraine gây ra, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán nổi lên như một tiếng nói “phản biện” khác biệt trong lòng Liên minh châu Âu (EU) và phương Tây.
Những phát biểu mạnh mẽ và hành động đối lập của ông Orbán không chỉ thách thức sự đồng thuận chung mà còn đặt ra câu hỏi về tương lai đoàn kết của EU. Lập trường của ông Orbán, dù gây tranh cãi, đã và đang định hình một cuộc thảo luận sâu rộng về chính sách, lợi ích và giá trị của EU.
Trong cuôc trả lời phỏng vấn đài phát thanh Kossuth ngày 20/12/2024, ông Orbán, một lần nữa làm nóng dư luận khi công khai chỉ trích EU và Mỹ về việc chi 310 tỷ euro hỗ trợ Ukraine. Ông lập luận rằng: khoản chi phí khổng lồ này không chỉ tạo gánh nặng tài chính khủng khiếp cho các nước thành viên mà còn kéo dài cuộc xung đột mà không mang lại giải pháp hòa bình thực sự. Quan điểm này đã lập tức bị phản ứng gay gắt từ các nhà lãnh đạo EU, nơi mà tinh thần đoàn kết và sự đồng thuận hỗ trợ Ukraine được xem là ưu tiên hàng đầu.
Đây không phải lần đầu tiên ông Orbán đóng vai trò là một người “phản biện” các chính sách chung của EU, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến Nga và Ukraine. Năm 2022, khi EU áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt lên Nga nhằm đáp trả cuộc xung đột tại Ukraine, Hungary dưới sự lãnh đạo của ông Orbán đã từ chối thông qua một số biện pháp quan trọng. Lý do được ông đưa ra là những biện pháp này sẽ gây tổn hại nặng nề đến nền kinh tế Hungary, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. Lệnh cấm vận dầu mỏ của EU đối với Nga bị ông ví von như “phát súng tự bắn vào chân” đối với các nước châu Âu. Hungary đã yêu cầu và nhận được sự miễn trừ đặc biệt để tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ từ Nga thông qua đường ống Druzhba.
Năm 2023, ông Orbán tiếp tục gây tranh cãi khi từ chối phê chuẩn gói viện trợ quân sự mới của EU dành cho Ukraine. Thay vào đó, ông kêu gọi tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình và chỉ trích việc cung cấp vũ khí cho Kiev là “đổ thêm dầu vào lửa”. Ông còn đặt câu hỏi về sự minh bạch trong việc phân bổ các khoản viện trợ, ám chỉ rằng một phần không nhỏ trong số đó có thể bị sử dụng sai mục đích…
Những phát biểu và hành động của ông Orbán không chỉ làm gia tăng căng thẳng giữa Hungary và các nước thành viên EU mà còn gây khó khăn cho khối này trong việc đạt được sự đồng thuận về các vấn đề chiến lược. Nhiều nhà lãnh đạo EU đã công khai chỉ trích ông vì làm suy yếu nỗ lực chung của khối. Năm 2023, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen từng “uốn nắn”: Hungary cần “xem xét lại” lập trường của mình để đảm bảo sự thống nhất của EU trong việc đối phó với Nga.
Tuy nhiên, ông Orbán dường như không mấy quan tâm đến những áp lực từ phía EU. Trái lại, ông coi việc bảo vệ lợi ích quốc gia Hungary là ưu tiên hàng đầu. Đối với ông, việc duy trì quan hệ kinh tế với Nga và đảm bảo an ninh năng lượng cho Hungary quan trọng hơn việc tuân thủ các chính sách chung của EU.
Lập trường “phản biện” của ông Orbán không chỉ giới hạn ở vấn đề Ukraine. Trong các lĩnh vực khác như nhập cư, tư pháp, và các giá trị dân chủ, Hungary dưới sự lãnh đạo của ông, đã nhiều lần đối đầu với EU. Ông thường chỉ trích các chính sách nhập cư của EU là “phi thực tế” và “đe dọa bản sắc dân tộc”, đồng thời kiên quyết từ chối tiếp nhận người tị nạn theo hạn ngạch phân bổ của khối.
Trái với sự mất mát uy tín trong EU, lập trường khác biệt đã giúp ông Orbán củng cố vị thế chính trị trong nước. Với các cử tri Hungary, ông Orbán không chỉ là một nhà lãnh đạo mà còn là một biểu tượng của sự độc lập và tự chủ trong một thế giới đầy biến động.
Những “phản biện” của ông Orbán chắc chắn đặt ra thách thức lớn đối với EU trong việc duy trì sự đoàn kết nội khối. Trong khi các nước thành viên khác cố gắng đạt được sự đồng thuận để đối phó với cuộc khủng hoảng Ukraine, Hungary lại trở thành một trở ngại không nhỏ làm chậm tiến trình ra quyết định của EU; đồng thời cho thấy sự thiếu nhất quán trong các chính sách chung.
Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng sự phản biện của ông Orbán cũng mang lại giá trị nhất định. Nó buộc EU phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về các chính sách của mình, đặc biệt là trong bối cảnh các nguồn lực tài chính và quân sự ngày càng suy giảm. Bằng cách đặt câu hỏi về tính hiệu quả và mục tiêu lâu dài, ông Orbán đã góp phần tạo ra một cuộc thảo luận sâu rộng hơn về tương lai của EU và vai trò của khối này trong các vấn đề toàn cầu.
Ông Orbán – với tư cách là một “nhà phản biện” kiên định – đã và đang đóng vai trò như một yếu tố thử thách đối với trật tự chung của EU. Mặc dù những lập trường của ông thường gây tranh cãi và làm dấy lên sự phản đối, không thể phủ nhận rằng ông đã mang đến một góc nhìn khác biệt, buộc EU phải đối mặt với những câu hỏi khó khăn nhưng cần thiết.
T.V