Tổng thống Nga cho biết chính ông đã trực tiếp ra chỉ thị tiến hành sản xuất và thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm Oreshnik.
Tổng thống Vladimir Putin cho biết việc phát triển thành công tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) siêu vượt âm Oreshnik là một thành tựu mang tính bước ngoặt đối với cả nước Nga và ngành công nghiệp vũ trụ nói chung.
Theo hãng tin RT, nhà lãnh đạo Nga nói rằng đích thân ông đã ra lệnh triển khai tên lửa này phù hợp với những điều kiện thực tế.
Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Pavel Zarubin của kênh truyền hình Russia 1 TV ngày 22/12, ông Putin khẳng định việc lần đầu tiên tên lửa Oreshnik được sử dụng để tấn công một cơ sở công nghiệp quân sự ở Ukraine không chỉ là điểm nhấn của năm mà còn là “một cột mốc lịch sử đối với ngành công nghiệp tên lửa và vũ trụ Nga”.
“Chưa từng có điều gì như thế xảy ra trước đây. Đây là lần đầu tiên loại vũ khí dạng này mới xuất hiện”, ông Putin nhấn mạnh.
Ông Putin thừa nhận ông nắm khá sâu về quá trình phát triển của tên lửa Oreshnik.
“Trong Bộ quốc phòng có nhiều ý kiến khác nhau về tên lửa nhưng cuối cùng tôi ủng hộ những người tin rằng Oreshnik phải được sản xuất. Do đó, tôi trực tiếp ra lệnh thực hiện và phân bổ các nguồn lực cần thiết. Tôi cũng đồng ý với quan điểm tên lửa phải được thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu”, ông Putin chia sẻ.
Từng được giữ bí mật tuyệt đối nhưng ngày 21/11 vừa qua Moscow đã quyết định triển khai tên lửa Oreshnik để tấn công một nhà máy vũ khí của Ukraine tại Dnepr (hay Dnipro theo cách gọi của Ukraine).
Hành động được Điện Kremlin tuyên bố là để đáp trả các cuộc tấn công của Ukraine vào sâu bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa do nước ngoài sản xuất.
Theo các quan chức Nga, tên lửa Oreshnik được thiết kế bay ở vận tốc Mach 10 (khoảng 12.200km/h), tức gấp 10 lần vận tốc âm thanh.
Tổng cục Tình báo Quân sự Ukraine (GUR) cho biết tên lửa Oreshnik chỉ mất 15 phút để bay từ bãi thử Kapustin Yar ở vùng Astrakhan đến Dnipro, vị trí cách đó khoảng 800 km, đạt tốc độ cuối vượt Mach 11.
Ông Putin tuyên bố Oreshnik gần như không thể đánh chặn, kể cả bằng những hệ thống phòng không tiên tiến nhất của phương Tây hiện nay.
“Tôi xin nhấn mạnh rằng hiện nay không có bất kỳ biện pháp nào có thể đối phó với loại tên lửa này. Các hệ thống phòng không hiện đại trên thế giới và mạng lưới phòng thủ tên lửa được Mỹ triển khai ở châu Âu không thể đánh chặn được vũ khí mới của Nga”, ông Putin quả quyết, đồng thời cho biết Moscow sẽ tiếp tục thử nghiệm và sản xuất hàng loạt Oreshnik.
Trong cuộc họp báo thường niên ngày 19/12, Tổng thống Putin thậm chí còn lên tiếng thách phương Tây đấu tay đôi về công nghệ với Nga bằng việc đề nghị phương Tây và Ukraine tập hợp các hệ thống phòng không ở Kiev và tìm cách đánh chặn tên lửa Oreshnik xem có thực hiện được không.
“Hãy để họ đề xuất một cuộc đấu tay đôi về công nghệ trong thế kỷ 21. Cho họ lựa chọn mục tiêu, chẳng hạn như ở Kiev, rồi tập trung toàn bộ lực lượng phòng không và phòng thủ tên lửa ở đó. Sau đó, chúng tôi sẽ tấn công bằng tên lửa Oreshnik. Hãy xem điều gì sẽ xảy ra. Chúng tôi sẵn sàng cho một cuộc đấu như vậy”, ông Putin phát biểu.
T.P