Các đơn vị của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã ký kết 16 hợp đồng với tổng giá trị khoảng 286,3 triệu USD; ký kết 17 Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa công nghiệp quốc phòng Việt Nam và doanh nghiệp của các nước có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Bỉ…
Diễn ra từ ngày 19-23/12 tại sân bay Gia Lâm trên tổng diện tích quy hoạch khoảng 100.000 m2, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 có sự tham gia 242 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, doanh nghiệp có liên quan trong nước, quốc tế.
Tại Triển lãm, có hơn 440 gian hàng trưng bày trong nhà và ngoài trời với đa dạng các sản phẩm, như: Máy bay tiêm kích, máy bay vận tải; máy bay trực thăng, máy bay cánh bằng, máy bay không người lái, tàu thủy, các hệ thống pháo, radar, súng, đạn, thiết bị tác chiến điện tử, mô phỏng, thông tin liên lạc, quang điện tử, hệ thống chỉ huy, điều khiển…
Theo Thiếu tướng Lê Quang Tuyến, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Ban Tổ chức đã trưng bày 68 chủng loại khí tài trong biên chế của Quân đội nhân dân Việt Nam trên diện tích 10.530 m2; trong đó, 2 sản phẩm là Tổ hợp tên lửa đối hạm VCM-B và một loại đạn thuộc Đề án A1.
Về sản phẩm công nghiệp quốc phòng, hậu cần, kỹ thuật trong nước sản xuất, tổng số vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghiệp quốc phòng Việt Nam trưng bày gồm 464 sản phẩm (tăng 155 sản phẩm so với năm 2022). Ngoài ra còn có khu trưng bày thành tựu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân với quy mô 8.200 m2; khu vực giới thiệu không gian văn hóa Việt Nam.
Với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến lần đầu áp dụng trong trưng bày, hình thức giới thiệu, Triển lãm đã đã thu hút đông đảo khách hàng và nhân dân đến tham quan, tìm hiểu. Các khu vực trưng bày thành tựu, không gian văn hóa, ẩm thực, khu đón khách VIP, khu Ban Tổ chức, hội thảo, phòng họp và các khu vực phụ trợ được tổ chức chất lượng, đạt mục đích, yêu cầu đề ra.
Tính đến 12h ngày 22/12, Triển lãm đã đón hơn 260.000 lượt tham quan của nhân dân và khách chuyên ngành. Ban Tổ chức triển lãm phát miễn phí hơn 60.000 chai nước, lương khô cho khách tham quan và chuẩn bị kỹ lưỡng, dự báo sát tình huống. Công tác điều hành, phối hợp linh hoạt, nhịp nhàng giữa các bộ phận nên bảo đảm an ninh, an toàn về mọi mặt.
Trong khuôn khổ Triển lãm, doanh nghiệp trong toàn quân đã tận dụng tốt cơ hội để trao đổi làm việc với các công ty, doanh nghiệp nước ngoài. Ban Tổ chức đã bảo đảm cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quân đội 1.872 cuộc tiếp xúc, làm việc song phương để nghe giới thiệu sản phẩm, trao đổi lĩnh vực quan tâm. Trên cơ sở đó, một số lĩnh vực hợp tác tiềm năng đã được hai bên thảo luận. Công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã nhận được nhiều đơn hàng của các đối tác nước ngoài đề nghị cung cấp các sản phẩm công nghiệp quốc phòng, như: Súng bộ binh; đạn con, đạn cối, đạn pháo; các loại tàu kinh tế; thuốc phóng – thuốc nổ dùng trong lĩnh vực quốc phòng và dân sự; các sản phẩm kinh tế khác…
Các đơn vị của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã ký kết 16 hợp đồng với tổng giá trị khoảng 286,3 triệu USD; ký kết 17 Thoả thuận hợp tác chiến lược giữa công nghiệp quốc phòng Việt Nam và doanh nghiệp của các nước có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Bỉ… Bên cạnh các hoạt động chính của triển lãm, các chương trình hội thảo theo chuyên đề đã diễn ra trong 4 ngày.
Từ ngày 19-22/12/, các cơ quan, đơn vị huy động gần 10.000 CBCS, dân quân tự vệ; tổ chức 215 tổ, chốt chỉ dẫn đường, phân luồng giao thông, tuần tra canh gác; lắp đặt gần 200 camera giám sát toàn bộ khu vực, 20 trận địa chế áp UAV…
T.P