Con số tăng trưởng 7,09% đã chứng minh sự phục hồi và phát triển kinh tế mạnh mẽ của nước ta trong năm 2024. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025, cần nỗ lực phát huy hiệu quả các động lực và cải biến mạnh mẽ về thể chế, chính sách.
Phóng viên Lao Động đã có buổi trao đổi với Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương (ảnh) nhìn lại bức tranh kinh tế năm 2024 và điểm tên những động lực tăng trưởng năm 2025.
Bà đánh giá nền kinh tế năm 2024 của nước ta như thế nào khi tăng trưởng đạt 7,09%?
- Có thể khẳng định con số tăng trưởng 7,09% năm 2024 đã thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế so với năm trước. Trong mức tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%. Nổi bật là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,83%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,05%.
Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,0% so với năm trước, đạt mục tiêu đề ra. Tính chung cả năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỉ USD, tăng 15,4% so với năm trước.
Về xã hội, thu nhập của người lao động cũng tăng đến 8,6% và năng suất lao động tăng lên 5,88%. Đây chính là những con số chứng minh với thế giới về sự phục hồi và phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ của nước ta trong năm 2024.
Trong năm 2025, chúng ta sẽ có những thuận lợi nào để thúc thẩy sự phát triển của nền kinh tế, thưa bà?
- Trong năm 2025, chúng ta sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi. Nhìn từ góc độ sản xuất, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đang có xu hướng tăng trưởng khá rõ nét nhờ vào động lực xuất khẩu, ứng dụng mạnh khoa học kỹ thuật và cơ hội từ các hiệp định FTA. Ngành công nghiệp dự báo có thể duy trì tốc độ tăng trưởng trong khoảng 7-9%, với động lực chính từ xuất khẩu, đầu tư công và chuyển đổi công nghệ. Khu vực dịch vụ cũng có xu hướng tăng trưởng tốt nhờ sự phục hồi của hoạt động du lịch và xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Đặc biệt, thể chế chính sách và môi trường kinh doanh đang được ráo riết hoàn thiện và đồng bộ. Chúng ta có cơ hội mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thu hút đầu tư khi Việt Nam tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do.
Việc đầu tư về cơ sở hạ tầng và công nghiệp công nghệ cao đang được định hướng và tập trung thúc đẩy mạnh mẽ. Quá trình chuyển đổi số và công nghệ đang được triển khai trong cả bộ máy nhà nước cũng như các đơn vị kinh tế sẽ tạo động lực mới cho phát triển.
Năm 2025, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng là 8%, thậm chí là hai con số. Vậy chúng ta sẽ có những động lực tăng trưởng nào để đạt được mục tiêu thách thức này?
- Với mục tiêu phát triển và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, đạt được mức thu nhập trung bình cao của thế giới, chúng ta cần phải có khát vọng và đặt ra mục tiêu để phấn đấu.
Hiện nay, tình hình kinh tế thế giới đang dần ổn định sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp. Kinh tế số, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực tăng trưởng mới, là nền tảng cho tăng năng suất, hiệu quả của nền kinh tế.
Đầu tư công được tăng cường thực hiện mạnh mẽ. Năm 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025, với mức đầu tư công kỷ lục lên tới 791.000 tỉ đồng (tương đương 6,4% GDP) đã được Quốc hội phê duyệt.
T.P