Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngÂm mưu thâm độc của TQ ở Biển Đông.

Âm mưu thâm độc của TQ ở Biển Đông.

Trung Quốc đang có kế hoạch sở hữu 6 tàu sân bay (2 chiếc CVN) để phục vụ âm mưu độc chiếm Biển Đông và bành trướng thế lực trên biển.

Trong kỳ trước với tiêu đề “Trung Quốc tham vọng đóng 6 tàu sân bay ‘nhái’ Liên Xô” chúng ta đã biết rằng Trung Quốc đang có kế hoạch từ nay đến năm 2025 sẽ chế tạo ít nhất 6 tàu sân bay, trong đó có 2 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân (CVN).

Bắc Kinh phát triển các tàu sân bay nội địa của mình dựa trên bản vẽ và tài liệu kỹ thuật của tàu sân bay hạt nhân chưa hoàn thiện, thuộc dự án 1143.7, lớp Ulyanovsk của Liên Xô. Chúng đã trở thành xương sống cho lực lượng hải quân Trung Quốc.

Giai đoạn đầu, dự án sẽ đóng 3 tàu sân bay chạy bằng động cơ thông thường (CV) để đánh giá khả năng tự đóng tàu sân bay của Trung Quốc và hoàn thiện các đặc tính kỹ thuật của tàu cũng như các công nghệ bổ trợ. Giai đoạn này sẽ kết thúc muộn nhất vào năm 2020.

Ở giai đoạn đầu, bốn tàu sân bay sử dụng động cơ thông thường đều được chế tạo theo nguyên mẫu tàu sân bay hạt nhân kiểu cầu bật, thuộc dự án 1143.7, lớp Ulyanovsk của Liên Xô, với tiêm kích hạm là Su-33, nhưng có thể sẽ được trợ phóng bằng máy phóng hơi nước.

Giai đoạn 2 được bắt đầu sau khi hoàn tất 3 chiếc CV, nước này sẽ tiếp tục đóng 2 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2025. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, chắc chắn dự án này không thể hoàn tất đúng hạn, bởi giai đoạn 1 mới thực hiện chưa được một nửa.

Hiện nay, chiếc thứ nhất mang mã số 001A đang được chế tạo ở Nhà máy đóng tàu Đại Liên, trong khi đó, tàu sân bay thứ hai mang mã số 002 với trọng tải tương đương, lên tới 61.351 tấn cũng đang được đóng tại Nhà máy đóng tàu Giang Nam trên đảo Trường Hưng – Thượng Hải.

Trung Quoc dong 6 tau san: Muu tham doc o Bien Dong?

Mô hình thiết kế tàu sân bay 001A do cư dân mạng Trung Quốc giả lập

Như vậy, kế hoạch chế tạo chiếc tàu sân bay quốc nội thứ 3 của Trung Quốc sẽ bị chậm lại, còn 2 tàu sân bay hạt nhân chắc chắn cũng không thể hoàn thành đúng thời hạn bởi thiết kế của chúng phức tạp hơn nhiều so với các tàu sân bay thông thường.

Các chuyên gia phân tích quân sự nhận định, tuy kế hoạch có bị chậm trễ những chắc chắn là Trung Quốc đủ khả năng thực hiện kế hoạch này. Ngoài tàu sân bay Liêu Ninh chuyên dụng để huấn luyện, cả 5 chiếc còn lại đều có khả năng tác chiến rất mạnh, đặc biệt là 2 chiếc CVN.

3 chiếc tàu sân bay thông thường mà nước này tự đóng có thể sẽ được trang bị 2 máy phóng hơi nước, giúp chúng có khả năng mang theo cả các máy bay cảnh báo sớm, tác chiến điện tử, thậm chí là cả máy bay tấn công không người lái (UCAV) trở thành một tàu sân bay đúng nghĩa của nó.

Sau khi hoàn tất chế tạo 3 tàu sân bay thông thường (CV), trong tương lai Bắc Kinh sẽ khởi đóng ít nhất là 2 tàu sân bay hạt nhân có lượng giãn nước lớn hơn, mang được nhiều máy bay hơn, số lượng máy phóng hơi nước cũng nhiều gấp đôi (4 chiếc) so với tàu sân bay thông thường.

Trung Quốc âm mưu gì khi xây dựng lực lượng tàu sân bay mạnh?

Các chuyên gia quân sự nhận định, sớm nhất là năm 2030, Bắc Kinh sẽ sở hữu 6 tàu sân bay, nâng sức mạnh của hải quân nước này lên một tầm cao mới. Vào thời điểm đó, lực lượng hải quân Trung Quốc có thể sẽ vượt Nga, vươn lên vị trí thứ 2 thế giới, không kém mấy so với Mỹ.

Về mặt ý nghĩa, việc hoàn thành đóng các tàu sân bay quốc nội sẽ giúp Trung Quốc trở thành một trong số ít nước làm chủ công nghệ chế tạo tàu sân bay, nâng cao vị thế của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sánh ngang với các cường quốc như Nga, Mỹ, Anh, Pháp…

Tuy nhiên, chỉ trong giai đoạn ngoài thập niên 20 của thế kỷ này, khi Trung Quốc hoàn tất 2-3 tàu sân bay thông thường thì khả năng tác chiến của hải quân nước này đã mạnh hơn so với hải quân Nhật Bản – Hàn Quốc và vượt trội so với các nước nhỏ ven bờ Biển Đông.

Nhìn từ góc độ quân sự, việc có thể kiểm soát được Biển Đông sẽ là cơ sở để hải quân Trung Quốc từng bước mở rộng phạm vi chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD – Anti access/Area denial) về các vùng biển phía Nam và phía Đông (tức Biển Đông và Biển Hoa Đông).

Nếu làm được như vậy, PLA có thể sử dụng hiệu quả hơn sức mạnh toàn diện của tàu ngầm và tàu mặt nước tiên tiến mà nước này sở hữu, sau đó, lực lượng không quân hạm sẽ hỗ trợ đắc lực cho hải quân bành trướng thế lực ra khỏi khu vực, sang Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Trung Quốc sẽ sử dụng tàu sân bay để lập và duy trì ADIZ trái phép trên Biển Đông

Xét trên Biển Đông, việc nước này nỗ lực xây dựng lực lượng tàu sân bay mạnh có ý nghĩa quyết định trong việc sử dụng lực lượng quân sự để gây áp lực trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, hỗ trợ lực lượng tàu Hải cảnh (Cảnh sát biển) khổng lồ để trấn áp các nước khác.

Việc Bắc Kinh nỗ lực bồi đắp các đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm và rạn san hô mà nước này đang kiểm soát phi pháp bằng vũ lực trên Biển Đông, sau đó xây dựng căn cứ quân sự để triển khai máy bay, tên lửa và các trang bị khác trên đó, có liên quan đến kịch bản này.

Với đội tàu sân bay mạnh, Bắc Kinh có thể sử dụng các tiêm kích hạm và lực lượng không quân bố trí tại các đảo chiếm đóng trái phép ở quân đào Hoàng Sa và Trường Sa, để thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông và bảo vệ, duy trì ADIZ trái phép đó.

Cục diện tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông trong tương lai sẽ rất khó khăn cho các nước nhỏ trên bờ Biển Đông, bởi khi đó, ngay cả lực lượng quân sự Mỹ đồn trú ở châu Á-Thái Bình Dương cũng không phải là đối thủ của lực lượng hải quân hùng mạnh của Trung Quốc.

Đây là kịch bản chắc chắn sẽ diễn ra trong tương lai, do đó các nước trên Biển Đông cần phải đoàn kết, phát huy nội lực kết hợp với huy động sức mạnh của cộng đồng quốc tế, chuẩn bị trước những phương án đối phó, để ngăn chặn âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới