Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiCận cảnh "Vạn Lý Trường Thành thời hiện đại" của TQ: Dài...

Cận cảnh “Vạn Lý Trường Thành thời hiện đại” của TQ: Dài hơn 4.300 km, trị giá 70 tỷ USD

Theo trang Interesting Engineering (Mỹ), trong suốt chiều dài lịch sử, Trung Quốc đã nỗ lực thay đổi địa lý của nước này để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Hồ chứa Đan Giang Khẩu ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc đang xả nước.

Hiện nay, Trung Quốc đang thực hiện dự án cơ sở hạ tầng có thể là lớn nhất từ trước đến nay: Dự án điều tiết nước Nam – Bắc. Dự án đầy tham vọng trải dài hơn 4.300 km này nhằm mục đích phân phối lại hàng tỷ mét khối nước hàng năm tại một trong những quốc gia lớn nhất thế giới.

Để hiểu được động cơ và ý nghĩa của dự án khổng lồ thường được so sánh với Vạn Lý Trường Thành này, Interesting Engineering (IE) đã trao đổi với các chuyên gia, bao gồm Carla Freeman – chuyên gia cao cấp về Trung Quốc tại Viện Hòa bình Mỹ (USIP), và Giáo sư Stephan Pfister đến từ Học viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich) – một chuyên gia về tác động của việc tiêu thụ nước toàn cầu.

Nguồn gốc và phạm vi của dự án
Theo IE, Trung Quốc chiếm 1/5 dân số thế giới nhưng chỉ nắm 1/6 nguồn tài nguyên nước trên Trái đất. Nhận ra sự chênh lệch giữa điều kiện khô hạn ở các vùng công nghiệp và nông nghiệp quan trọng phía bắc và tình trạng lũ lụt ở phía nam đất nước, khái niệm phân phối lại nước lần đầu tiên được lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông đề xuất vào năm 1952.

Đó chính là khởi nguồn của Dự án điều tiết nước Nam – Bắc đầy tham vọng. Được khởi động vào năm 2002 và dự kiến hoàn thành vào năm 2050, dự án này là một trong những nỗ lực quản lý thủy lợi rộng lớn nhất của Trung Quốc. Dự án hoạt động cùng với các công trình quan trọng khác như Đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử, góp phần đáng kể đáp ứng nhu cầu của người dân và nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc.

Các nhánh chính của dự án điều tiết nước khổng lồ
Dự án điều tiết nước Nam – Bắc kết hợp ba nhánh chính, mỗi nhánh giải quyết các thách thức về mặt địa lý và hậu cần khác nhau để quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước của Trung Quốc.

Nhánh trung tâm: là một kênh đào dài 1.264 km từ Hồ chứa Đan Giang Khẩu (tỉnh Hồ Bắc) trên sông Hán – một phần của hệ thống sông Dương Tử rộng lớn. Thường được gọi là “Đường dẫn nước lớn”, kênh đào này sử dụng một loạt các đập nước để điều tiết dòng chảy, đảm bảo cung cấp nước liên tục cho Bắc Kinh. Hoàn thành vào năm 2014, việc xây dựng kênh đào này đã khiến khoảng 330.000 người dân phải di cư khỏi các khu vực gần hồ chứa và làm giảm đáng kể dòng chảy của sông Hán.

Nhánh phía đông: được nâng cấp và mở rộng từ “Kênh đào lớn” có từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Nhánh này đã đi vào hoạt động nhưng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Hệ thống này điều hướng nước từ sông Dương Tử đến các thành phố phía bắc Trung Quốc như Thiên Tân. Không giống như nhánh trung tâm, nhánh phía đông dựa vào hơn 20 trạm bơm dọc theo chiều dài 1.100 km của con kênh để điều tiết dòng nước.

Nhánh phía tây: là nhánh gây tranh cãi nhất trong ba nhánh và vẫn chưa bắt đầu xây dựng. Kế hoạch là dẫn nước từ sông Y gần Cao nguyên Tây Tạng đến các vùng đất khô cằn của Nội Mông, Thanh Hải và Cam Túc. Tuy nhiên, tuyến đường này phải đối mặt với những thách thức đáng kể về sinh thái và chính trị. Cao nguyên Tây Tạng là nguồn cung cấp nước quan trọng cho các con sông lớn khác của Châu Á, bao gồm cả sông Mê Kông và Brahmaputra (Ấn Độ), đáp ứng nhu cầu về nước của các quốc gia láng giềng với Trung Quốc. Việc điều hướng nước khỏi các nguồn này đã làm dấy lên lo ngại về tác động đối với các quốc gia hạ lưu và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Tính toán của Trung Quốc
Theo IE, các nhánh trung tâm và phía đông rất cần thiết cho an ninh kinh tế và tăng trưởng của Trung Quốc, đặc biệt là khi chúng điều tiết nguồn nước đến các trung tâm công nghiệp và chính trị quan trọng như Bắc Kinh.

Tuy nhiên, dự án này không phải không bị chỉ trích, đặc biệt là ở các tỉnh phía nam – nơi lo ngại về nguồn cung cấp nước suy giảm ngày càng trầm trọng. Ví dụ, tỉnh Hồ Bắc đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc duy trì mực nước hồ chứa cao để hỗ trợ nhánh trung tâm, do đó hạn chế khả năng cung cấp nước tại địa phương.

Chính phủ Trung Quốc đã lý giải cho việc điều hướng nước ồ ạt, viện dẫn nhu cầu chiến lược để hỗ trợ các khu vực phía bắc khô hạn, bao gồm thủ đô Bắc Kinh – trung tâm chính trị và công nghiệp quan trọng. Khi hoàn thành, dự án sẽ điều chuyển 45 tỷ mét khối nước hàng năm từ phía nam giàu tài nguyên nước tới phía bắc khô hạn.

Tác động xã hội và môi trường
Mặc dù có quy mô và tham vọng to lớn, theo các chuyên gia, Dự án điều tiết nước Nam – Bắc của Trung Quốc cũng tạo ra những thách thức đáng kể về môi trường và xã hội. Việc định hình lại cảnh quan và hệ sinh thái trên diện rộng đã gây ra sự gián đoạn vượt ra ngoài phạm vi lân cận của các kênh đào.

Hậu quả về môi trường

Dự án đã làm thay đổi đáng kể hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là dọc theo nhánh phía đông, vốn phụ thuộc nhiều vào các hồ và sông nhánh. Sự gián đoạn này đã tác động nghiêm trọng đến đời sống thủy sinh, đặc biệt là các quần thể cá.

Việc điều tiết nước từ phía nam lên phía bắc cũng gây ra những mối nguy hiểm không lường trước được, chẳng hạn như lan truyền dịch bệnh qua đường nước. Ví dụ, các bệnh ký sinh trùng lây truyền bởi ốc sên ở miền nam Trung Quốc hiện đang đe dọa các khu vực phía bắc, gây ra những lo ngại nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng.

Một vấn đề quan trọng khác là tình trạng nước biển xâm thực, xảy ra khi một lượng lớn nước bị chuyển hướng khỏi một khu vực, làm mất cân bằng tự nhiên của các hệ sinh thái địa phương và khiến lượng nước còn lại không phù hợp để canh tác hoặc dùng cho sinh hoạt.

Di dời dân cư

Chi phí về mặt con người của dự án là rất lớn. Hàng trăm nghìn cư dân đã phải di dời chỉ riêng dọc theo nhánh trung tâm. Nhiều người cũng phải rời bỏ nhà cửa lần thứ hai, sau khi đã phải di dời trong quá trình xây dựng Đập Tam Hiệp. Những cuộc di cư này khiến một bộ phận người dân khó khăn để xây dựng lại cuộc sống.

Mối quan ngại về tính bền vững

Mặc dù có tổng vốn đầu tư lên tới 70 tỷ USD và dự kiến mất hàng chục năm để hoàn thành, nhưng tính khả thi lâu dài của dự án vẫn đang bị đặt dấu hỏi. Một số quan chức Trung Quốc, bao gồm cựu Thứ trưởng Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị – Nông thôn Trung Quốc Cừu Bảo Hưng, từng nêu lên mối quan ngại về tính bền vững của việc duy trì và quản lý hệ thống.

Chi phí vận hành cao, cùng với những tác động đáng kể về môi trường và xã hội, đã dẫn đến câu hỏi liệu dự án có phải là giải pháp thực tế cho tình trạng thiếu nước của Trung Quốc hay không.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới