Thủ tướng Slovakia Robert Fico ngày 22.12 bất ngờ sang thăm Moscow và gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin với mục đích chính được cho là gia hạn thỏa thuận cung cấp khí đốt.
Theo Reuters, Tập đoàn Gazprom của Nga có thỏa thuận 5 năm cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu, trong đó có Slovakia, bằng đường ống Druzhba đi qua Ukraine. Thỏa thuận sẽ hết hiệu lực vào ngày 31.12 trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu ÂU (EU) tuần rồi rằng sẽ không gia hạn do chiến dịch quân sự của Nga tại nước này. Slovakia, thành viên EU và NATO, ước tính việc nhập khí đốt từ các nguồn khác có thể gây tốn kém thêm 220 triệu euro chi phí vận chuyển.
Áo ngừng mua, khí đốt Nga vẫn không sợ ế
Điện Kremlin chỉ xác nhận ông Fico có chuyến thăm làm việc đến Moscow và hội đàm với Tổng thống Putin. Theo trang The Kyiv Independent, Thủ tướng Fico cho biết đã thảo luận về việc cung cấp khí đốt, chiến sự Ukraine, tiêu chuẩn hóa quan hệ Slovakia-Nga với Tổng thống Putin. Ông Fico nói rằng cuộc gặp là “sự đáp trả” đối với việc Tổng thống Zelensky từ chối gia hạn thỏa thuận. “Tổng thống Putin xác nhận sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho phương Tây và Slovakia từ ngày 1.1.2025, điều trên thực tế là bất khả thi với quan điểm của Tổng thống Ukraine”, ông Fico viết trên Facebook sau cuộc gặp. Mặt khác, ông Fico cáo buộc Ukraine ủng hộ trừng phạt chương trình hạt nhân của Nga, gây thiệt hại cho Slovakia về tài chính và đe dọa việc sản xuất điện tại các nhà máy điện hạt nhân của nước ông.
Ông Fico là lãnh đạo thứ ba của EU thăm Nga từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2.2022, sau Thủ tướng Áo Karl Nehammer và Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Phe đối lập Slovakia gọi chuyến thăm của ông Fico là “nỗi ô nhục” nhưng vị thủ tướng tuyên bố đã báo trước với các lãnh đạo EU. Sau khi trở thành thủ tướng vào tháng 10.2023, ông Fico cắt đứt viện trợ quân sự của Slovakia cho Ukraine và tuyên bố sẽ ngăn cản Kyiv gia nhập NATO. Giống như Thủ tướng Orban của Hungary, ông Fico phản đối cấm vận và kêu gọi đối thoại hòa bình với Nga. Slovakia và Hungary đều phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga bất chấp nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung của EU từ khi xung đột bùng phát tại Ukraine.
Việc Ukraine quyết định để cho thỏa thuận cung cấp khí đốt hết hiệu lực đã gây ra sự phản đối tập thể từ các công ty năng lượng nhà nước của Slovakia, Hungary, Ý và Áo.
T.H