Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinMột Đại sứ TQ vẫn cố đấm ăn xôi bảo vệ đường...

Một Đại sứ TQ vẫn cố đấm ăn xôi bảo vệ đường lưỡi bò

Ông Lưu Hiểu Minh càng cố đấm ăn xôi thì thực tế lại càng làm giảm uy tín, danh dự của Trung Quốc. Một Đại sứ đặc mệnh toàn quyền mà chỉ biết nói lấy được.

Ông Lưu Hiểu Minh, Đại sứ Trung Quốc tại Anh, ảnh: BBC.

Phán quyết Trọng tài về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc được Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 tuyên bố hôm 12/7 đã bác bỏ một cách hoàn toàn thuyết phục đường lưỡi bò và mọi cái gọi là “quyền lịch sử với các tài nguyên biển trong phạm vi đường 9 đoạn”.

Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển trên Biển Đông công bố ngày 12/7 sau khi có phán quyết trọng tài không nhắc tới đường 9 đoạn.

Truyền thông Trung Quốc cũng ít nhắc tới đường 9 đoạn sau phán quyết trọng tài, nhưng dường như Bắc Kinh vẫn tiếp tục ủ mưu nhằm hiện thực hóa tham vọng bành trướng Biển Đông.

Sống chết bảo vệ đường lưỡi bò bành trướng

Trong khi truyền thông Trung Quốc gần như không chính thức nhắc đến đường lưỡi bò bành trướng và làm mất uy tín của Trung Quốc, thì một vị Đại sứ nước này lại đang sống chết bảo vệ nó.

Nhân Dân nhật báo ngày 26/7 đưa tin, tối 25/7 ông Lưu Hiểu Minh, Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh đã có bài diễn thuyết về Phán quyết Trọng tài tại London. Ông Minh nói:

“Về tranh cãi liên quan đến đường 9 đoạn, đây là vấn đề do lịch sử để lại. Trung Quốc nhấn mạnh việc duy trì chủ quyền ở Biển Đông là vì quyền lực mà lịch sử giao phó cho chúng tôi.

Thậm chí sự thực lịch sử trên nhiều phương diện cho thấy, Trung Quốc là nước phát hiện sớm nhất, đặt tên sớm nhất, khai phá sớm nhất, thực hiện quản lý nhà nước sớm nhất đối với khu vực này. Hoạt động nghề cá của Trung Quốc tại khu vực này cũng là sớm nhất.

Chủ trương đường 9 đoạn của Trung Quốc được đưa ra từ năm 1948, lúc đó cộng đồng quốc tế chẳng ai phản đối, chỉ đến những năm 1970 khi phát hiện trữ lượng dầu khí ở Biển Đông, một số nước mới bắt đầu nhảy vào khu vực này tranh giành và khai thác.

Trung Quốc có chủ quyền tuyệt đối đối đối với phạm vi bên trong đường 9 đoạn cũng như quần đảo Trường Sa.

Nếu quý vị xem lại bản đồ do các nước có uy tín như Mỹ, Pháp, Anh xuất bản những năm 1940, thì đều thấy đường 9 đoạn, điều này chứng minh các nước này thừa nhận Trung Quốc có chủ quyền đối với khu vực này.” 

Đánh giá những phát biểu của Lưu Hiểu Minh về đường lưỡi bò, có lẽ không có gì chính xác hơn nhận xét của nhà nghiên cứu Zheng Wang -Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột thuộc Trường Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế, Đại học Seton Hall ở New Jersey, thành viên Viện Kissinger về Trung Quốc và Hoa Kỳ viết trên The Diplomat ngày 14/7:

“Trước khi có phán quyết trọng tài, Trung Quốc đã phát động một chiến dịch truyền thông mạnh mẽ. Các Đại sứ, các nhà ngoại giao Trung Quốc được giao viết bài và đăng trên các tờ báo lớn ở nước ngoài.

Nhưng các nỗ lực này không hiệu quả, bởi họ chỉ lặp đi lặp lại quan điểm của chính phủ Trung Quốc, mà không cung cấp được bằng chứng nào thuyết phục và lập luận nào logic cho yêu sách của quốc gia mình.”

Về cái gọi là “quyền lịch sử” mà Lưu Hiểu Minh nhai lại, Zheng Wang cũng từng nhận xét:

“Ví dụ, yêu sách của Trung Quốc chủ yếu dựa trên “lịch sử”, nhưng cho đến nay tôi không tìm thấy bất cứ cuốn sách nào xuất bản ở Trung Quốc cung cấp một phân tích toàn diện và khách quan về các sự kiện và lịch sử của Biển Đông.” 

Ông Lưu Hiểu Minh càng cố đấm ăn xôi thì thực tế lại càng làm giảm uy tín, danh dự của Trung Quốc. Một Đại sứ đặc mệnh toàn quyền mà chỉ biết nói lấy được. 

Cảnh giác nguy cơ đường lưỡi bò tái xuất dưới hình thức khác

Tân Hoa Xã ngày 2/8 đưa tin, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc vừa ban hành cái gọi là “Văn bản giải thích tư pháp về các vụ án liên quan đến các vùng biển thuộc quyền quản lý của Trung Quốc”. 

Văn bản này nói rằng, ngư dân nước ngoài “đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển Trung Quốc quản lý” có thể bị phạt tù đến 1 năm, theo Reuters. 

Điều đáng lưu ý, cái gọi là “vùng biển thuộc quyền quản lý của Trung Quốc” bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và “các vùng biển khác mà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quản lý”. 

Bắc Kinh muốn thông qua thủ đoạn này để tìm cách hiện thực hóa các yêu sách hàng hải phi lý trên Biển Đông. Cụ thể là ngoài Hoàng Sa, Trung Quốc có thể đòi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa cho Trường Sa hoặc một số thực thể ở Trường Sa vốn đã bị Phán quyết Trọng tài bác bỏ.

Phán quyết Trọng tài đã chỉ rõ, không có bất cứ thực thể nào ở Trường Sa có đủ điều kiện hưởng quy chế 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế, bản thân Trường Sa cũng không có đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải chung với tư cách như một thực thể.

Năm 1996 Trung Quốc công bố cái gọi là đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải cho quần đảo Hoàng Sa hòng đòi một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho quần đảo này. Đây là cách Trung Quốc cố tình giải thích sai, áp dụng sai Điều 47, UNCLOS 1982 cho Hoàng Sa.

Nói cách khác, ngư dân Việt Nam có thể sẽ bị Trung Quốc bắt bớ không chỉ ở ngư trường truyền thống ngoài Hoàng Sa, mà ngay cả trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam và cách Hoàng Sa dưới 200 hải lý.

Thậm chí ngư dân Việt Nam và các nước đánh bắt trong vùng biển quốc tế bên ngoài phạm vi 12 hải lý các thực thể ở Trường Sa cũng có thể bị Bắc Kinh bắt.

Cá nhân người viết cho rằng, Trung Quốc đang thay đổi thủ đoạn do áp lực của dư luận quốc tế lên án các hành vi cướp biển, sử dụng công cụ vũ lực của nhà nước để Trung Quốc chống lại ngư dân các nước ven Biển Đông như Việt Nam và Philippines.

Dư luận đã từng ghi nhận nhiều vụ Trung Quốc sử dụng tàu công vụ, tàu cá trá hình liều lĩnh, hung hăng đâm chìm tàu cá, bắt bớ đánh đập thậm chí sát hại ngư dân Việt Nam, Philippines, cướp bóc ngư cụ và tài sản của họ.

Nguy hiểm hơn, thủ đoạn của Trung Quốc không chỉ tiếp tục đe dọa tính mạng và tài sản ngư dân các nước ven Biển Đông, mà còn ngấm ngầm thực hiện âm mưu bành trướng, độc chiếm Biển Đông bằng luật chơi áp đặt.

Do đó thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần chuẩn bị những phương án đối phó thích hợp, trong đó sử dụng con đường đấu tranh pháp lý kết hợp chính trị ngoại giao lấy Phán quyết Trọng tài hôm 12/7 làm tham chiếu là việc hết sức cần thiết, quan trọng và cấp bách.

RELATED ARTICLES

Tin mới