Những dấu ấn thành công quan trọng của Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) không phải là điều ai cũng nắm rõ, kể cả báo chí quốc tế lẫn giới quan sát tình hình khu vực.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn VN tại AMM-49
Trong thời gian diễn ra Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) và các hội nghị liên quan, không ít chuyên gia và các tổ chức truyền thông khu vực lẫn quốc tế cho rằng hội nghị diễn ra ở thủ đô Vientiane của Lào là một thất bại đối với sự đồng thuận của ASEAN, thậm chí có cả bình luận cho rằng đây là một “thắng lợi” của phía Trung Quốc, nếu xét đến bối cảnh Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS) vừa đưa ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.
Những bình luận này đặc biệt chú trọng đến Tuyên bố chung của AMM-49, cho rằng tuyên bố này có vẻ như “yếu ớt” khi không đề cập đến phán quyết nói trên. Tuy nhiên, nếu phân tích sâu hơn, thì không hẳn như vậy.
Bảo toàn vai trò trung tâm của ASEAN
Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, người dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị, có hai điểm nổi bật tại hội nghị lần này là vai trò trung tâm của ASEAN và hòa bình, an ninh, ổn định khu vực. Bên cạnh Tuyên bố chung còn có thêm ba tuyên bố khác đều liên quan đến hai điểm này.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết vấn đề quan tâm lớn hiện nay là vai trò đoàn kết, trung tâm của ASEAN trước những diễn biến phức tạp vừa qua, nhất là vấn đề liên quan đến Biển Đông. Theo ông, không có tổ chức quốc tế, khu vực nào có được một cơ chế mà tất cả các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc… đều tham gia như ASEAN.
Bên cạnh yếu tố vị trí chiến lược, điều “thu hút” không kém quan trọng là vai trò trung tâm của ASEAN. Nếu không có vai trò trung tâm, ASEAN không có giá trị trong cấu trúc của khu vực. Chính vì vậy, việc bảo toàn vai trò trung tâm của ASEAN là điều hết sức quan trọng và hội nghị lần này đã đạt được điều đó.
“Hiện tại, ít nhất cũng có một khối 10 nước đồng thuận, không phải dễ để các tổ chức khu vực có đồng thuận như ASEAN. Nếu không tính vấn đề Biển Đông thì từ trước đến nay ASEAN luôn là một khối đồng thuận”, ông nói.
Điểm nổi bật thứ hai là về hòa bình, an ninh khu vực. Theo Phó thủ tướng, chưa bao giờ có Hội nghị ngoại trưởng ASEAN nào lại có thêm tuyên bố của các bộ trưởng về vấn đề duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
“Nhìn qua tưởng như nội dung không có gì mới. Nhưng có một đoạn “yêu cầu các nước tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN” là điều các hội nghị trước chưa bao giờ có. Điều này xuất phát từ việc vai trò trung tâm đang bị ảnh hưởng, mà điều đó là do đoàn kết”, Phó thủ tướng chia sẻ và cho biết thêm: “Quan điểm của chúng ta là làm sao giữ được tuyên bố, nêu được các điều: mối lo ngại hiện nay về những diễn biến, trong đó có bồi đắp, mở rộng các thực thể gây ra căng thẳng, làm xói mòn lòng tin; duy trì được hòa bình ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; kiềm chế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS) và thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC).
Và một điều đặc biệt, nếu như các văn kiện của Tuyên bố chung lần trước chỉ một lần nhắc đến “Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS” tại phần Biển Đông, thì Tuyên bố chung lần này không chỉ tái khẳng định, mà còn bổ sung điều này vào phần xây dựng cộng đồng (tức những nguyên tắc chung cơ bản nhất mà mọi thành viên phải tôn trọng).
“Lần đầu tiên UNCLOS được đưa vào nguyên tắc lớn nhất của ASEAN. Sau này nếu cần giải quyết các vấn đề Biển Đông, chúng ta cứ dựa vào điều này”, ông nói và bổ sung: “Chưa kể, lần này còn thêm được việc xây dựng các đường dây nóng giữa Bộ Ngoại giao các nước khi tình hình khẩn cấp trên biển”.
Sóng ngầm trên bàn đàm phán
Ngày khai mạc, ngoại trưởng 10 nước ASEAN đã gặp nhau trong 3 phiên họp nhưng vẫn chưa đi đến kết quả. Nguyên nhân, theo báo chí nước ngoài, là Campuchia nhất định không chịu bỏ phiếu thuận.
Sau thất bại trong việc ra tuyên bố chung tại Campuchia năm 2012, việc ra Tuyên bố chung lần này mang ý nghĩa khẳng định sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Vì thế, sáng 25.7, ASEAN phải đột xuất tổ chức một cuộc họp đặc biệt (trước cuộc họp song phương ASEAN – Trung Quốc) nhằm đạt được sự đồng thuận.
Theo một quan chức cấp cao ASEAN giấu tên, thông thường các vấn đề đều được quan chức cấp cao (SOM) các nước thảo luận trước rồi đưa bộ trưởng để thông qua. Nhưng đây là “vấn đề khó” nên đích thân các bộ trưởng phải cùng nhau ngồi lại.
“Campuchia phản đối rất nhiều điều đã được thỏa thuận từ trước. Nhưng lần này không thể không ra được tuyên bố chung, nên các bộ trưởng phải đấu tranh và thương lượng. Cuối cùng, để đảm bảo được các vấn đề đã nêu trong những tuyên bố lần này, phán quyết của Tòa trọng tài phải tạm gác lại”, quan chức này nói.
Theo truyền thông nước ngoài, Philippines cũng đã đồng ý rút phần về phán quyết để khẳng định sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN.
Ngoài ra, quan chức ASEAN nói trên cũng giải thích thêm tại sao hội nghị lần này lại có Tuyên bố chung ASEAN – Trung Quốc về thực hiện DOC và xây dựng COC cũng liên quan đến Biển Đông. “Tuyên bố đó cũng chỉ nhắc lại những nội hàm của DOC nhưng nó diễn ra ngay lúc Trung Quốc cũng muốn điều này. Hàm ý của Trung Quốc là vì có vụ kiện như thế nên tập trung vào vấn đề DOC và tiến tới COC. ASEAN cũng qua đó muốn thúc đẩy việc này”, ông nói.