Tính đến cuối tháng 10/2024, Thái Lan đã đầu tư 755 dự án với tổng giá trị gần 15 tỷ USD tại Việt Nam, đứng thứ 9 trong số quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam và đứng thứ 2 trong ASEAN. Thái Lan đặt mục tiêu lọt vào top 5 các quốc gia đầu tư vào Việt Nam.
Việt Nam được xem là thị trường chiến lược số một tại khu vực ASEAN đối với các nhà đầu tư Thái Lan. Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam ThaiCham Praween Wirotpan từng nhận định, chỉ có thị trường Việt Nam mới đưa ra được những điều kiện hoàn hảo cho nhà đầu tư đến từ Thái Lan.
Trong các lĩnh vực, bất động sản được các tập đoàn Thái Lan quan tâm và rót một lượng vốn lớn. Đi đầu trong làn sóng đó là các nhà phát triển BĐS hàng đầu Thái Lan và cũng là những tên tuổi lớn trong khu vực.
Tập đoàn Amata
Amata là một trong những nhà phát triển khu công nghiệp hàng đầu tại Đông Nam Á, với hoạt động trải rộng tại nhiều quốc gia trong khu vực. Amata chuyên xây dựng và quản lý các khu công nghiệp hiện đại, cung cấp hạ tầng và dịch vụ cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ngoài Thái Lan, Amata đã mở rộng hoạt động sang Việt Nam, Lào và Myanmar, với mục tiêu phát triển các khu công nghiệp và đô thị thông minh, thu hút đầu tư…
Amata từng cho biết, đã chi khoảng 5 tỷ Baht (tương đương 144 triệu USD) để đầu tư vào tài sản cố định năm 2023, trong đó hơn 50% sẽ được dành cho các dự án tại Việt Nam, 20% cho Thái Lan và phần còn lại cho dự án mới ở Lào.
Tại Việt Nam, Amata đã đi đầu và ghi dấu với nhiều dự án khu công nghiệp thành công.
Khu công nghiệp Amata City Biên Hòa với diện tích 513 ha, đã thu hút 168 doanh nghiệp, trong đó có 152 doanh nghiệp FDI từ 15 quốc gia, tạo việc làm cho hơn 55.000 lao động. Amata City Biên Hòa cũng được công nhận là mô hình khu công nghiệp sinh thái tiêu biểu, đạt 86% tiêu chí khu công nghiệp sinh thái vào tháng 1/2024.
Khu công nghiệp Amata City Long Thành đang triển khai giai đoạn 1 và 2 với diện tích 120 ha, khu công nghiệp này đã thu hút hơn 6 nhà đầu tư thứ cấp, với tổng vốn FDI gần 200 triệu USD.
Khu công nghiệp Amata City Hạ Long đã hoàn thành đầu tư hạ tầng trên 200 ha và tiếp tục mở rộng, khu công nghiệp này đã thu hút 19 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 2,9 tỷ USD.
Gần đây, trên trang thông tin chính thức, Amata VN cho biết đã ký kết hợp đồng với các khách hàng Nhật Bản và Trung Quốc đầu tư vào Amata City Hạ Long và Amata City Long Thành với quy mô thuê đất nhà xưởng khá lớn..
Amata VN cũng đã bán 20% cổ phần của Đô thị Amata Hạ Long cho MC Economic Estate Development Vietnam Corporation, một công ty con của Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản), ghi nhận khoản lãi gần 180 tỷ đồng (238 triệu Baht).
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công ty cổ phần Đại chúng Amata VN (AVN) ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 132 tỷ đồng (176,13 triệu Baht), cải thiện so với mức lỗ gần 63 tỷ đồng (83,3 triệu Baht) cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt gần 402 tỷ đồng (534,4 triệu Baht).
Không chỉ tập trung vào bất động sản công nghiệp. Amata mà còn mở rộng đầu tư vào phân khúc nhà ở và khu đô thị sinh thái tại Việt Nam. Nổi bật là dự án Amata City Biên Hòa tại Đồng Nai, với tổng diện tích lên đến 513 ha, với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 1,9 tỷ USD.
Tập đoàn WHA
WHA là nhà phát triển hàng đầu trong lĩnh vực logistics và các giải pháp tiện ích công nghiệp tại Đông Nam Á. Theo báo cáo, tính đến tháng 9/2024, tổng tài sản của WHA đạt 98,311 tỷ Baht, tương đương khoảng 2,85 tỷ USD, tăng 8,96% so với thời điểm đầu năm.
WHA đã phát triển và vận hành 13 khu công nghiệp tại Thái Lan và 3 khu công nghiệp tại Việt Nam, với tổng diện tích khoảng 8.100 ha.
Trong các lĩnh vực logistics, cung cấp các dịch vụ tiện ích như nước sạch, xử lý nước thải và giải pháp năng lượng cho các khu công nghiệp, giải pháp kỹ thuật số, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quản lý và vận hành hiệu quả,… WHA cũng có những dự án lớn.
Có thể kể đến, khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 và 2 ở Nghệ An và dự án Khu công nghiệp Giang Quang Thịnh ở Thanh Hóa có quy mô hàng trăm hecta, thu hút nhiều dự án với tổng vốn đầu tư hơn hàng tỷ USD.
Trong 5 năm tới, WHA dự kiến đầu tư ít nhất 1 tỷ USD để phát triển các khu công nghiệp sinh thái, thông minh tại Việt Nam, nhằm thu hút các dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ USD.
Theo báo cáo, Khu công nghiệp WHA tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An, đã thu hút được trên 1,12 tỷ USD vốn đầu tư FDI. Trong trong 2 năm gần đây, đã có 641 triệu USD năm 2022 và 361 triệu USD năm 2023 đổ đến các khu công nghiệp do WHA vận hành.
Ngoài ra, WHA còn đầu tư vào các trung tâm logistics, kho vận thông minh tại Thanh Hóa và các tỉnh miền Trung.
TTC với thành công Melia Hà Nội
Khách sạn Melia Hà Nội thuộc sở hữu của Công ty SAS – CTAMAD, một liên doanh giữa Công ty cổ phần Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM) và Công ty SAS Trading, thành viên của Tập đoàn đa ngành TCC do tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi sở hữu. Trong đó, HEM nắm giữ 35% vốn, còn SAS Trading nắm giữ 65% vốn, chi phối hoạt động của khách sạn.
Khách sạn Melia Hà Nội có quy mô 306 phòng, từng là điểm đến của nhiều chính khách và nguyên thủ quốc gia, như nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, Hoàng hậu Sofia của Tây Ban Nha, và công chúa Thái Lan Chulabhorn.
Trong chuỗi số liệu từng công bố cho thấy, năm 2010, khách sạn Melia Hà Nội ghi nhận 21,7 triệu USD doanh thu và 10,7 triệu USD lợi nhuận trước thuế, tương ứng tỷ suất lợi nhuận gần 50%. Năm 2011, doanh thu đạt 20,6 triệu USD và lợi nhuận trước thuế đạt 10,3 triệu USD.
Những tên tuổi lớn về BĐS du lịch
Minor International (MINT): Là một trong những tập đoàn lớn quản lý khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp của Thái Lan. Tại Việt Nam, MINT vận hành các thương hiệu nổi tiếng như Anantara, AVANI, và Oaks, tọa lạc tại các điểm đến du lịch hàng đầu bao gồm Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc.
Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng này thường có quy mô từ 100 đến 200 phòng, được trang bị đầy đủ tiện nghi hiện đại như spa, nhà hàng cao cấp, hồ bơi và trung tâm hội nghị.
Dusit International: Hoạt động tại Việt Nam với dự án Dusit Princess Moonrise Beach Resort tại Phú Quốc. Khu nghỉ dưỡng này chính thức khai trương vào năm 2018, có quy mô 108 phòng, cung cấp đầy đủ các dịch vụ cao cấp như spa, hồ bơi vô cực, nhà hàng ẩm thực và quầy bar.
Dusit International còn hợp tác với công ty General Technologies, một nhà phát triển bất động sản Việt Nam để vận hành Khách sạn Dusit Từ Hoa tại Hà Nội. Theo đó, khách sạn gồm 207 phòng, nằm ở khu vực sôi động của quận Tây Hồ.
Hiện tài sản của Dusit International bao gồm 307 tài sản hoạt động dưới 6 thương hiệu trên 15 quốc gia.
ONYX Hospitality Group: Đẩy mạnh hiện diện tại Việt Nam thông qua các thương hiệu OZO và Amari. Tập đoàn đã ký kết hợp tác với Tập đoàn HB để quản lý dự án OZO Hội An, một khu nghỉ dưỡng hướng biển quy mô lớn tại thành phố Hội An. Dự án có tổng cộng 364 phòng, kết hợp tổ hợp bán lẻ, làng ẩm thực và khu vui chơi. Dự án này được công bố với tổng mức đầu tư hơn 50 triệu USD và khai trương vào năm 2019. Việc ONYX mở rộng thương hiệu OZO tại Việt Nam nhằm củng cố vị thế của tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á, nơi mà doanh thu ngành khách sạn đang tăng trưởng với tốc độ trung bình 6% mỗi năm.
Tham vọng bất động sản thương mại
Central Pattana (CPN): Tập đoàn phát triển bất động sản bán lẻ lớn nhất Thái Lan và là thành viên của Central Group đã chính thức mở rộng hoạt động sang thị trường Việt Nam. Vào đầu tháng 2 năm 2024, CPN đã thành lập Công ty TNHH CPN Global Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, do CPN nắm giữ 100% cổ phần.
Trước đó, vào tháng 3/2023, bà Wallaya Chirathivat, Giám đốc điều hành của Central Pattana, đã công bố kế hoạch đầu tư các siêu dự án trong vòng 5 đến 10 năm tới, mỗi dự án có diện tích hơn 350.000 m² và mức đầu tư trên 20 tỷ baht (khoảng gần 14.000 tỷ đồng). Việt Nam và Malaysia với nền tảng sẵn có từ hệ thống bán lẻ của Central Group.
Central Group – tập đoàn mẹ của Central Pattana (CPN) là một ‘ông lớn’ bán lẻ và nắm hệ thống bất động sản là trung tâm thương mại tại Việt Nam. Bằng thương vụ 1,05 tỷ USD năm 2016, hiện tập đoàn này là chủ sở hữu thương hiệu Big C, nay được đổi tên thành GO! Mall. Tính đến nay, hệ thống GO! Mall đã có hơn 30 trung tâm thương mại trên toàn quốc, với diện tích mỗi trung tâm dao động từ 30.000 đến 50.000 m², tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh kinh tế trọng điểm.
Chiến lược của Central Group tại Việt Nam tập trung vào việc phát triển các trung tâm thương mại đa chức năng, tích hợp mua sắm, ẩm thực và giải trí nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng. Theo báo cáo tài chính, thị trường Việt Nam chiếm khoảng 20% doanh thu khu vực Đông Nam Á của Central Group, với mức tăng trưởng doanh thu hàng năm đạt khoảng 15%.
Siam Piwat: Mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam thông qua các dự án khu phức hợp thương mại cao cấp. Tập đoàn dự kiến triển khai các dự án tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, với quy mô tổng diện tích lên đến 200.000 m². Các khu phức hợp này sẽ bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp, và khu giải trí tích hợp, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng và du lịch ngày càng tăng tại Việt Nam.
Dựa trên các dự án thành công như Iconsiam và Siam Paragon tại Thái Lan, Siam Piwat đặt kỳ vọng cao vào tiềm năng sinh lời của các dự án tại Việt Nam. Theo các chuyên gia, mô hình khu phức hợp tích hợp này có thể mang lại lợi nhuận biên cao, đặc biệt tại các thị trường có tốc độ đô thị hóa và tiêu dùng cao như Việt Nam.
T.P