Sunday, January 5, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhững sự kiện thế giới nổi bật năm 2024

Những sự kiện thế giới nổi bật năm 2024

Năm qua thế giới vẫn đầy những bất ổn và có những biến động phức tạp, mang tính thời đại; kinh tế phục hồi mong manh, công nghệ AI chiếm ưu thế… Tất cả đặt ra những cơ hội và thách thức mới cho nhân loại. Dưới đây là những sự kiện thế giới nổi bật theo bình chọn của Dân Việt

1, Trung Đông nóng bỏng

Trong khi cuộc chiến Gaza giữa Israel và Hamas chưa có hồi kết thì xung đột Trung Đông tiếp tục lan rộng. Israel ám sát chỉ huy Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tại Syria, ám sát thủ lĩnh Hamas tại Tehran khiến Iran trả đũa và hai cường quốc khu vực tấn công trực diện vào lãnh thổ của nhau lần đầu tiên dù ở quy mô hạn chế.

Israel cố gắng làm suy yếu các nhóm du kích trong khu vực với các vụ ám sát thủ lĩnh của Hezbollah, tấn công lực lượng Hezbollah bằng cách cho nổ hàng nghìn máy nhắn tin dẫn tới các cuộc tấn công xuyên biên giới thường xuyên và Israel đưa quân vào Lebanon.

Nhóm Houthi của Yemen tiếp tục tấn công vào các tàu thương mại liên quan đến Israel đi qua Biển Đỏ, làm gián đoạn trên tuyến đường biển chiếm 10% lưu thông thương mại toàn cầu.

Các cuộc tấn công của Israel ở Gaza, Lebanon, Syria đã làm chết khoảng 50.000 người, riêng ở Gaza là hơn 46.000 người sau hơn một năm bùng phát xung đột.

2, Xung đột Nga – Ukraine leo thang nguy hiểm

Cuộc chiến kéo dài gần 1.000 ngày tưởng chừng như đã suy giảm khi lực lượng Ukraine kiệt quệ về con người và vũ khí, phía Nga cũng tổn thất lớn, thì tháng 8/2024 Ukraine bất ngờ tấn công vùng Kursk của Nga, đánh dấu lần đầu tiên Nga bị lực lượng nước ngoài tấn công kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Việc phương tây cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga đã khiến Moscow nổi giận trả đũa bằng tên lửa siêu vượt âm Oreshnik vào thành phố Dnipro của Ukraine. Nga cũng sửa đổi học thuyết thuyết hạt nhân theo hướng hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Cả hai bên đều nhắc đến việc đàm phán nhưng quan điểm hai bên còn rất khác biệt. Cuộc chiến được dự đoán có thể chấm dứt năm 2025 khi ông Trump lên nắm quyền với quan điểm không ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine.

3, Bầu cử tổng thống Mỹ

Cuộc bầu cử tưởng như diễn ra lần nữa giữa hai ứng cử viên của mùa bầu cử trước là ông Trump và ông Biden, hóa ra lại đầy những kịch tính. Tổng thống Biden, với những dấu hiệu về tuổi tác, đã bị các nghị sĩ Dân chủ ép để “thay ngựa giữa dòng” và Phó Tổng thống Kamala Harris bước vào cuộc đua trong những tháng cuối với đầy hy vọng về nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

Ông Trump bị ám sát hụt khi đi tranh cử đã tạo ra làn sóng ủng hộ mới cho ông. Cuộc đua tưởng sít sao, cuối cùng ông Trump đã giành chiến thắng ở cả 7 bang dao động, thắng cả bằng phiếu phổ thông, là tổng thống Mỹ thứ hai đắc cử nhiệm kỳ thứ hai không liên tiếp trong lịch sử nước này.

Ông nhanh chóng hoàn thành bộ máy dự kiến cho chính quyền Trump 2.0. Việc ông trở lại Nhà Trắng dự kiến sẽ tác động lớn đến các điểm nóng thế giới như cuộc xung đột Nga – Ukraine, tình hình Trung Đông. Chính sách tăng thuế của ông được chờ đợi sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trong đó nổi bật là quan hệ với Trung Quốc.

4, BRICS mở rộng

BRICS đang dần khẳng định vị thế của khối này trên trường quốc tế với sự tham gia của các quốc gia lớn, đông dân, giàu tài nguyên. Tháng 10 vừa qua tại hội nghị BRICS ở Nga, từ các thành viên ban đầu là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, khối này đã kết nạp thêm 4 quốc gia mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất UAE.

Hiện BRICS chiếm khoảng 45% dân số thế giới, 35% GDP toàn cầu theo sức mua đương đương, kiểm soát gần 50 lượng dầu toàn cầu – yếu tố quyết định trong bối cảnh địa chính trị hiện nay.

Một trong những động lực chính của việc mở rộng BRICS là mong muốn phá vỡ sự thống trị của đồng đô la Mỹ và các tổ chức tài chính phương Tây. Sự gia nhập của các quốc gia mới sẽ giúp BRICS củng cố vai trò của mình như một đối trọng với G7 và các tổ chức phương Tây khác. Mặc dù còn thách thức, BRICS vẫn có tiềm năng trở thành một lực lượng kinh tế quan trọng, định hình lại bối cảnh kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới.

5, Kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục

Bất chấp những rủi ro như các xung đột địa chính trị, tranh chấp thương mại, bất ổn xã hội sau bầu cử, kinh tế thế giới 2024 được dự báo tăng trưởng 3,2%. Các nền kinh tế lớn có xu hướng điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô, giảm lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng. FED lần đầu tiên hạ lãi suất trong 4 năm.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều nguy cơ với phục hồi kinh tế, đó là chi phí logistic tăng so với năm 2023, lạm phát vẫn cao, xu hướng phân tách, chính trị hóa, an ninh hóa kinh tế, sự kiềm chế lẫn nhau về phát triển kinh tế, phát triển công nghệ. Bảo hộ đang và sẽ gia tăng khi chính quyền Trump chính thức nhậm chức.

6, Năm bầu cử và khủng hoảng chính trị ở Châu Âu

Năm qua, các đảng trung hữu, cực hữu giành chiến thắng vang dội trong các cuộc bầu cử quan trọng ở Châu Âu, các đảng chính thống mất đi sự ủng hộ phổ biến trong bối cảnh cử tri cảm thấy bị bỏ rơi, bất mãn với chính phủ do kinh tế khó khăn, chính trị xã hội bất ổn, tạo nên sự chuyển dịch chính trị rõ nét từ bầu cử Nghị viện Châu Âu đến bầu cử quốc gia ở Áo, Bỉ, Bồ Đào Nha, Pháp…

Chính phủ của Thủ tướng Pháp Michel Barnier và của Thủ tướng Olaf Scholz đều không vượt qua được bỏ phiếu bất tín nhiệm. Riêng Pháp năm 2024 đã thay đổi 4 tổng thống.

Nước Anh chìm trong một mùa hè bạo loạn do thông tin sai lệch về một vụ đâm dao, khiến tân Thủ tướng Anh Keir Stammer vừa nhậm chức càng khó khăn dù vừa lật đổ 14 năm lãnh đạo đầy biến động của Đảng Bảo thủ.

Người dân Châu Âu mệt mỏi vì xung đột Ukraine đã dần giảm bớt sự ủng hộ cho đất nước này trong khi phải chịu mất nguồn khí đốt giá rẻ của Nga và nguy cơ tăng nhập khẩu dầu và khí đốt giá cao từ Mỹ khi ông Trump lên nắm quyền sắp tới.

7, Nội chiến Syria và sự sụp đổ của chế độ Assad

Sau 14 năm nội chiến, tuần đầu tháng 12/2024, lực lượng đối lập ở Syria do nhóm đối lập HTS dẫn đầu đã nhanh chóng chiếm lĩnh các thành phố lớn của Syria mà không gặp bất kỳ sự kháng cử đáng kể nào từ quân đội nước này. Ngày 8/12, HTS tuyên bố giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus.

Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ sau hơn 2 thập kỷ ông nắm quyền, ông và gia đình rời bỏ đất nước chạy sang Nga. Người dân đổ ra đường ăn mừng việc ông bi lật đổ.

HTS, vốn bị Mỹ coi là tổ chức khủng bố, giờ đây nắm quyền điều hành và cam kết sẽ làm việc với mọi phe phái để ổn định tình hình đất nước. Người Syria tị nạn ở các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon đã nhanh chóng trở về.

Tuy nhiên tình hình Syria vô cùng khó khăn với sự chia rẽ phe phái, sắc tộc sâu sắc, kinh tế kiệt quệ, HTS không có kinh nghiệm điều hành, tiềm ẩn những rủi ro mới cho Trung Đông.

8, AI nổi bật khắp thế giới

Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt lịch sử của trí tuệ nhân tạo (AI), khi công nghệ này không còn là tiềm năng tương lai mà trở thành động lực chủ đạo thay đổi nền tảng xã hội và kinh tế toàn cầu.

AI len lỏi vào mọi lĩnh vực, từ kinh doanh, giáo dục, y tế đến nông nghiệp, buộc con người phải nhanh chóng thích nghi với một thế giới do công nghệ dẫn dắt. Đây không chỉ là sự tiến hóa mà còn là một cuộc cách mạng toàn diện, mở ra chương mới đầy triển vọng và cả thách thức cho nhân loại.

Ngày 21/3, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết mang tính bước ngoặt về thúc đẩy các hệ thống Trí tuệ nhân tạo (AI) “an toàn, bảo mật và đáng tin cậy” vì sự phát triển bền vững cho tất cả mọi người, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đối mặt với cả cơ hội và thách thức từ việc ứng dụng và quản trị AI.

9, Năm của thiên tai cực đoan, khốc liệt

Ngay từ ngày đầu năm 1/1/2024, trận động đất mạnh 7,6 độ richter làm rung chuyển bán đảo Noto, Nhật Bản, san bằng nhiều nhà cửa, công trình, khiến ít nhất 120 người thiệt mạng, làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Cơ quan giám sát khí hậu châu Âu khẳng định, năm 2024 chắc chắn là năm nóng nhất từng được ghi nhận, nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng cao, phá vỡ các kỷ lục tước đó.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra trên khắp thế giới. Hạn hán nghiêm tọng tấn công Italy và Nam Mỹ, lũ lụt chết người ở Nepal, Sudan, Châu Âu, nắng nóng bất thường ở Mexico, Mali, Arab Saudi khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

Các tháng cuối năm, siêu bão bất thường xảy ra nhiều nơi trên thế giới: Bão Yagi đổ vào Châu Á tháng 9 gây thiệt hại lớn ở Philippines, Trung Quốc, Việt Nam, Myanmar. Bão Helene cũng tháng 9 là cơn bão gây thiệt hại lớn nhất trong năm ở Mỹ, cướp đi mạng sống của hơn 200 người, tổng thiệt hại khoảng 56 tỷ USD.

Cuối tháng 10, Tây Ban Nha trải qua những trận lũ quét khủng khiếp nhất trong lịch sử hiện đại nước này khiến 217 người thiệt mạng… Trong năm qua thiên tai gây thiệt hại tới 310 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới