Các giàn khoan dầu của Trung Quốc trên biển Hoa Đông nghi vấn được lắp radar quân sự ngụy trang đang tọa lạc tại vùng biển Hoa Đông tranh chấp.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 7/8 cho biết nước này đã trao công hàm phản đối Trung Quốc sau khi phát hiện Bắc Kinh lắp đặt radar tại một giàn khoan thăm dò dầu khí gần vùng biển tranh chấp ở biển Hoa Đông, chỉ cách quần đảo mà Tokyo gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư 150km.
Loại radar được lắp đặt vốn là radar quân sự, thường được trang bị cho tàu tuần tra và không liên quan đến việc khai thác, nghiên cứu dầu mỏ trên biển. Theo đó, trạm radar được phát hiện nằm dưới sân bay dành cho máy bay lên thẳng ở cấu trúc này.
Trong các hình ảnh hôm qua được Nhật Bản công bố trên website của Bộ Ngoại giao, một trong 16 cấu trúc dành để khai thác dầu khí của Trung Quốc được trang bị radar trên mặt nước và camera giám sát, Nikkei đưa tin.
Tokyo lo ngại bước đi trên có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có ý định dùng giàn khoan làm cơ sở quân sự. Hành động mờ ám này đã được thực hiện vào cuối tháng 6.
Ngày 5/8, đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh đã gửi đơn kiến nghị yêu cầu Trung Quốc giải thích hành vi trên.
Nhật Bản cũng từng đề nghị Trung Quốc tạm dừng việc xây dựng các giàn khoan dầu trên Biển Hoa Đông.
Theo Tokyo, đây là hành động đơn phương phá vỡ thỏa thuận năm 2008 về việc duy trì hợp tác khai thác tài nguyên tại vùng biển chưa có ranh giới trên biển chính thức giữa hai nước..
Trước đó, Tokyo hôm 6/8 một lần nữa phản đối Bắc Kinh khi tàu tuần duyên và khoảng 230 tàu cá Trung Quốc di chuyển đến gần vùng biển mà Nhật Bản xem là lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào khoảng 8 giờ sáng cùng ngày.
Số lượng các tàu đánh cá, trong đó xuất hiện các tàu hải cảnh, nhiều hơn so với những lần phát hiện trước đây, thậm chí là “nhiều chưa từng có” theo mô tả của hãng tin Kyodo. JCG cho biết thêm trong số tàu hải cảnh trên có một số tàu dường như được trang bị súng.
Trong một tuyên bố, Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại dương Kenji Kanasugi nhấn mạnh: “Đây là hành vi đơn phương làm gia tăng căng thẳng và động thái này không thể chấp nhận được”.
Vào ngày 5/8, sau khi tổng cộng 8 tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải Nhật Bản gần Senkaku/Điếu Ngư, Bộ Ngoại giao Nhật Bản triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa đến để bày tỏ phản đối mạnh mẽ việc các tàu Trung Quốc đi vào lãnh hải Nhật Bản.
“Nhật Bản không thể chấp nhận những hành động của tàu bảo vệ bờ biển dường như là đang theo sát các tàu đánh cá Trung Quốc” – một nguồn tin Bộ Ngoại giao giải thích.
Nhật Bản tố, trong số tàu hải cảnh đi cùng 230 tàu cá, có một số tàu dường như được trang bị súng. Ảnh: AP |
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, một tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải Nhật Bản tiếp theo sau sự xâm nhập trước đó của các tàu cá Trung Quốc vào vùng lãnh hải này vào khoảng 13h 30 phút ngày 5/8. Sau đó, tàu bảo vệ bờ biển này được xác nhận là đã đi quanh các tàu đánh cá.
Động thái mới nhất này làm gia tăng căng thẳng giữa 2 nước về vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Nó cũng diễn ra chưa đầy 1 tháng sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague – Hà Lan bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở biển Đông.