Trong khi chính quyền, báo giới và dư luận Trung Quốc có những phản ứng khác nhau, nhưng đa số muốn phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc tại La Hay (Hà Lan) hôm 12-7 về vụ Philippines kiện “đường lưỡi bò” của Trung Quốc thì giới khoa học, trong đó có các học giả nổi tiếng của nước này lại có cách nhìn tỉnh táo, khách quan, khoa học về sự kiện này.
UNCLOS là chuẩn mực quốc tế
Học giả Lý Lệnh Hoa lưu ý giới chức và dư luận Trung Quốc rằng, UNCLOS là văn kiện có tính toàn diện nhất, hoàn chỉnh nhất về biển trong lịch sử nhân loại từ trước đến nay. Các nước xung quanh Biển Đông, trong đó có Trung Quốc khi đã ký công ước này thì đương nhiên việc giải quyết tranh chấp liên quan tới Biển Đông đều phải căn cứ vào những điều khoản luật pháp quốc tế của công ước, các tư liệu khác đều không có giá trị.
Vì thế, ông Lý Lệnh Hoa đã nhiều lần khẳng định, Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ nào để xác định “đường chín đoạn” là đường biên giới quốc gia của mình. Ông Lý cho rằng, các học giả và phương tiện truyền thông đại chúng của Trung Quốc đã góp phần không nhỏ vào việc kích động người dân về vấn đề Biển Đông, trong khi không đưa ra được căn cứ cụ thể để chứng minh cho những tuyên bố trên.
Ông Lý đưa ra dẫn chứng như, Giáo sư Lý Kim Minh thuộc Đại học Hạ Môn cho rằng: “Chủ quyền Trung Quốc có trước UNCLOS”, còn học giả Lý Quốc Cường thuộc Trung tâm Nghiên cứu sử địa biên giới Trung Quốc lại nói rằng: “Bắc Kinh có đủ bằng chứng pháp lý”, nhưng trên thực tế lại chẳng đưa ra được bằng chứng xác thực nào, ngoại trừ cái gọi là chủ quyền lịch sử. Trong khi họ thừa hiểu rằng, Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác khi đã kết tham gia Hiệp ước với những điều khoản rõ ràng thì đương nhiên những cái gọi là “chủ quyền lịch sử” không còn giá trị pháp lý.
Ông Lý kêu gọi các học giả tìm hiểu một cách nghiêm túc hơn, dựa vào sự thật mà nói, thay đổi quan niệm lỗi thời và không chính xác của mình liên quan đến vấn đề Biển Đông. Theo đó, ông lý còn đăng tải trên mạng xã hội Weibo bài viết nhấn mạnh rằng, Trung Quốc nên nghiêm túc đối diện trước kết quả phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc. Ông cho rằng, các quốc gia trong khu vực tiếp giáp Biển Đông, nếu để mâu thuẫn tranh chấp kéo dài sẽ gây bất lợi cho phát triển kinh tế và mối quan hệ hữu hảo lẫn nhau của bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.
Trung Quốc không thể “một mình một chợ”
Ông Lý Lệnh Hoa – chuyên viên nghiên cứu thuộc Trung tâm Thông tin Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, một nhà nghiên cứu nổi tiếng về Luật Biển của Trung Quốc đã đăng tải trên trang mạng http://blog.163.com và http://blog.sina.com.cn lúc 15h01’ ngày 15-5-2014 nội dung rằng:
“Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ)về Luật Biển năm 1982 được ký đã hơn 30 năm. Các lý lẽ pháp luật và nguyên tắc của Công ước trên phạm vi toàn cầu đã được bổ sung và phát triển qua thực tiễn của nhiều quốc gia. Ngày 15-5-1996, Chính phủ Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Vì vậy, chúng ta (tức Trung Quốc) cần phải hành xử theo khuôn phép của các điều khoản cơ bản và tinh thần của công ước”.
Ông Lý đã phê phán: “Một số quan chức và chuyên gia, học giả Trung Quốc từ lâu nay vẫn phiến diện kiên trì quan điểm về thềm lục địa kéo dài tự nhiên và chủ trương về “đường lưỡi bò”, một mình một chợ, không đếm xỉa đến người khác. Họ xem thường sự phát triển nội hàm của tinh thần Công ước trong hơn 30 năm qua, đặc biệt là những nguyên tắc quốc tế đúng đắn hiện hành về xác định đường cơ sở lãnh hải, về địa vị pháp luật chủ yếu của các đảo và bãi nhỏ…
Điều đó đã làm hạn chế, gây khó khăn chồng chất cho công tác hoạch định ranh giới biển của Trung Quốc. Mặt khác, do các nhân viên đàm phán của các cơ quan như Bộ Ngoại giao nhận thức và lý giải sai trái về lý luận và nguyên tắc phân định ranh giới biển, nên đã mắc những sai lầm nghiêm trọng trong đàm phán, dẫn đến trì hoãn việc phân giới, lãng phí nhiều sức người, sức của và tiền bạc của nhân dân”.
Đặc biệt, liên tục trong 4 ngày của tháng 5-2014, ông Lý Lệnh Hoa đã viết trên blog của mình những quan điểm về tranh chấp ở Biển Đông với hy vọng báo giới trong và ngoài nước nhìn nhận vấn đề Biển Đông một cách khách quan, khoa học. Học giả Lý Lệnh Hoa trong khi trả lời phóng viên Thời báo Hoàn Cầu cũng đã khẳng định, Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ nào để xác định “đường lưỡi bò” là đường biên giới quốc gia của mình.
Vì thế, ngay từ hồi cuối tháng 3-2014, phát biểu trước báo chí về cuộc tập trận hải quân Komodo ở vùng biển quanh tỉnh Riau bao gồm đảo Natuna với 17 nước tham gia gồm các quốc gia ASEAN và các đối tác của khối, Chuẩn đô đốc Amarullah Octavian, chủ nhiệm cuộc tập trận chung, đã không ngần ngại nói thẳng rằng: “Cuộc tập trận này tập trung vào năng lực cứu trợ thảm họa, nhưng chúng tôi cũng lưu ý về lập trường hung hăng của Chính phủ Trung Quốc thể hiện qua việc xâm nhập vùng biển Natuna”.
Từ đầu năm 2016 đến nay, quân đội Indonesia đã trở nên chủ động lên tiếng về việc bảo vệ chủ quyền quanh đảo Natuna. Một loạt các dự án hiện đại hóa căn cứ không quân và hải quân được triển khai, trong khi các chiến hạm và chiến đấu cơ hiện đại cũng được chuyển về những cơ sở này. Giới phân tích cho rằng, bất chấp Luật Biển quốc tế mà Trung Quốc đã ký kết, Bắc Kinh đã cho mình cái quyền tự phân định biên giới biển có lẽ không tương xứng với vai trò nước lớn là một trong 5 thành viên của thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.
Bắc Kinh hãy thể hiện là nước lớn có trách nhiệm
Ngay từ ngày 15-5-1996, khi Chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên tuyên bố đường lãnh hải theo “đường lưỡi bò” là đã vi phạm quy định của luật pháp quốc tế. Trung Quốc làm như vậy chỉ làm tổn hại tới uy tín quốc tế của chính mình, làm cản trở hoạt động bình thường của việc phân định biển. Trung Quốc là một nước lớn, lẽ ra cần phải nghiêm túc trong hành động”. Và mới đây, ông Lý Lệnh Hoa đã thẳng thắn yêu cầu “Chính phủ Trung Quốc cần phải nghiêm túc và lý tính đối mặt với kết quả mà Tòa trọng tài đã tuyên”.
Ông Lý khẳng định: “Phán quyết của tòa đã giúp thúc đẩy luật pháp quốc tế, nhất là luật quốc tế về đường biển, được phát triển và hoàn thiện hơn. Trong đó bao gồm cả việc phân định rõ ràng pháp lý về cả độ cao thấp của mực nước, hải đảo và rạn san hô dưới nước; về điều kiện phân định đường cơ sở lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và ranh giới thềm lục địa… chứ không phải là một “đường lịch sử” chiếm phần lớn Biển Đông” như Trung Quốc nêu ra.
Ông Ngô Kiến Dân, một nhà ngoại giao đã nghỉ hưu nhưng vẫn có ảnh hưởng nổi bật với tính ôn hòa trong giới hoạch định chính sách đối ngoại Trung Quốc. Ông Ngô từng là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CHND Trung Hoa tại Pháp, Hà Lan và LHQ. Sau đó ông về đảm nhiệm vai trò Giám đốc Học viện Ngoại giao Trung Quốc, là một cố vấn của Bộ Ngoại giao nước này sau khi nghỉ hưu.
Ông Ngô Kiến Dân từng có nhiều phát biểu liên quan đến vấn đề Biển Đông. Năm 2014, khi ông tham gia một cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình với La Viện, một nhà bình luận quân sự nổi tiếng “diều hâu” về việc liệu Trung Quốc có nên tiếp tục chính sách giấu mình chờ thời của Đặng Tiểu Bình hay không.
Ông Ngô nói: “Bất kỳ quốc gia nào khơi mào chiến tranh trong lúc đang hòa bình và phát triển sẽ phải trả giá. Trung Quốc không bao giờ nên làm điều này”. Trong cuốn sách mới nhất của ông xuất bản hồi tháng 4 năm ngoái, Ngô Kiến Dân tiếp tục nhắc lại tình trạng thiếu lòng tin giữa Trung Quốc với Mỹ và Nhật Bản, các nước láng giềng trong khu vực thì đặc biệt lo ngại, thậm chí lo sợ Trung Quốc, nhất là trong vấn đề “tranh chấp lãnh thổ” trên Biển Đông.
Ông Ngô Kiến Dân kêu gọi nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay nên tiếp tục thực hiện chủ trương của Đặng Tiểu Bình đối với vấn đề Biển Đông: “Gác tranh chấp, cùng khai thác”. Năm ngoái, nhà phân tích độc lập Bành Định Đỉnh cũng đã có bài bình luận trên Đài BBC tiếng Trung với tiêu đề “Giải quyết tranh chấp lãnh thổ, hàng hải trên Biển Đông thông qua bên thứ 3 tức là trọng tài quốc tế là biện pháp hợp pháp duy nhất”. Ông Bành cho rằng, tranh chấp trên Biển Đông là một vấn đề về Luật Biển, nên giải quyết bằng luật pháp, vì đây là hành vi cơ bản của thế giới văn minh.
Theo ông Bành, tranh chấp lãnh thổ, hàng hải không thể giải quyết dựa theo thực lực (sức mạnh), đó là cách làm của chủ nghĩa bá quyền, đó là tàn tích của lối “tư duy bộ lạc”. Vì thế, ông Bành Định Đỉnh ủng hộ giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua cơ quan tài phán quốc tế là chuẩn mực nhất.
Ông nói thêm: “Con người nên coi trọng lý lẽ, quốc gia càng nên coi trọng lý lẽ. Một khi Trung Quốc đã đặt bút ký phê chuẩn UNCLOS thì nên bình thản chấp nhận trọng tài. Đem tranh chấp này giao cho các luật sư, thẩm phán đi giải quyết. Vấn đề quan trọng là làm sao hạ nhiệt được cái đầu nóng của chủ nghĩa dân tộc, đó là rào cản lớn nhất của việc đưa vấn đề ra cơ quan tài phán”.
Ngay từ hồi tháng 7-2015, Tạp chí The Diplomat dẫn lời TS Ngô Thế Xuân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông (Trung Quốc) cũng cho rằng, Bắc Kinh không nên đơn phương tuyên bố thành lập khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông. Theo ông, đây là cách để Trung Quốc thể hiện sự kiềm chế và làm giảm căng thẳng tại Biển Đông.
Như vậy, trong xã hội Trung Quốc hiện đại, bên cạnh những người chủ trương bành trướng bất chấp luật pháp quốc tế, vẫn còn những người của lý trí thượng tôn pháp luật, đó là giới chức khoa học, những người coi trọng lương tri và đông đảo quần chúng nhân dân khi họ nhận được thông tin khách quan và trung thực. Vì thế, giới phân tích cho rằng, sớm hay muộn thì tiếng nói của công lý, lẽ phải, nhân phẩm, khoa học sẽ chiến thắng và tình hữu nghị, hòa bình, thịnh vượng sẽ đến với tất cả các nước, các dân tộc có chung một Biển Đông.