Wednesday, December 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBiển Đông: Cuộc tranh chấp cả thực địa và trên không gian...

Biển Đông: Cuộc tranh chấp cả thực địa và trên không gian mạng

Mạnh tay trên thực địa đến mức độ nào còn đang là vấn đề tranh cãi, vì không ai muốn chiến tranh xảy ra, nhưng chắc chắn đã có một cơn thịnh nộ của Trung Quốc trên không gian mạng liên quan tới phán quyết của Toà trọng tài Luật Biển về vụ kiện “đường lưỡi bò”.

Thông điệp để lại trên các trang web bị tấn công của Philippines.

Thông điệp diều hâu

Reuters ngày 1.8 cho biết, một số nhân vật trong quân đội Trung Quốc đang đẩy mạnh thông điệp diều hâu, hối thúc phản ứng đáp trả mạnh mẽ hơn, kể cả bằng vũ trang trước sức ép của Mỹ và khu vực sau phán quyết của Tòa trọng tài Luật Biển bác bỏ yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông.

“Quân đội Trung Quốc sẽ đứng lên chiến đấu hết mình và không bao giờ nhượng bộ bất cứ nước nào về vấn đề chủ quyền” – Reuters dẫn lời ông Liang Fang, giáo sư Đại học Quốc phòng, viết trên Weibo về phán quyết của Tòa trọng tài.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân, khi được hỏi liệu PLA có đáp trả mạnh mẽ hay không, đã nhắc lại rằng các lực lượng vũ trang sẽ “kiên quyết bảo vệ lãnh thổ và các quyền hàng hải của Trung Quốc, bảo vệ hòa bình và ổn định, trong khi đối phó với bất kỳ mối đe dọa hoặc thách thức nào”.

Mặc dù có những lời lẽ đe dọa hiếu chiến, song các nhà ngoại giao cho rằng, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận thức rõ sự nguy hiểm của một cuộc đụng độ. “Họ rất lo lắng về phản ứng của thế giới” – một nhà ngoại giao cấp cao ở Bắc Kinh cho biết, trích dẫn cuộc trò chuyện với giới chức Trung Quốc. “Họ đang mong muốn quay lại đàm phán. Giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải đau đầu để tính toán bước đi tiếp theo” – nhà ngoại giao giấu tên nói với Reuters.

Trên thực tế, cho đến nay Trung Quốc cũng chưa cho thấy dấu hiệu nào về hành động mạnh mẽ hơn. Bản thân trong nội bộ các lực lượng vũ trang Trung Quốc cũng có sự thừa nhận rằng Trung Quốc sẽ “gặp hạn nặng” nếu đối đầu Mỹ. Thay vì thế, Trung Quốc lặp lại lời kêu gọi đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp.

Tin tặc và tranh chấp lãnh thổ

Nhưng ít nhất sự giận dữ và hổ thẹn của Trung Quốc sau phán quyết đã được thể hiện trên không gian mạng. Trong vòng vài giờ sau khi Toà trọng tài ra phán quyết bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 12.7, ít nhất 68 website chính phủ và địa phương của Philippines bị tê liệt do một cuộc tấn công từ chối dịch vụ DDoS – tờ Diplomat cho hay.

Các cuộc tấn công kéo dài trong vài ngày, và nhằm vào các cơ quan trọng yếu gồm cả Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Trung ương, Văn phòng Tổng thống, cùng các trung tâm y tế và các cơ quan chính quyền địa phương. Ngoài ra, một số cổng thông tin chính quyền địa phương đã bị thay đổi giao diện với biểu tượng của nhóm hacker nổi tiếng Anonymous cùng thông điệp có chữ ký của “Chính phủ Trung Quốc”.

Mặc dù chính phủ Philippines vẫn chưa công khai quy trách nhiệm  tin tặc Trung Quốc, nhưng không khó để nhận thấy mối liên quan giữa các vụ tấn công mạng này trùng hợp với thời gian căng thẳng địa chính trị gia tăng. Chiến dịch tấn công mạng lớn đầu tiên nhằm vào Philippines diễn ra vào thời điểm tranh chấp lãnh thổ hồi tháng 4.2012, sau cuộc đối đầu căng thẳng giữa tàu Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough. Tin tặc Trung Quốc đã xâm nhập hệ thống mạng của chính phủ và quân đội Philippines, đánh cắp tài liệu quân sự và thông tin nhạy cảm khác liên quan đến cuộc xung đột.

Ngoài Philippines, Việt Nam cũng là mục tiêu hay bị tin tặc Trung Quốc tấn công. Đáng chú ý nhất là 2 vụ tấn công bị cáo buộc vào năm 2014, một vụ vào tháng 5 – thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam và một vụ vào tháng 10, dường như để trả đũa việc Việt Nam mua vũ khí nhằm tăng cường khả năng phòng vệ.

Có bàn tay chính phủ?

Mặc dù các cuộc tấn công mạng mới đây vào Philippines không khó để dự đoán hoặc dự liệu trước, song hiện chưa rõ chúng có phải được chính phủ Trung Quốc chỉ đạo, khuyến khích hay chỉ bao che, và ở cấp độ nào. Trong quá trình hai bên tranh chấp lãnh thổ, các tin tặc yêu nước thường xuyên tham gia vào các cuộc tấn công mà hầu như không thể phân biệt liệu có phải từ các đơn vị tác chiến điện tử do chính phủ tổ chức hay không, bởi các nhóm tin tặc thường để lại các dấu hiệu đánh lạc hướng.

Tin tặc yêu nước trong cuộc tranh chấp lãnh thổ của cả Philippines và Trung Quốc đã có lịch sử lâu dài tấn công lẫn nhau. Trong khi tinh thần dân tộc dâng cao ở Philippines trước chiến thắng “David tí hon với khổng lồ Goliath” tại Toà trọng tài, và với các chi nhánh địa phương của các nhóm như Anonymous, LulzSec và các nhóm khác hoạt động tích cực ở trong nước, thì sự trả đũa của Philippines là có khả năng xảy ra.

Trong khi các báo cáo của chính phủ và khu vực tư nhân Mỹ gần đây ghi nhận sự sụt giảm đáng kinh ngạc các cuộc tấn công của tin tặc Trung Quốc vào Mỹ, thì các nước láng giềng Đông Nam Á của Trung Quốc không nên chủ quan. Tờ Diplomat gợi ý, những nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với các vụ tấn công của hacker Trung Quốc, và cần phải bắt đầu nghiêm túc đầu tư bảo vệ hệ thống của mình, thông qua việc tăng đầu tư trong nước, qua các sáng kiến khu vực và củng cố liên minh quốc tế.

Với việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Toà trọng tài, Philippines từ chối đàm phán song phương, tình hình trong khu vực vẫn sẽ căng thẳng trong tương lai gần. Bất kể sự can dự của chính phủ Trung Quốc trong cuộc tấn công mạng vào Philippines hồi tháng 7 như thế nào, thì kết cục sau phán quyết của Toà trọng tài không thể kết thúc tại đây. 

RELATED ARTICLES

Tin mới