“Radar bay” KJ-3000 mới được Trung Quốc công bố, có thể tăng cường đáng kể khả năng chống tàng hình và đối phó hiệu quả với các loại máy bay thế hệ mới.
Trùng với sự kiện ra mắt không chính thức hai máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu vào ngày 26/12, Trung Quốc đã công bố những hình ảnh về hệ thống cảnh báo sớm và kiểm soát trên không (AEW&C) mới có tên là KJ-3000, nhấn mạnh những tiến bộ về khả năng chỉ huy và kiểm soát trên không của quốc gia này.
Các hệ thống cảnh báo sớm và kiểm soát bằng radar trên không mang theo radar lớn gấp nhiều lần so với những radar được lắp trên ngay cả máy loại bay chiến đấu lớn nhất.
Hệ thống AEW&C được xem như sở chỉ huy để thực hiện quản lý trận chiến, giúp máy bay chiến đấu cùng các phương tiện khác phối hợp hoạt động, phát hiện, theo dõi và tấn công mục tiêu.
AEW&C hiện đại cũng có thể chia sẻ dữ liệu nhắm mục tiêu bằng cách sử dụng liên kết dữ liệu và thậm chí có thể dẫn đường cho tên lửa, do các phương tiện khác như máy bay chiến đấu hoặc hệ thống phòng không dưới mặt đất.
Giá trị của các hệ thống AEW&C đặc biệt quan trọng trong điều kiện xung đột với máy bay tàng hình thế hệ thứ năm và thứ sáu. Điều này là vì các radar lớn của AEW&C được kết nối với radar của máy bay chiến đấu, radar trên mặt đất và trên tàu. Nó cũng được kỳ vọng có thể tăng đáng kể khoảng cách có thể theo dõi và nhắm mục tiêu vào máy bay tàng hình.
Máy bay KJ-3000
KJ-3000 được chế tạo dựa trên khung máy bay vận tải Y-20B do Trung Quốc sản xuất, được trang bị động cơ WS-20, hiện là máy bay vận tải lớn nhất đang được sản xuất trên thế giới. Trước đây, KJ-500 là xương sống của đội bay AEW&C Trung Quốc.
Phiên bản này đi vào hoạt động từ năm 2015, mang đến những tiến bộ quan trọng so với các máy bay AEW&C trước đó của Trung Quốc, bao gồm những cải tiến về công nghệ radar AESA và liên kết dữ liệu, cũng như khả năng theo dõi 100 mục tiêu cùng lúc.
Tuy nhiên, KJ-500 được chế tạo dựa trên máy bay vận tải bốn động cơ tuabin cánh quạt Shaanxi Y-9, chiếc máy bay nhẹ hơn nhiều so với Y-20 với hiệu suất bay và độ bền hạn chế hơn. KJ-500 dự kiến sẽ tiếp tục được sản xuất trong tương lai gần, với phiên bản KJ-500A cải tiến được ra mắt tại Triển lãm hàng không Trung Quốc 2022 với những cải tiến đáng kể về hệ thống điện tử hàng không.
Còn KJ-3000 dự kiến sẽ đóng vai trò là nền tảng nặng hơn có khả năng mang theo các cảm biến lớn hơn nhiều để đáp ứng các nhiệm vụ phức tạp hơn. Điều đáng chú ý là không có lực lượng không quân nào khác trên thế giới triển khai sự kết hợp như vậy. Một hệ thống AEW&C khác là KJ-600, cũng được đưa vào sử dụng gần đây và đang được sản xuất cho Hải quân Trung Quốc.
Y-20 đóng vai trò ngày càng quan trọng trong PLA, trước đây chiếc máy bay này từng được phát triển thành máy bay tiếp dầu trên không YY-20. Cũng giống như YY-20 đang dần cách mạng hóa khả năng tiếp nhiên liệu trên không của Trung Quốc, KJ-3000 cũng sẽ đóng vai trò cải tiến hoàn toàn đội bay AEW&C hạng nặng của nước này.
Năng lực AEW&C của Trung Quốc
Giá trị của các hệ thống AEW&C hiện đại gần đây đã được chứng minh trong xung đột Nga – Ukraine, trong đó Nga đã sử dụng những chiếc A-50U của mình để dẫn đường cho các tên lửa phòng không tầm xa như 40N6 và R-37M, tấn công mục tiêu ở tầm cực xa lên tới 300-400km.
Giá trị của AEW&C dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi các phương tiện tác chiến trên không ngày càng phức tạp hơn, như máy bay không người lái tự động và bán tự động. Mặc dù đã đầu tư đáng kể vào lĩnh vực này, nhưng sự phụ thuộc của Trung Quốc vào AEW&C vẫn thấp hơn đáng kể so với các lực lượng không quân phương Tây, vì máy bay chiến đấu của họ mang theo radar lớn hơn nhiều so với các máy bay phương Tây.
J-20 và J-16 là hai mẫu chiến đấu cơ chủ lực của không quân Trung Quốc, cả hai đều được trang bị radar lớn hơn nhiều so với bất kỳ máy bay chiến đấu nào của phương Tây, lớn hơn nhiều lần so với F-16 và gấp đôi so với F-35 của Mỹ.
Trung Quốc cũng là quốc gia duy nhất phát triển máy bay chiến đấu tàng hình hai chỗ ngồi, cho phép phi công thứ hai thực hiện các vai trò quản lý trận chiến theo cách mà F-35 hoặc F-22 không thể làm được.
Năng lực AEW&C tiên tiến của Trung Quốc được coi là động lực hàng đầu thúc đẩy Mỹ mua lại Boeing E-7 Wedgetail để nâng cấp phi đội cảnh báo sớm của mình, mặc dù máy bay này nhỏ hơn đáng kể và mang theo bộ cảm biến nhẹ hơn nhiều so với KJ-3000. Chiếc E-3 Sentry có từ thời Chiến tranh Lạnh của Không quân Mỹ đã lỗi thời từ lâu.
Trước những tiến bộ không ngừng trong lĩnh vực AEW&C của Trung Quốc, người đứng đầu Lực lượng Không quân Thái Bình Dương Mỹ, Kenneth Wilsbach từng thừa nhận: “Chúng tôi khá ấn tượng với khả năng chỉ huy và kiểm soát trên không của Trung Quốc, những máy bay chiến đấu của họ được chỉ huy và kiểm soát khá tốt”.
T.P