Sunday, January 5, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNhững biến động chính trị đe dọa kinh tế toàn cầu trong...

Những biến động chính trị đe dọa kinh tế toàn cầu trong 2025

Chỉ còn vài ngày nữa là năm 2024 sẽ khép lại, nhưng hệ quả của những biến động chính trị trên toàn thế giới trong năm nay sẽ còn tác động cho đến tận năm 2015 và lâu hơn nữa.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump


Năm nay, cuộc chiến của Israel chống lại Hamas ở Dải Gaza đã leo thang và lan sang Lebanon, nơi Israel tiến hành chiến tranh với Hezbollah cho đến khi một lệnh ngừng bắn mong manh được thống nhất vào tháng trước.

Ở Syria, quân nổi dậy cuối cùng đã lật đổ Bashar al-Assad trong một cuộc tấn công chớp nhoáng vào tháng này, và cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã bước sang năm thứ ba.

Ông Nathan Sheets, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Citi và cựu thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, cho hay: “Có rất nhiều dự báo bất lợi về diễn biến của nền kinh tế toàn cầu”, đồng thời lưu ý về thành tích kém cỏi của nhiều đảng cầm quyền trong hơn 60 cuộc bầu cử trong năm nay.

Ông nói với CNN: “Tôi cảm thấy bầu không khí chính trị bất ổn hơn bất kỳ thời điểm nào tôi có thể nhớ được”.

Những đòn đáp trả thuế quan
Nhiều nhà kinh tế cho rằng sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump và đặc biệt là vấn đề thuế quan sẽ tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế thế giới trong năm tới.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nói về việc áp thuế 10-20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và áp thuế quan ít nhất 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Vào cuối tháng 11, sau chiến thắng trước bà Kamala Harris, ông cho biết ông muốn áp thuế nhập khẩu 25% đối với Mexico và Canada và “mức thuế quan bổ sung 10%, cao hơn bất kỳ mức thuế quan bổ sung nào” đối với Trung Quốc.

Các nhà dự báo đã đưa ra nhiều dự đoán khác nhau về tác động mà mức thuế quan mới của ông Trump sẽ gây ra cho các nền kinh tế khác, một phần tùy thuộc vào mức thuế.

“Tôi vẫn nghĩ rằng các hạn chế về thương mại, các biện pháp bảo hộ không có lợi cho tăng trưởng”, bà Christine Lagarde, chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu, trả lời các phóng viên hồi đầu tháng này khi được hỏi về khả năng ông Trump áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ châu Âu.

Tác động của việc tăng thuế quan của Mỹ đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung cũng sẽ phụ thuộc vào cách các quốc gia bị ảnh hưởng phản ứng, ví dụ như tăng thuế đáp trả đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ.

“Điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại toàn cầu, mặc dù có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, nhưng ở mức độ cực đoan có thể làm giảm 2-3% GDP toàn cầu”, công ty tư vấn Capital Economics viết trong một lưu ý gần đây. Dựa trên xu hướng hiện tại, mức giảm 3% đối với sản lượng của thế giới sẽ xóa sổ hầu hết tăng trưởng kinh tế.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs đã viết vào tháng trước rằng: “Tác động sẽ trực tiếp hơn ở Trung Quốc, nơi gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với mức tăng thuế quan”, đồng thời hạ dự báo của họ về năm 2025 đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sự hỗn loạn và trì trệ
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất chứng kiến ​​sự thay đổi chính trị chấn động trong năm nay. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi một cuộc bầu cử quốc hội bất thường vào mùa hè, dẫn đến một chính phủ thiểu số sụp đổ vào đầu tháng này.

Tương tự như vậy, liên minh cầm quyền ở Đức, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, đã tan rã vào tháng trước, mở đường cho một cuộc bầu cử bất thường vào tháng 2/2025.

Nội các mới tại Paris, được công bố vào ngày 23/12, có thể sẽ phải vật lộn để điều hành giống như chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier vừa bị phế truất, với một quốc hội không có phe phái nào có đa số rõ ràng. Điều đó sẽ khiến môi trường chính trị không ổn định, hạn chế đầu tư kinh doanh và chi tiêu của người tiêu dùng.

“Hỗn loạn chính trị sẽ đè nặng lên tăng trưởng tại Pháp vào năm tới”, ngân hàng châu Âu ING cho biết trong một báo cáo gần đây.

“Mối đe dọa liên tục về việc việc không thể thông qua ngân sách để sắp xếp tài chính công và viễn cảnh về nhiều cuộc bầu cử hơn nữa chỉ đơn giản là thúc đẩy sự bất ổn”, ngân hàng này nhấn mạnh thêm.

Theo hiến pháp Pháp, tình trạng bất ổn này sẽ kéo dài ít nhất cho đến giữa năm sau, thời điểm sớm nhất để có thể tổ chức một cuộc bầu cử quốc hội khác.

Vận mệnh của Đức trong những năm tới cũng sẽ phụ thuộc đáng kể vào kết quả của cuộc bầu cử sắp tới. Một câu hỏi quan trọng là liệu chính phủ mới có vay nhiều hơn để đầu tư và thực hiện cải cách cơ cấu để mang lại động lực tăng trưởng rất cần thiết hay không.

Ngoài ra, bất kỳ mức thuế mới nào của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu đều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Đức, xét đến ngành công nghiệp lớn của nước này và vai trò của Mỹ là đối tác thương mại quan trọng thứ hai của Đức, chỉ sau Trung Quốc.

Tác động của chiến tranh
Tăng trưởng toàn cầu cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những gì xảy ra ở Trung Đông giàu dầu mỏ, mặc dù các nhà kinh tế hiện tại ít lo lắng hơn về hậu quả tiêu cực trong ngắn hạn của tình hình thù địch ở đó.

“Các thông số của cuộc xung đột hiện tại không trực tiếp gây nguy hiểm cho (dòng chảy) dầu”, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Citi nói với CNN. Ông cho biết nó có thể lan rộng, nhưng “các nước lớn ở Trung Đông không muốn xung đột khu vực. Nếu đó là điều họ sẵn sàng, chúng ta đã thấy rồi”.

Giá dầu đã giảm từ mức đỉnh điểm đạt được ngay sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023 và hiện ở mức tương đương với tháng 6 năm ngoái.

Đối với quốc gia láng giềng Syria, thậm chí trước khi cuộc nội chiến tàn khốc nổ ra vào năm 2011, quốc gia này không chiếm một phần lớn sản lượng dầu toàn cầu và cuộc giao tranh đã phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng dầu mỏ của quốc gia này, Capital Economics lưu ý.

“Những diễn biến ở Syria sẽ có rất ít tác động đến nền kinh tế toàn cầu”, công ty tư vấn này cho biết một ngày sau khi chính quyền Assad bị lật đổ.

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine cũng đã để lại dấu ấn của nó lên nền kinh tế thế giới, khiến giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu cao hơn nhiều so với mức bình thường. Ông Trump đã nói rằng ông muốn chấm dứt xung đột một cách nhanh chóng và cách thức ông tiến hành sẽ quyết định hậu quả kinh tế của nó.

Trong khi “một lệnh ngừng bắn có trật tự” có thể thúc đẩy niềm tin kinh doanh ở châu Âu và giảm giá năng lượng, các nhà phân tích của Citi là Christian Schulz và Giada Giani cho biết, “một sự sụp đổ hỗn loạn” có thể gây ra dòng người tị nạn thậm chí còn lớn hơn vào khu vực và “lan rộng xung đột với Nga”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới