Trong bàn cờ địa chính trị phức tạp của khu vực, việc Philippines tuyên bố mua hệ thống tên lửa tầm trung Typhon của Mỹ ngày 23/12 vừa qua đã thu hút sự chú ý của giới quan sát quốc tế.
Với khả năng phóng các tên lửa SM-6 và Tomahawk, hệ thống Typhon đặt tại miền bắc Philippines có thể tấn công một tàu chiến ở bất kỳ vị trí nào trên Biển Đông va eo biển Đài Loan. Giới quân sự còn cho biết, tên lửa Tomahawk phóng đi từ hệ thống yphon có thể tấn công các mục tiêu trong phạm vi lên đến 2.500 km, bao phủ không chỉ toàn bộ Biển Đông, Đài Loan, bờ biển Trung Quốc, mà còn vươn tới cả Bắc Kinh…Như vậy, đống thái của Manila không chỉ là sự mua sắm quân sự đơn thuần, mà còn là tuyên ngôn về chiến lược.
Từ góc độ khu vực, quyết định của Philippines mang tính bước ngoặt. Nó không chỉ định hình lại mối quan hệ giữa Manila và Washington, mà còn tác động sâu sắc đến ASEAN. Một mặt, nó khuyến khích các quốc gia thành viên ASEAN khác xem xét lại chiến lược quốc phòng của mình. Mặt khác, nó cũng tạo ra áp lực nội bộ trong khối khi các nước phải cân bằng giữa việc duy trì quan hệ với Trung Quốc và đảm bảo an ninh trước sức ép gia tăng, cũng từ chính siêu cường láng giềng này.
Tất nhiên, Trung Nam Hải biết, đằng sau Manila, là Washington. Nhà Trắng hẳn đã công phu dựng nên một kịch bản chiến thuật nhằm “lách luật” trong việc triển khai Typhon ở Philippines. Sự lách luật thể hiện ở chỗ Washington biết bán các loại tên lửa thông thường tầm bắn trên 300 km bị cấm bởi Hiệp ước Kiểm soát Công nghệ Tên lửa do nhóm G-7 thông qua năm 1987. Do đó, sau cuộc tập trận chung Balikatan đầu năm, hệ thống Typhon đã làm như “vô tình” nằm lại tại các căn cứ Philippines. Điều này một mặt tăng cường khả năng tự vệ phòng thủ của Philippines; mặt khác, né được sự chỉ trích của các đối thủ khu vực. Có nhà phân tích, ngoài nhấn mạnh ý nghĩa đòn bẩy quân sự, còn nêu ra ý đồ tinh quái trong đối phó địa chính trị của Mỹ và đồng minh Đông Nam Á…
Bắc Kinh xem đây là thách thức trực diện đối với tham vọng khu vực. Trong con mắt soi mói của Bắc Kinh, thêm một lần nữa Manila đang rời xa khỏi quỹ đạo ngoại giao, tiến gần hơn vòng tay Washington. Bắc Kinh không thể yên lòng trước việc cán cân sức mạnh đang bị nghiêng lệch khi một quốc gia nhỏ như Philippines có thể dùng lực lượng tầm xa như SM-6 hay Tomahawk.
Phản ứng từ Trung Quốc không nằm ngoài dự đoán. Ngày 23/12, qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh, Bắc Kinh đã cáo buộc Washington lợi dụng các cuộc tập trận để xây dựng các liên minh quân sự ngầm, làm gia tăng căng thẳng khu vực. Bà Mao cho rằng: sự hiện diện của Typhon tại Philippines, dù mang danh nghĩa phòng thủ, nhưng bản chất vẫn là bước leo thang quân sự nguy hiểm…
Phản ứng của Bắc Kinh cho thấy, Biển Đông không chỉ còn là sân khấu của những tranh chấp chủ quyền đơn thuần, mà đã trở thành một đấu trường cạnh tranh quyền lực toàn cầu.
Washington có lý để phản bác lại Bắc Kinh. Trung Quốc đã không ngừng tăng cường các hoạt động quân sự nhằm phô trương sức mạnh và gửi thông điệp răn đe tứ phía trong nhiều năm qua. Từ các cuộc tập trận quy mô lớn cho đến việc xây dựng và triển khai thêm cơ sở vật chất tại các đảo nhân tạo, Bắc Kinh đang cố gắng vẽ lại cán cân quyền lực trong khu vực. Những hành động này, thực chất, đã gia tăng sự đối đầu giữa Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á. Đó cũng là nguyên nhân khiến các quốc gia Đông Nam Á có xu hướng xích lại gần Mỹ hơn.
Với Mỹ, việc bán Typhon và sự hiện diện quân sự tại Philippines không chỉ đơn thuần là hỗ trợ đồng minh, mà còn là chiến lược dài hạn nhằm củng cố vai trò tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chính quyền Washington hiểu rằng, để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, cần có một mạng lưới đồng minh vững chắc và sự hiện diện thực tế trên thực địa. Typhon, do đó, trở thành biểu tượng cho cam kết của Mỹ đối với khu vực.
Ai cũng thấy sự leo thang nào cũng đều tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những tính toán sai lầm. Với tình hình căng thẳng hiện nay, chỉ cần một vụ va chạm nhỏ cũng có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột lớn hơn. Vì vậy, bên cạnh các động thái quân sự, cả Mỹ, Trung Quốc và Philippines đồng thời đều thúc đẩy các kênh ngoại giao để giảm thiểu nguy cơ đối đầu trực diện. Dù vậy, quyết định mua Typhon của Philippines, dù giải thích kiểu gì, gây nhiều tranh cãi…, cùng vẫn là là minh chứng rõ nét một thực tế rằng Biển Đông đã trở thành tâm điểm của một cuộc cạnh tranh quyền lực không khoan nhượng. Nó cho thấy rằng, trong một thế giới đầy biến động, các quốc gia nhỏ không còn đứng ngoài cuộc, mà đã và đang trở thành những nhân tố quan trọng tham gia bàn cờ địa chính trị toàn cầu. “Bỏ quên” ở Philippines đã đành. Nhiều người đang nghĩ tới việc sau Philippines, sẽ tới lúc, hệ thống Typhon hiện diện thêm ở nhiều quốc gia Đông Nam Á nữa.
T.V