Nhằm thực hiện mưu đồ thống trị, độc chiếm Biển Đông, trong hơn một thập kỷ qua Trung Quốc tiến hành bồi đắp, mở rộng các thực thể mà họ chiếm đóng ở Biển Đông, xây dựng các đảo nhân tạo, bố trí các trang thiết bị quân sự biến chúng thành những đồn điền quân sự ở Biển Đông.
Mặt khác, Trung Quốc tài trợ cho Campuchia cải tạo, nâng cấp căn cứ hải quân Ream bên bờ Vịnh Thái Lan mà nhiều chuyên gia quân sự cho rằng Bắc Kinh đang biến Ream thành căn cứ quân sự của mình. Với việc Bắc Kinh đẩy mạnh quân sự hoá Biển Đông trong những năm qua, có ý kiến cho rằng điều này đang giúp Trung Quốc từng bước chiếm ưu thế quân sự ở Biển Đông.
Trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược giữa Mỹ – Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng gay gắt, câu hỏi được giới học giả đặt ra là Mỹ sẽ làm gì để giành lại ưu thế quân sự ở Biển Đông để ngăn chặn sự mở rộng bành trướng của Bắc Kinh. Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng tên lửa mới của Mỹ có thể thay đổi cán cân quân sự ở Biển Đông. Việc Hải quân Mỹ triển khai tên lửa không đối không tầm cực xa mới ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể xóa bỏ lợi thế về tầm bắn trên không của Trung Quốc. Đây được coi là động thái tăng cường khả năng triển khai sức mạnh của Mỹ giữa lúc căng thẳng khu vực đang leo thang.
Tên lửa AIM-174B, được phát triển từ tên lửa phòng không Raytheon SM-6 sẵn có, là loại tên lửa tầm xa nhất mà Mỹ từng triển khai và đã được công nhận chính thức vào tháng 7/2024. Tên lửa này có ba ưu điểm chính: (i) có thể bay xa hơn nhiều lần so với lựa chọn tốt thứ hai của Mỹ là AIM-120 AMRAAM; (ii) không yêu cầu dây chuyền sản xuất mới; (iii) tương thích với các máy bay của ít nhất một đồng minh của Mỹ là Úc.
Điều quan trọng là một vũ khí như AIM-174B có thể tấn công các mục tiêu trên không cách xa tới 400km, vượt xa tầm bắn của tên lửa PL-15 của Trung Quốc, cho phép máy bay chiến đấu của Mỹ giữ các mối đe dọa đối với tàu sân bay xa hơn và tấn công an toàn các mục tiêu “giá trị cao” của Trung Quốc, chẳng hạn như máy bay chỉ huy và kiểm soát. Chieh Chung (Yết Trọng), nhà nghiên cứu của nhóm Hiệp hội Dự báo Chiến lược có trụ sở tại Đài Bắc, Đài Loan, nhận định “Mỹ có thể đảm bảo an toàn cho các tài sản quan trọng của họ, chẳng hạn các nhóm tàu sân bay, và thực hiện các cuộc tấn công tầm xa vào các mục tiêu thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA).
Bất kỳ xung đột nào ở Biển Đông, bên trong Chuỗi đảo thứ nhất (First Island Chain) – kéo dài từ Indonesia theo hướng đông bắc tới Nhật Bản, đồng nghĩa với việc Hải quân Mỹ sẽ hoạt động chỉ cách Trung Quốc vài trăm cây số. Trong trường hợp Mỹ hỗ trợ Đài Loan nếu hòn đảo này bị tấn công, xâm lược càng kéo Hải quân Mỹ lại gần Trung Quốc, về mặt cự ly, hơn nữa.
Tên lửa tầm xa AIM-120 tiêu chuẩn cho máy bay của Mỹ, có tầm bắn tối đa khoảng 150km, đòi hỏi máy bay phóng tên lửa phải bay sâu hơn vào lãnh thổ tranh chấp, khiến tàu sân bay phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công lớn hơn. Ông Cheih cho rằng tên lửa AIM-174B thay đổi điều đó, khiến máy bay săn tàu sân bay của PLA không thể bắn tới tàu sân bay Mỹ và máy bay PLA sẽ gặp nguy hiểm nếu tấn công Đài Loan. Điều này cũng làm tăng khả năng Mỹ sẽ tham gia vào một cuộc xung đột lớn trong khu vực.
Một nhà phân tích kỹ thuật quốc phòng cấp cao của Mỹ nhấn mạnh: “Điều quan trọng là tên lửa này giúp Mỹ tiến xa hơn một chút” vào Biển Đông trong một cuộc xung đột. Chuyên gia quân sự nhận định tên lửa mới AIM-174B “có khả năng thay đổi hành động của Trung Quốc vì nó sẽ gây nguy hiểm hơn cho những chiếc máy bay lớn, chậm, kém cơ động”.
Bà Kelly Grieco, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Stimson, Mỹ nhận xét sự ra đời của các máy bay tàng hình Trung Quốc như J-20, và quan trọng hơn, tên lửa PL-15 với tầm bắn 250km trở lên mà máy bay này có thể mang theo – đã làm xói mòn lợi thế quân sự của Mỹ. Theo bà Grieco, về mặt lý thuyết, hiện một máy bay tàng hình của Trung Quốc có thể phát hiện ra máy bay không tàng hình Mỹ và bắn hạ ở rất xa, ngoài tầm mà máy bay Mỹ có thể chống trả. Bà Grieco nhận định: “Nếu một máy bay chiến đấu Trung Quốc nằm ngoài tầm bắn của một máy bay chiến đấu Mỹ, điều đó có nghĩa là máy bay Trung Quốc có thể bắn trước. Rất khó để chạy thoát khỏi thứ gì đó đang di chuyển với tốc độ Mach 4 (khoảng 5.000km/h)”.
Giới phân tích quân sự cho rằng trong nhiều thập kỷ, Mỹ chiếm ưu thế về máy bay chiến đấu tàng hình, đầu tiên là F-117 và sau đó là F-22 và F-35, nên chỉ cần tên lửa như AIM-120 là đủ. Tuy nhiên, với việc phát triển nhanh chóng máy bay tàng hình và tên lửa tầm xa của Trung Quốc, ưu thế lâu nay của Mỹ không còn nữa bởi ngay cả máy bay tàng hình của Mỹ cũng có thể phải mạo hiểm bay gần để bắn tên lửa. Tên lửa AIM-174B được phát triển để nhanh chóng giải quyết vấn đề đó. Lockheed Martin AIM-260, một chương trình bí mật do Không quân Mỹ thực hiện nhằm phát triển một tên lửa không đối không tầm cực xa đủ nhỏ để máy bay tàng hình có thể mang theo bên trong, đã được triển khai trong bảy năm.
Hiện các tên lửa AIM-174B chỉ mới thấy trên chiếc F/A-18E/F Super Hornet của Hải quân Mỹ. Dòng máy bay này do quân đội Mỹ và Úc vận hành. Mỹ cũng đang đầu tư hàng trăm triệu đô la vào hạ tầng quân sự ở Úc. Bộ Quốc phòng Úc cho biết họ “làm việc chặt chẽ với Mỹ để hiểu các lựa chọn năng lực có sẵn để Úc xem xét”. Mỹ xem Úc là một đồng minh quan trọng và là địa điểm để triển khai sức mạnh vào Biển Đông.
Hải quân Mỹ xác nhận thông tin tên lửa AIM-174B đã được “triển khai hoạt động” nhưng từ chối bình luận về việc liệu nó có được cung cấp cho các đồng minh hay không, liệu nó có được tích hợp lên các máy bay khác hay không và Hải quân Mỹ muốn bao nhiêu AIM-174B mỗi năm. Giới chuyên gia quân sự nhận định việc Mỹ đưa tên lửa AIM-174B là một bước đột phá quan trọng, có thể làm thay đổi cán cân quân sự ở khu vực trong đó có Biển Đông.
Ông Peter Layton, chuyên gia quốc phòng và hàng không tại Viện Griffith châu Á, nhận định việc bổ sung AIM-174B vào kho vũ khí của Hải quân Mỹ, ngay cả khi số lượng chưa lớn, cũng thay đổi tính toán của một cuộc xung đột khu vực. Ông Layton nói: “Nếu điều này đủ để đẩy (máy bay giá trị cao) của Trung Quốc lùi xa, thì không nhất thiết phải có nhiều tên lửa…, bởi vì mối đe dọa đã khiến đối thủ thay đổi hành vi… Nó làm cho kịch bản Biển Đông trở nên dễ dàng hơn”.
Ngoài ra, Mỹ đã lên kế hoạch triển khai các bệ phóng tên lửa đánh chặn SM-6 và Tomahawk tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong chuyến thăm Hàn Quốc đầu tháng 4/2024, Tư lệnh Lục quân Mỹ ở Thái Bình Dương, Tướng Charles Flynn tiết lộ quân đội Mỹ đã phát triển “các loại hỏa lực chính xác tầm xa,” đưa tên lửa đánh chặn SM-6 và tên lửa tấn công từ biển Tomahawk vào danh sách các vũ khí có thể phóng từ hệ thống phóng mới. Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Yonhap tại Trại Humphreys ở thành phố Pyeongtaek của Hàn Quốc hôm 6/4, Tướng Flynn nêu rõ: “Hệ thống mới này sẽ sớm được triển khai trong khu vực”.
Tên lửa SM-6 với tầm bắn hơn 240km được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo trong khi Tomahawk là tên lửa hành trình cận âm có thể tấn công mục tiêu cách xa khoảng 2.500km. Nhiều chuyên gia suy đoán hệ thống mới triển khai ở khu vực có thể là hệ thống Typhoon trên mặt đất, được quân đội Mỹ vận hành từ năm ngoái. Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, được coi là địa điểm tiềm năng cho việc triển khai hệ thống này.
Đáng chú ý là cùng với tuyên bố của Tướng Charles Flynn, Mỹ đã triển khai hệ thống phóng tên lửa mặt đất tầm trung (còn được gọi là hệ thống tên lửa Typhon) tới Philippines phục vụ cuộc tập trận quân sự chung Balikatan và Salaknib giữa Mỹ và Philippines. Hệ thống phóng tên lửa tầm trung trên mặt đất được vận chuyển tới Philippines hôm 11/4/2024 và được bố trí ở một khu vực không được tiết lộ ở phía Bắc đảo Luzon. Đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai hệ thống này tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Bắc Kinh hết sức lo ngại đến việc Mỹ triển khai hệ thống tên lửa Typhon tới khu vực. Trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo tại Lào nhân dịp dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nêu lên những lo ngại về sự hiện diện của hệ thống tên lửa có thể “gây bất ổn” trong khu vực, đồng thời cảnh báo rằng việc triển khai hệ thống tên lửa tầm trung của Mỹ có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và dẫn đến chạy đua vũ trang. Ông Enrique Manalo đảm bảo với ông Vương rằng sự hiện diện của hệ thống này không mang tính đe dọa và nói thêm sự hiện diện của hệ thống tên lửa tầm trung của Mỹ tại Philippines chỉ là tạm thời.
Phản ứng của Bắc Kinh trước việc Mỹ triển khai hệ thống tên lửa Typhon ở khu vực cho thấy rõ Trung Quốc đã nhận thức rõ về mối nguy hiểm của các loại vũ khí này. Giới chuyên gia quân sự nhận định việc Mỹ đưa hệ thống tên lửa Typhon tới đảo Luzon là nhằm chuyển tới Bắc Kinh một thông điệp mạnh mẽ rằng Mỹ sẽ không ngồi yên để Trung Quốc hoành hành ở Biển Đông, đe doạ, bắt nạt Philippines và Đài Loan. Có thể Mỹ sẽ chưa triển khai cố định hệ thống tên lửa Typhon ở Philippines, song việc di chuyển hệ thống tên lửa nặng tới 40 tấn bằng máy bay tới Philippines được coi là một cuộc tập dượt để chuẩn bị cho những tình huống xấu nếu Philippines hoặc Đài Loan bị Trung Quốc tấn công.
Các chuyên gia quân sự nhận định Trung Quốc đang phát triển tên lửa có tầm bắn xa hơn PL-15 nhưng radar của máy bay phóng có lẽ không thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách xa như vậy và những quả tên lửa quá lớn và quá nặng thì sẽ ngốn nhiều nhiên liệu máy bay hơn. Việc Mỹ triển khai các bệ phóng tên lửa đánh chặn SM-6 và Tomahawk dù ở bất cứ địa điểm nàp tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng có thể giúp hạn chế sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông bất chấp việc Trung Quốc tập trung phát triển lực lượng quân đội ngày càng hiện đại và đẩy mạnh quân sự hoá Biển Đông và các vùng biển xung quanh.
Việc tên lửa mới AIM-174B được biên chế vào kho vũ khí của Hải quân Mỹ và bắt đầu được triển khai hoạt động ở khu vực cùng với việc Mỹ lên kế hoạch sớm thiết lập hệ thống tên lửa Typhon ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ khiến Mỹ tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự ở khu vực và sẽ là một thách thức lớn ngăn cản mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh. Nói một cách khác tên lửa mới có thể giúp Mỹ giành lại ưu thế quân sự ở Biển Đông nói riêng và trong khu vực nói chung. Giới chuyên gia cho rằng việc Mỹ triển khai các hệ thống tên lửa Typhon ở đâu trong khu vực và sử dụng tên lửa mới AIM-174B như thế nào còn phụ thuộc vào cách hành xử của Trung Quốc với các đồng minh của Mỹ và các nước láng giềng. Việc Washington vận chuyển hệ thống tên lửa Typhon tới Philippines tham gia tập trận là sự tính toán mang tính chiến lược vừa để tạo sự răn đe, vừa là những bước thử nghiệm, chuẩn bị cần thiết, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang dùng sức mạnh vượt trội so với các nước láng giềng đề hù doạ, bắt nạt các nước ven Biển Đông.