Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiKhi ông Trump “hạ” cam kết

Khi ông Trump “hạ” cam kết

Donald Trump, trong suốt chiến dịch tranh cử, đã tuyên bố rằng ông có thể chấm dứt chiến tranh Ukraine trong vòng 24 giờ, nếu thành tổng thống. Vẫn biết ông Trump có tính khoa trương, nhưng nhiều người vẫn từng kỳ vọng.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio

Tuy nhiên, ngay sau lễ nhậm chức của ông Trump, ông Marco Rubio, người vừa được ông Trump bổ nhiệm làm ngoại trưởng, đã chính thức tuyên bố rằng chính quyền Trump sẽ nỗ lực để đạt được một thỏa thuận “ngừng bắn” cho Ukraine. Sự thay đổi này, theo giới quan sát, không chỉ đối lập với lời hứa ban đầu mà còn cho thấy nhiều điều về chiến lược và tư duy chính trị của ông Trump trong bối cảnh phức tạp hiện nay.

Dễ thấy, ông Trump đang đối mặt với một thực tế khác xa hình dung của ông trong chiến dịch tranh cử. Do vậy, chuyển từ cam kết “chấm dứt chiến tranh” sang tìm kiếm “ngừng bắn” có thể được nhìn nhận như một “bước lùi”. Bước lùi này phản ánh sự nhìn nhận thực tế hơn của chính quyền ông Trump trước các thách thức cả trên chiến trường và khả năng xử lý các vấn đề phức tạp địa chính trên thế giới. Có nhà phân tích còn nhận định, điều đó còn cho thấy, cùng với định hình lại chiến lược của mình, ông Trump cũng buộc phải thừa nhận và đánh giá cao hơn tác động của các bên tham chiến, là Ukraine và Nga.

Ngoại trưởng Marco Rubio, người được xem là một trong những nhân vật chính trị đáng chú ý nhất trong chính quyền mới, đã nhanh chóng tỏ ra một phong cách điềm tĩnh và thận trọng, cực kỳ nhạy bén trong lĩnh hội ý tứ của người trọng dụng mình. Rubio có lập trường rõ ràng rằng ngừng bắn chỉ là bước đầu, nhưng không phải là kết thúc. Quan điểm này, một mặt cho thấy Washington đang toan tính một chiến lược dài hơi, mặt khác thể hiện rằng, dù khó, nhưng Nhà Trắng luôn duy trì mục tiêu cố định vị thế của Hoa Kỳ trên toàn cầu.

Marco Rubio là một nhân vật không xa lạ trên chính trường Mỹ. Với kinh nghiệm lâu năm trong Quốc hội, ông đã xây dựng được danh tiếng là một người có tư duy sắc bén và có khả năng làm việc hiệu quả với cả hai đảng chính trị lớn nhất nước Mỹ: Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Rubio từng là ứng cử viên tổng thống và được đánh giá cao về khả năng lãnh đạo. Tham vọng thành ông chủ Nhà Trắng không thành, nhưng việc ông đảm nhận vị trí ngoại trưởng trong chính quyền Trump là một bước ngoặt đáng chú ý. Dưới sự dẫn dắt của Rubio, chính sách đối ngoại của Mỹ, ngay trong ngày đầu, đã cho thấy như đang chuyển sang một hướng thận trọng hơn, đặt trọng tâm vào các giải pháp mang tính thực tế ngay cả khi phải hy sinh những lời hứa hùng hồn trước đây của người đứng đầu chính quyền…

Nói cho cùng, cần chia sẻ cho ông Trump. Cam kết của ông Trump về việc chấm dứt chiến tranh trong 24 giờ đã thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cử tri bảo thủ, những người mong muốn thấy một chính sách mạnh mẽ, quyết đoán. Tuy nhiên, thực tế chính trị và quân sự trên thực địa lại không cho phép một giải pháp đơn giản như vậy. Nga và Ukraine đều tỏ ra mong muốn cuộc chiến ngừng lại, nhưng kèm vào đó, là những nguyên tắc không thể nhân nhượng về điều mà họ cho là lợi ích chính đáng. Bối cảnh đó khiến việc “chấm dứt chiến tranh” trở thành một mục tiêu đầy tham vọng, thậm chí là bất khả thi, nếu không có sự nhượng bộ lớn từ một hoặc cả hai phía…

Phản ứng từ Kyiv trước thông tin của tân ngoại trưởng Hoa Kỳ chắc chắn không dễ chịu. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhiều lần nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào không đảm bảo chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine sẽ không được chấp nhận. Một “ngừng bắn” không đi kèm với cam kết rút quân của Nga có thể bị coi là một bước lùi, hoặc tệ hơn, một thất bại về mặt chiến lược đối với Ukraine. Hơn nữa, nó có thể làm giảm động lực hỗ trợ từ các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, nếu họ tin rằng một giải pháp tạm thời đã đủ.

Về phía Nga, Kremlin có thể hoan nghênh ý tưởng ngừng bắn, nhưng không phải với mục đích hòa bình thực sự. Một lệnh ngừng bắn có thể là cơ hội để Nga, vốn cũng đã mệt nhoài sau gần 3 năm khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt”, củng cố các vị trí hiện tại và chuẩn bị cho các bước đi tiếp theo. Đồng thời, Moscow có thể sử dụng động thái này để chia rẽ các đồng minh phương Tây, vốn đã phải chịu áp lực về chi phí tài chính và chính trị trong việc hỗ trợ Ukraine. Với chiến lược của Putin, bất kỳ cơ hội nào để kéo dài thời gian và làm suy yếu đối thủ đều là một chiến thắng nhỏ. Những chiến thắng nhỏ, đơn lẻ đó, tích tụ lại, sẽ giúp Nga có lợi thế đáng kể nếu chiếc bàn đàm phán được bày ra.

Như vậy, sự thay đổi lập trường của ông Trump từ “chấm dứt chiến tranh” sang “ngừng bắn”, theo nhiều nhà quan sát, thể hiện sự trưởng thành chính trị của ông Trump. Ông Trump đã “ngộ” ra rằng: trong thực tế rằng những vấn đề phức tạp như chiến tranh Ukraine không thể giải quyết chỉ bằng những tuyên bố hùng hồn hay ý chí chính trị cá nhân, mà phụ thuộc vào vô vàn yếu tố…

Câu chuyện “hạ cam kết” này, có thể nói, là một bài học quan trọng về sự khác biệt giữa lời hứa trong chiến dịch tranh cử và thực tế khi cầm quyền. Dù ông Trump có thành công trong việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn hay không, điều này vẫn sẽ là một phép thử lớn nữa cho cả ông và đội ngũ của mình, đặc biệt là Ngoại trưởng Marco Rubio.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới