Saturday, January 4, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnNATO hành động sau các vụ đứt cáp ngầm bí ẩn

NATO hành động sau các vụ đứt cáp ngầm bí ẩn

Các vụ đứt cáp ngầm liên tục ở biển Baltic đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về an ninh phức tạp đối với cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển, buộc NATO và Liên minh châu Âu (EU) hành động khẩn cấp.

Tàu kéo Ukko của Phần Lan (phải) đi gần tàu chở dầu Eagle S trên vịnh Phần Lan vào ngày 28.12.2024. Tàu Eagle S bị nghi liên quan vụ đứt cáp ngầm EstLink 2


Loạt vụ đứt cáp ngầm tại Baltic
Công ty điện lực Fingrid (Phần Lan) ngày 25.12 thông báo tuyến cáp ngầm truyền tải điện EstLink 2 nối giữa Phần Lan và Estonia đã ngừng hoạt động, đồng thời cho biết có 2 tàu ở gần tuyến cáp trước khi xảy ra sự cố. Đây là vụ mới nhất trong một loạt sự cố liên quan cơ sở hạ tầng quan trọng ở biển Baltic, theo CNN.

Các sĩ quan cảnh sát biển Phần Lan hôm 26.12 khám xét tàu chở dầu Eagle S treo cờ quần đảo Cook vì nghi liên quan. Sau đó, tàu đã được đưa vào hải phận Phần Lan. Cơ quan hải quan Phần Lan cho biết đã thu giữ hàng hóa trên tàu và cho rằng Eagle S là một phần của “hạm đội bóng tối” các tàu chở dầu cũ kỹ của một nước châu Âu, được sử dụng để lách các lệnh trừng phạt đối với việc bán dầu.

Cảnh sát Phần Lan ngày 27.12 cho biết đang điều tra tàu Eagle S vì nghi ngờ “phạm tội phá hoại nghiêm trọng” và các thành viên phi hành đoàn đã bị thẩm vấn. Phần Lan và Estonia cho hay việc sửa chữa Estlink 2 sẽ mất nhiều tháng, dự kiến hoạt động trở lại vào ngày 1.8.2025.

Không chỉ EstLink 2, bốn tuyến cáp internet dưới đáy biển Baltic khác cũng bị hư hại thời gian gần đây. Cơ quan giao thông và truyền thông Phần Lan Traficom cho biết 2 tuyến cáp dưới đáy biển Baltic do công ty viễn thông Elisa của Phần Lan sở hữu, nối Phần Lan với Estonia, đã bị đứt hôm 25.12, trong khi tuyến thứ ba do tập đoàn Citic của Trung Quốc sở hữu cũng bị hư hại. Tuyến cáp biển internet giữa Phần Lan và Đức, thuộc về tập đoàn Cinia của Phần Lan, cũng được cho là đã bị đứt.

Theo Hãng thông tấn Anadolu, các tuyến cáp ngầm Arelion, nối đảo Gotland của Thụy Điển với Lithuania, tuyến cáp thông tin ngầm C-Lion 1 giữa Helsinki (Phần Lan) và Rostock (Đức), bị hư hại gần lãnh hải Thụy Điển vào giữa tháng 11. Đến cuối tháng 11, 2 tuyến cáp viễn thông nối Thụy Điển và Đan Mạch cũng bị cắt đứt. Nhà chức trách nghi ngờ vụ việc liên quan tàu Yi Peng 3 của Trung Quốc từng đi qua khu vực này, theo CNN.

Hồi tháng 10, một đường ống dẫn khí đốt ngầm giữa Phần Lan và Estonia ngừng hoạt động sau khi mỏ neo của một tàu chở hàng Trung Quốc bị cáo buộc đã làm hỏng đường ống này. Theo Anadolu, các quan chức châu Âu cho rằng hành động phá hoại có thể là nguyên nhân đằng sau những gián đoạn gần đây và “có khả năng liên quan cuộc xung đột Nga – Ukraine”. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc này và nói rằng chúng “vô lý”.

Các nước Baltic “cầu cứu” NATO
Một số nước Baltic ngày 26.12 yêu cầu NATO tăng cường bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới biển ở khu vực này, sau các sự cố liên quan các tuyến cáp ngầm thời gian qua. Trên mạng xã hội X, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda chia sẻ: “Việc tuyến cáp điện quan trọng dưới biển nối Phần Lan và Estonia bị hư hỏng cho thấy tần suất các vụ đứt cáp ở biển Baltic ngày càng tăng”.

Tổng thống Nauseda cho rằng các sự cố liên quan cáp ngầm “không còn là ngẫu nhiên”, do đó, việc bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới biển “phải là ưu tiên chính trong hợp tác ở biển Baltic cả ở cấp độ NATO lẫn song phương”.

Bộ trưởng Nội vụ Lithuania Kestutis Budrys cũng nhấn mạnh: “Số lượng sự cố ngày càng tăng ở biển Baltic, vốn ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng quan trọng, phải là sự cảnh báo nghiêm trọng và khẩn cấp đối với cả NATO và Liên minh châu Âu (EU)”. Theo quan chức Lithuania, cần kích hoạt tất cả cơ chế trong NATO, các khuôn khổ an ninh quốc tế và khu vực để bảo vệ các tuyến cáp ngầm này.

Reuters đưa tin Thủ tướng Estonia Kristen Michal ngày 26.12 bày tỏ mong muốn NATO cung cấp thêm lực lượng hải quân như một hạm đội răn đe sau vụ việc đứt cáp điện EstLink 2 nối giữa Phần Lan và Estonia. Cùng ngày, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb phát biểu: “Chúng tôi đã nhất trí với Estonia và cũng đã trao đổi với Tổng thư ký NATO Mark Rutte rằng chúng tôi mong muốn có sự hiện diện mạnh mẽ hơn của NATO”.

Phản hồi lại các lời kêu gọi, Tổng thư ký NATO Mark Rutte ngày 27.12 cho biết tổ chức này đang theo dõi các cuộc điều tra và sẵn sàng cung cấp thêm sự hỗ trợ cho các quốc gia liên quan. Theo ông, liên minh này sẽ tăng cường sự hiện diện của mình tại biển Baltic sau loạt vụ hỏng cáp ngầm, đồng thời kêu gọi các thành viên đoàn kết.

Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết đang phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và sẵn sàng hỗ trợ các cuộc điều tra của họ, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng dưới đáy biển.

Hồi cuối tháng 11, tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Bắc Âu và Baltic ở Thụy Điển, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã đề xuất một chương trình tuần tra hải quân chung giữa các quốc gia biển Baltic để bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới biển trước các mối đe dọa an ninh bên ngoài. Theo tờ Politico, chương trình này sẽ diễn ra song song với nhiệm vụ tuần tra trên không của Baltic hiện đang được triển khai.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới