Friday, October 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiWashington Post: Mỹ dùng tàu ngầm trong hoạt động tấn công mạng

Washington Post: Mỹ dùng tàu ngầm trong hoạt động tấn công mạng

Tàu ngầm đóng vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh mạng của Mỹ và hoàn toàn có thể được sử dụng trong các hoạt động tin tặc tinh vi, báo Mỹ Washington Post tiết lộ.

Khi tỷ phú Mỹ Donald Trump kêu gọi Nga hack email cá nhân của bà Hillary Clinton hồi tuần trước, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa đã dự đoán trước về sự phẫn nộ của dư luận. Viễn cảnh ứng viên tổng thống Mỹ lại khuyến khích nước ngoài tấn công các lợi ích Mỹ bằng hoạt động tin tặc, không chỉ đe dọa đến các dữ liệu tuyệt mật mà còn có khả năng làm suy yếu cơ sở hạ tầng an ninh thực tế của Mỹ.

Đây cũng là cơ hội để nhìn nhận lại năng lực của Mỹ trên chiến trường an ninh mạng. Washington Post tiết lộ, quân đội Mỹ hoàn toàn có thể sử dụng tàu ngầm như một công cụ phục vụ cho hoạt động tin tặc.

Trên thực tế, tàu ngầm đóng vai trò quan trọng trong chiến lược không gian mạng của Mỹ. Các tàu ngầm có thể tự bảo vệ chính mình và cả quốc gia trước các đợt tấn công bằng công nghệ số. Nhưng điều mà ít người biết là tàu ngầm còn có thể thực hiện các cuộc tấn công mạng, theo quan chức Hải quân Mỹ mới đây phát biểu trong một sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức ở Wahsington.

“Tàu ngầm có một khả năng tấn công mà chúng tôi đánh giá rất cao”, Chuẩn Đô đốc Michael Jabaley, người phụ trách các chương trình phát triển tàu ngầm của Hải quân Mỹ phát biểu. “Chúng tôi không thể tiết lộ nhiều nhưng có thể nói là Mỹ có các tàu ngầm ở tiền tuyến, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động cần đến công nghệ kỹ thuật ở mức cao nhất”.

Những hoạt động bí mật như vậy là cách để Mỹ sử dụng công nghệ thông tin nhằm chiếm ưu thế trước đối phương. Trong những năm 1970, chính phủ Mỹ đã ra lệnh cho các tàu ngầm can thiệp vào hệ thống cáp ngầm ngoài khơi bờ biển Nga, nhằm thu thập các thông tin được chuyển tiếp qua lại giữa các lực lượng Liên Xô.

Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã tiếp tục truyền thống này, giám sát hệ thống thông tin liên lạc qua cáp ngầm nhằm thu thập tin tình báo. Trong một số trường hợp, chính phủ Mỹ có thể bí mật đàm phán với các nhà cung cấp hạ tầng, nhằm đảm bảo rằng các điệp viên có quyền truy cập vào thông tin luân chuyển qua các hệ thống cáp ngầm này.

Ngày nay, một số tàu ngầm Mỹ được trang bị loại ăng ten phức tạp có thể can thiệp và chiếm quyền điều khiển các tuyến thông tin liên lạc, đặc biệt ở trong những mạng lưới yếu kém hoặc không được mã hóa.

“Chúng tôi chỉ ngừng lại khi mục tiêu đã biến mất”, hay nói cách khác là chỉ có thể theo dõi khi mục tiêu đang trực tuyến, ông Stewart Baker – cựu quan chức an ninh nội địa Mỹ trả lời trong một cuộc phỏng vấn. “Cách thức bảo mật an toàn nhất hiện tại là cắt đứt hoàn toàn khỏi internet”. Tấn công mạng luôn luôn đơn giản hơn nhiều so với việc phòng vệ, ông Baker nói thêm.

USS Annapolis là một trong những tàu ngầm hàng đầu trong vai trò tin tặc của Mỹ. Tàu ngầm này từng nằm trong một mạng lưới do thám quy mô lớn mà chỉ mới được tiết lộ trong năm 2013 từ cựu nhân viên CIA Edward Snowden.

Các tài liệu được Snowden công bố cho thấy, Hải quân Mỹ đã tiến hành hàng trăm hoạt động “khai thác lỗ hổng máy tính”, đa số có thể là kết quả của một vụ tấn công mạng từ tàu ngầm.

“Annapolis và các tàu ngầm cùng loại là những vũ khí đầu tiên trong môi trường chiến tranh mạng”, hai tác giả Adam Weinstein và William Arkin nhận định trên trang mạng Gawker. “Các tàu ngầm này có thể tiến đến gần đối phương, ngay trong vùng phòng thủ để tiến hành các hoạt động phá hoại, thu thập thông tin và đột nhập vào hệ thống của đối phương từ xa”.

Tàu ngầm như vậy hoạt động nhờ vào cột ăng ten cỡ lớn và cũng như hệ thống thu thập thông tin. Chúng còn được gọi là những chiếc hộp đen trong cuộc chiến tranh tương lai.

Nhưng đó không phải là tất cả những tham vọng của Hải quân Mỹ. Trong tương lai, quân đội Mỹ muốn biến tàu ngầm thành các tàu có thể mang theo các phương tiện di chuyển không người lái dưới nước. Các phương tiện di chuyển không người lái này có thể tiến đến gần bờ, thực hiện các nhiệm vụ phá hoại và hack vào hệ thống trong khi vẫn đảm bảo an toàn cho tàu chính, vốn hoạt động từ xa.

Hiện chưa rõ liệu Mỹ có phải là quốc gia đi đầu trong các hoạt động này hay hải quân các cường quốc khác cũng đang phát triển những công nghệ tương tự, trong lĩnh vực tấn công mạng từ tàu ngầm. Nhưng ông Stewart Baker nói: “Gián điệp là một trò chơi mà tất cả phải làm theo một người thủ lĩnh. Do đó, điều này cũng có thể xuất hiện trong cuộc chiến không gian mạng với sự tham gia của tàu ngầm”.

Washington Post tiết lộ, quân đội Mỹ có xây dựng những mạng lưới thông tin phức tạp nhất và sử dụng chúng để tấn công các hệ thống máy tính của nước khác. Điều này nằm trong chiến lược phát triển không gian mạng.

Tất nhiên, để có được bằng chứng rõ ràng về các mối liên hệ như vậy trên thực tế là không hề đơn giản. Nhưng trong bối cảnh mà mạng lưới tin tặc toàn cầu ngày càng phát triển, Mỹ chắc chắn sẽ không thể đứng ngoài cuộc, Washington Post kết luận.

RELATED ARTICLES

2 COMMENTS

Comments are closed.

Tin mới