Trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông không ngừng leo thang, Trung Quốc đã mở rộng các hoạt động gây hấn, hung hăng xuồng phía Nam Biển Đông, xâm lấn vào vùng biển của Malaysia và Indonesia với việc nhiều lần tàu hải cảnh Trung Quốc quấy nhiễu, cản trở các hoạt động dầu khí của Malaysia ở Biển Đông, chính quyền Kuala Lumpur một mặt tiếp tục cố gắng giữ “hoà khí” với Bắc Kinh, mặt khác tăng cường tiềm lực quốc phòng, trong đó có việc xây dựng thêm một căn cứ hải quân mới tại Bintulu nhằm bảo vệ các quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông.
Các chuyên gia cho rằng căn cứ hải quân mới này sẽ đóng vai trò quan trọng đối với Kuala Lumpur trong việc giải quyết các mối đe dọa ngày càng tăng ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông bất chấp những thách thức đến từ sự lạc hậu, cũ kỹ của hạm đội nước này.
Sau một thập kỷ im ắng, những lời kêu gọi xây dựng căn cứ hải quân mới tại một thị trấn buồn tẻ ở Sarawak đã trở nên sôi động trong thời gian gần đây, khi Malaysia có khả năng sẽ thể hiện lập trường quyết đoán hơn để đối phó với sức ép của Trung Quốc tại các khu vực giàu tài nguyên gần bang Borneo. Tuy nhiên, khi xây dựng căn cứ hải quân mới nhất của Malaysia tại Bintulu, gần vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, các nhà phân tích tin rằng điều này vẫn sẽ không dẫn đến đối đầu giữa Malaysia và Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng, Malaysia khó có thể áp dụng các phản ứng hung hăng hơn đối với các cuộc xâm nhập của tàu thuyền Trung Quốc, vì mục tiêu bao trùm của nước này là duy trì cách tiếp cận kín đáo đối với các yêu sách lãnh thổ trên biển và bảo vệ mối quan hệ kinh tế “béo bở” với Bắc Kinh. Trung Quốc – nước hiện đang vướng vào các cuộc xung đột với Philippines trên cùng một tuyến đường biển chiến lược xa hơn về phía Bắc – cũng sẽ muốn duy trì quan hệ ổn định với Malaysia, với hy vọng sẽ khiến Manila xa lánh các quốc gia Đông Nam Á khác có yêu sách và không ngả theo Mỹ và phương Tây.
Tiến sĩ Collin Koh – thành viên cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam của Singaporqe – đánh giá rằng căn cứ hải quân Sarawak sẽ không làm thay đổi mối quan hệ Trung Quốc-Malaysia miễn là Chính phủ Malaysia tiếp tục duy trì cách tiếp cận “không thổi bùng vấn đề” đối với tranh chấp Biển Đông. Ông Collin Koh nói: “Căn cứ hải quân và khả năng tăng cường sự hiện diện của lực lượng hải quân Malaysia trong khu vực có thể gây phiền toái cho Bắc Kinh, nhưng chỉ có vậy thôi. Cuối cùng, chính thái độ chính trị ở Kuala Lumpur, chứ không phải những gì đang diễn ra trên thực địa với sự gia tăng lực lượng hải quân của Malaysia ở Borneo, dường như là yếu tố quyết định chính trong mối quan hệ tổng thể với Bắc Kinh”.
Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4 tại Bintulu sẽ là căn cứ hải quân chính thứ 6 của Malaysia. Nước này có 3 căn cứ ở Tây Malaysia và 2 căn cứ khác ở Sabah. Chính phủ Malaysia cho biết căn cứ mới nhất sẽ cải thiện các nỗ lực giám sát tại Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này ở Biển Đông bằng cách cho phép hải quân điều tàu đến đó nhanh hơn. Căn cứ này sẽ được xây dựng trên một khu đất rộng 200 hécta ở Samalaju, phía Bắc, được thực hiện theo 2 giai đoạn và dự kiến hoàn thành vào năm 2030.
Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), một quốc gia có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong EEZ của mình, được định nghĩa là vùng biển trải dài tới 200 hải lý (370km) ngay ngoài khơi. EEZ của Malaysia bao gồm các khu vực có nhiều dầu khí mà nước này cho biết đóng góp gần 25% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong đó có Bãi cạn Luconia hay còn gọi là Beting Patinggi Ali và Beting Raja Jarum, một nhóm các rạn san hô chủ yếu là chìm nằm giữa các điểm khai thác dầu khí khác nhau của Malaysia cách bờ biển Sarawak 155km.
Trung Quốc – quốc gia tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông trong cái gọi là “Đường 9 đoạn” của mình – thường xuyên phản đối các hoạt động của Malaysia tại Bãi cạn Luconia và liên tục hiện diện tại đây. Các tàu hải cảnh Trung Quốc được cho là đã quấy rối các giàn khoan và tàu khảo sát của Malaysia. Một báo cáo do “Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á” (AMTI) có trụ sở tại Washington công bố vào ngày 01/10/2024 đã trích dẫn dữ liệu theo dõi cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, các tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động thường xuyên trong EEZ của Malaysia. Từ ngày 01/01 đến ngày 27/9/2024, AMTI phát hiện ra rằng có ít nhất một tàu hải cảnh Trung Quốc ở khu vực này gần như mỗi ngày, ở lại đó tới 6 tuần trước khi được một tàu khác thay thế. Vào ngày 29/8/2024, một hãng tin của Philippines đã công bố một công hàm ngoại giao của Trung Quốc được gửi vào tháng 02/2024 tới Đại sứ quán Malaysia tại Bắc Kinh, trong đó yêu cầu Malaysia ngừng mọi hoạt động tại khu vực giàu tài nguyên này. Malaysia đã phản đối bằng cách tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục bảo vệ quyền chủ quyền của mình tại vùng biển này.
Theo giới chuyên gia, bất chấp những lợi ích to lớn, Malaysia sẽ cảnh giác rằng việc tiếp tục leo thang từ phía mình sẽ có nguy cơ phải đối mặt với phản ứng gay gắt hơn từ lực lượng hải quân vượt trội hơn nhiều của Trung Quốc, phản ánh tình hình mà Philippines hiện đang gặp phải. Tiến sĩ Koh cho rằng: “Nếu Malaysia làm điều tương tự (như Philippines), chúng ta có thể mong đợi Trung Quốc sẽ leo thang các động thái chống lại lợi ích của nước này ở Biển Đông”.
Malaysia phần lớn đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của các cuộc xâm nhập của Trung Quốc vào EEZ của nước này và giữ nguyên cách tiếp cận lâu nay, không đối đầu ở Biển Đông, thích chuyển sang các kênh ngoại giao và từ chối để căng thẳng ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương với Trung Quốc. Nhưng trong những tháng gần đây, các chính trị gia cấp cao ở Sarawak đã công khai thúc giục chính quyền liên bang tăng cường sự hiện diện của hải quân tại bang này, cảnh báo về hành động của Trung Quốc và hậu quả nghiêm trọng khi để mất một khu vực kinh tế quan trọng như vậy vào tay một thế lực nước ngoài.
Cùng ngày tin tức về công hàm ngoại giao của Trung Quốc được công bố lần đầu tiên 29/8, ông Abdul Karim Rahman Hamzah – Bộ trưởng Du lịch, Công nghiệp Sáng tạo và Nghệ thuật Biểu diễn của Sarawak – đã kêu gọi đẩy nhanh việc xây dựng căn cứ hải quân. Ông nói: “Gần đây, Trung Quốc đã trở nên mạnh hơn và sở hữu một hạm đội hải quân hùng mạnh, khiến họ ngày càng to tiếng và hung hăng trong việc mở rộng ranh giới hàng hải của mình bằng cách phô trương tài sản hàng hải tại vùng biển đó. Sự giàu có của Malaysia về dầu khí cũng nằm ở đó. Điều gì sẽ xảy ra nếu chủ quyền của khu vực đó bị xói mòn do sự mở rộng ranh giới hàng hải của một siêu cường?”.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Khaled Nordin đã trả lời truyền thông địa phương hồi tháng 8/2024 rằng chính quyền liên bang đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng với Sarawak về giá đất cho căn cứ hải quân, dự kiến việc xây dựng sẽ bắt đầu sau khi đạt được thỏa thuận. Không có mốc thời gian hoàn thành nào được đưa ra. Kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân Bintulu, căn cứ đầu tiên của Sarawak, lần đầu tiên được xác nhận vào năm 2013 nhưng chỉ được triển khai vào năm 2023 sau khi tìm thấy một địa điểm phù hợp tại Khu công nghiệp Samalaju.
Trước đây, người ta cho rằng vùng biển Sarawak quá nông để có thể xây dựng căn cứ hải quân. Trong khi đó, Malaysia đã dựa vào các tàu hải quân đồn trú tại một căn cứ xa hơn ở Sabah để tuần tra EEZ của mình. Sabah có 2 căn cứ chính: Một ở Teluk Sepanggar gần Kota Kinabalu và một ở Sandakan. Tháng 9/2023, Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Mohamad Hasan đã phát biểu trước Quốc hội rằng các tàu từ căn cứ Teluk Sepanggar gần nhất sẽ mất 19 giờ để đến Beting Patinggi Ali, so với 9 giờ từ Bintulu với cùng tốc độ 12 hải lý/giờ (22km/h).
Căn cứ hải quân ở Bintulu có vị trí chiến lược khi chỉ cách Bãi cạn Luconia 148. Thomas Daniel, chuyên gia an ninh và chính sách đối ngoại từ Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (ISIS) của Malaysia, căn cứ mới ở Bintulu sẽ rất quan trọng trong việc tăng cường năng lực hải quân của Malaysia. Ông nói: “Việc có các căn cứ hải quân tối ưu hơn sẽ giúp giảm thời gian phản hồi tới các vùng biển trọng điểm. Đây là điều quan trọng cả về hoạt động và chính sách đối với Malaysia”.
Một chuyên gia cảnh báo rằng do Sabah và Sarawak có hàng nghìn km bờ biển, việc thiếu căn cứ hải quân sẽ dẫn đến khả năng tiếp cận và thời gian phản ứng kém hiệu quả trong thời gian khủng hoảng, khiến Malaysia phải đối mặt với các mối đe dọa bên ngoài. Tiến sĩ Tharishini Krishnan – Giảng viên cao cấp tại Đại học Quốc gia Pertahanan Malaysia – đã viết trong một bài bình luận được tờ “New Straits Times” công bố năm 2021 rằng: “Việc thiết lập một căn cứ ở Sarawak sẽ hỗ trợ tích cực cho việc giám sát khu vực này. Hơn nữa, sự tồn tại thực tế của căn cứ hải quân Bintulu sẽ ngăn cản nỗ lực liên tục tìm cách thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc tại đó”.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Koh nhấn mạnh rằng cả hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Malaysia đều không được trang bị tốt cho các cuộc tuần tra EEZ, đòi hỏi các tàu phải dành nhiều thời gian ngoài biển. Ông cho biết, hạm đội của hải quân Malaysia đang “già” đi với các thiết bị cần thay thế, trong khi lực lượng bảo vệ bờ biển chủ yếu vận hành các tàu phù hợp hơn cho hoạt động tuần tra ven biển thay vì vùng biển mở của EEZ. Và trong khi căn cứ hải quân Sarawak sẽ là nơi đóng quân của các tàu tuần tra ven biển mới của Malaysia hiện đang được đóng và sẽ phù hợp hơn cho các nhiệm vụ EEZ, Tiến sĩ Koh cho biết sẽ mất 3-4 năm nữa trước khi chúng đi vào hoạt động. Tiến sĩ Koh nói thêm: “Bất chấp căn cứ Bintulu mới, điều quan trọng hơn là các tài sản vật chất có sẵn mà Malaysia có thể khai thác để bảo vệ các lợi ích của mình ở Biển Đông và đó sẽ phải là các tàu có khả năng hoạt động ngoài khơi tốt hơn được hỗ trợ bởi những công cụ nhận thức về lĩnh vực an ninh hàng hải. Tùy thuộc vào tình trạng sẵn có của tài sản, Malaysia có thể triển khai ít nhất một tàu đến EEZ tại bất kỳ thời điểm nào để chứng minh rằng họ sẽ không nhượng bộ trước các yêu sách bất hợp pháp của Bắc Kinh”.
Tiến sĩ Ian Storey – chuyên gia an ninh hàng hải tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore (Viện ISEAS – Yusof Ishak) – nói rằng căn cứ mới sẽ củng cố “chính sách kép” của Malaysia về tranh chấp Biển Đông. Ông cho biết căn cứ này sẽ giúp hải quân “duy trì sự hiện diện liên tục” tại các mỏ dầu khí ngoài khơi Sarawak trong khi Malaysia hạ thấp căng thẳng với Trung Quốc để bảo vệ mối quan hệ kinh tế của họ. Ông dự đoán “căn cứ mới sẽ không tác động tiêu cực đến quan hệ song phương vì cả hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển sẽ duy trì cách tiếp cận không đối đầu với các tàu Trung Quốc trong EEZ của Malaysia”.
Ngày 02/10/2024, Đô đốc Zulhelmy Ithnain – Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Malaysia – khẳng định hải quân vẫn duy trì sự hiện diện tại các khu vực tranh chấp nhưng sẽ “tránh các hành động gây hấn”. Tờ “Daily Express” dẫn lời phát biểu của ông Zulhelmy Ithnain tại một hội nghị về tàu ngầm: “Chiến lược chính của chúng tôi là xoa dịu tình hình thông qua ngoại giao. Các phương tiện quân sự chỉ được sử dụng nếu ngoại giao thất bại, điều mà chúng tôi tin là sẽ không xảy ra”.
Theo báo cáo của AMTI, sự hiện diện liên tục của Trung Quốc tại Bãi cạn Luconia không thể sánh bằng quy mô hoạt động của nước này ở xa hơn về phía Bắc tại quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, nơi Bắc Kinh đã triển khai hàng chục tàu hải cảnh và hàng trăm tàu dân quân biển để phản đối các hoạt động của Philippines tại đó. Trong một dấu hiệu căng thẳng leo thang, Manila hồi tháng 9 đã cáo buộc một tàu hải cảnh Trung Quốc cố tình đâm vào một tàu của Philippines gần Bãi cạn Sa Bin ở quần đảo Trường Sa. Lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng đã bị cáo buộc sử dụng các kỹ thuật “vùng xám” như vòi rồng và tia laser cường độ cao chống lại các tàu của Philippines. Theo Tiến sĩ Storey, Trung Quốc “đang rất bận rộn” khi cố gắng chống lại sự hiện diện của Philippines tại khu vực tranh chấp và hiện không muốn “gây chiến” với bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác có yêu sách tại đây. Ông nói: “Malaysia và Trung Quốc có mối quan hệ hữu nghị và không bên nào muốn tranh chấp Biển Đông làm tổn hại đến quan hệ song phương, như đã từng xảy ra với Philippines”.