BienDong.Net: Ngân hàng Thế giới dẫn các công trình nghiên cứu khoa học cho thấy nhiệt độ toàn cầu có thể tăng thêm nhiều nhất là 2 độ Celsius trong vòng 30 năm tới do sự gia tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Do tình trạng nóng lên trên toàn cầu, các chuyên gia ước tính viễn cảnh mực nước biển tăng tới 50 centimet vào khoảng năm 2050 là điều “không thể tránh được”, nó sẽ có tác động rõ ràng tại vùng Xích đạo, đăc biệt là tại những vùng đông dân cư như Bangkok, Thái Lan và thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Các nhà khoa học tiên đoán sẽ có thêm nhiều trận bão lớn, tình trạng thiếu lương thực, các đợt khí nóng nguy hiểm và cuối cùng lũ lụt có thể làm cho những vùng duyên hải không thể cư ngụ được.
Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị tác động mạnh vì biến đổi khí hậu (Ảnh SGTT)
Cũng theo Ngân hàng Thế giới (WB), biến đổi khí hậu có thể làm khu vực ĐBSCL bị thiệt hại khoảng 12% sản lượng nông nghiệp so với mức hiện nay. Sản xuất thủy hải sản cũng bị ảnh hưởng.
TPHCM cũng được cảnh báo là 1 trong 5 thành phố khu vực Đông Nam Á bị ảnh hưởng nhiều nhất do nước biển dâng cao. 60% khu vực đã xây dựng của thành phố sẽ chịu tác động khi nước biển dâng thêm một mét.
Theo TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng và thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam dự báo: nếu mực nước biển dâng cao 1m, khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển bị ngập, TP.HCM bị ngập trên 20% diện tích; khoảng 10 – 12% dân số VN bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.
Báo cáo kịch bản về đối phó với biến đổi khí hậu mà tỉnh Quảng Nam đưa ra dự đoán có thể hơn 1/3 diện tích của đô thị Hội An nằm trong vùng trũng sẽ bị nước biển nhấn chìm trong 7 năm tới, tức là vào năm 2020.
Trong khi đó, Dự án nghiên cứu giai đoạn 1 – sự sụt lún đất ở bán đảo Cà Mau do Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy triển khai thực hiện từ tháng 5/2012 theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam với Bộ Ngoại giao Na Uy đưa ra cảnh báo “Tỉnh Cà Mau có thể biến mất hoàn toàn trong vài thập kỷ tới nếu không dừng bơm nước ngầm”.
Tại tỉnh Cà Mau, vì bề mặt của hầu hết tỉnh chỉ cao hơn mực nước biển 1 mét, nên sụt lún được xem là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất đất liên tục, sự hư hại của rừng ngập mặn ven biển, sự xâm thực mạnh của nước biển vào hệ thống sông ngòi… Dữ liệu thu được từ vệ tinh cho thấy, trong 20 năm qua tỉnh Cà Mau đã mất đất hoặc bờ biển bị thụt vào từ 100m đến 1,4km.
BDN (tổng hợp)