Ông Donald Trump từng yêu cầu các quốc gia NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 5% GDP, thay vì 2% như hiện tại. Tuy nhiên, đề xuất này đã gặp phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia thành viên, nhất là Đức và Pháp.
Trong nhiệm kỳ tổng thống 2017 – 2021 của mình, ông Donald Trump từng yêu cầu các quốc gia NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 5% GDP, thay vì mức 2% theo cam kết từ trước đó. Ông cho rằng các quốc gia trong NATO, đặc biệt là những quốc gia có nền kinh tế mạnh như Đức và Pháp đủ khả năng tài chính để đóng góp nhiều hơn vào ngân sách quốc phòng của liên minh, thay vì để Washington tiếp tục è cổ gánh vác mãi phần lớn chi phí quốc phòng của khối.
Ông Trump đã nêu rõ lý do tại sao ông yêu cầu các quốc gia NATO tăng chi tiêu quốc phòng. Ông cho rằng Mỹ đã đóng góp quá nhiều vào ngân sách quốc phòng của NATO; các quốc gia khác cần phải chia sẻ gánh nặng này. Ông tin rằng nếu các quốc gia đồng minh chi trả nhiều hơn, NATO sẽ mạnh mẽ hơn trong việc đối phó với các mối đe dọa từ Nga và các cuộc khủng hoảng quốc tế khác, như cuộc chiến tại Ukraine đang diễn ra.
Theo giới phân tích chính trị quốc tế, đề xuất của ông Trump không chỉ liên quan đến vấn đề tài chính mà còn phản ánh chiến lược “America First” (nước Mỹ trước hết) mà ông luôn theo đuổi. Trong nhiệm kỳ tổng thống trước, ông Trump liên tục yêu cầu các quốc gia đồng minh phải đóng góp nhiều hơn cho các sáng kiến quốc tế mà Mỹ tham gia.
Đức dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Olaf Scholz, kể từ năm 2021, đã cam kết duy trì mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% GDP vào năm 2024. Tuy nhiên, Đức không thể dễ dàng chấp nhận yêu cầu tăng chi tiêu lên 5%, vì Đức còn nhiều việc cần phải tiêu pha, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế Đức thời điểm này gặp nhiều khó khăn. Thủ tướng Đức Scholz đã nhấn mạnh rằng 2% là mục tiêu hợp lý và đã được tính toán phù hợp với khả năng tài chính của Đức.
Pháp cũng không đồng tình yêu cầu này. Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, việc tăng chi tiêu quá mức cho quốc phòng có thể tạo ra sự chia rẽ trong NATO và gây áp lực lớn lên ngân sách quốc gia. Cũng như người đồng cấp Đức, ông Macron nhấn mạnh quan điểm mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% GDP là hợp lý, đã được các quốc gia thành viên đồng thuận trong nhiều năm qua.
Không nói trắng phớ ra, nhưng giới quan sát quốc tế đã “bình” rằng, qua phản ứng trên, Paris và Berlin hẳn đã bàn với nhau để cùng tung ra những lời cay cú phê phán trách móc Mỹ cậy thế “anh cả” để mà áp đặt câu chuyện thu chi một cách một cách thiếu dân chủ.
Ngoài Đức và Pháp, một số quốc gia khác trong NATO cũng lo ngại về mức chi tiêu quốc phòng 5% GDP. Đặc biệt, các quốc gia có nền kinh tế yếu hơn cho là mức chi tiêu cao sẽ gây ra áp lực lớn lên các ngân sách quốc gia và ảnh hưởng đến các ưu tiên xã hội như y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội…
Mới đây, vào ngày 7 tháng 1 năm 2025, ông Trump một lần nữa nêu lại yêu cầu này trong một cuộc họp báo. Dù chỉ là tái nhắc, nhưng xem ra, lần này, thái độ của ông Trump kiên quyết, cứng rắn hơn nhiều.
Cũng như lần trước, đề xuất lần này tiếp tục gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều quốc gia trong NATO. Trong thực tế, dù NATO đã thiết lập mục tiêu 2% GDP cho quốc phòng từ năm 2014, việc đạt được mục tiêu này vẫn là một thách thức lớn. Một số quốc gia đã đạt được mục tiêu, nhưng nhiều quốc gia khác vẫn chưa thể hoàn thành nghĩa vụ cam kết. Thế nên, tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% trong bối cảnh hiện nay sẽ tạo ra một khoảng cách lớn trong cách các quốc gia thành viên tiếp cận vấn đề. Diễn đạt một cách trần trụi hơn, yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng ủa ông Trump có thể dẫn đến sự chia rẽ trong NATO. Nhiều quốc gia trong liên minh có thể cảm thấy bị o ép, dẫn tới các cuộc tranh luận và bất đồng trong nội bộ…
Tuy nhiên, vấn đề là ông Trump vẫn kiên định trong quan điểm của mình. Chỉ mươi lăm ngày nữa, ông Trump sẽ tiếp nhận ghế tổng thống. Nếu các quốc gia NATO tiếp tục bướng bỉnh không chấp nhận yêu cầu đóng góp mới, điều gì sẽ xảy ra? Nó có thể dẫn đến các phản ứng mạnh mẽ của Washington?
Trước các câu hỏi trên, câu trả lời chưa thể có tới thời điểm này. Tuy nhiên, NATO sẽ đối mặt với tình trạng suy yếu trong khả năng đồng thuận và hợp tác, là điều nhiều người lường tới. Các quốc gia trong liên minh có thể bắt đầu nhìn nhận lại vai trò và trách nhiệm của Mỹ trong NATO – điều này không thể không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh…
Thậm chí, một khi không điều hòa được quan điểm và trách nhiệm, xung đột có thể dẫn đến những thay đổi trong cách thức hoạt động của liên minh quân sự mạnh nhất hiện nay trong các cam kết tài chính và quân sự. Nói cách khác, là nội bộ NATO “mất đoàn kết”.
T.V