Theo ông Phạm Chí Cường, các nhà máy sản xuất ống gang dẻo của Việt Nam đã có rất nhiều tiến bộ về kỹ thuật và công nghệ.
Đường ống nước sông Đà giai đoạn 1 liên tục xảy ra sự cố.
Doanh nghiệp Việt có nhiều tiến bộ
Liên quan đến dự án đường ống nước sông Đà giai đoạn 2, nguồn tin từ Tổng công ty Vinaconex cho biết, Công ty cổ phần Nước sạch Viwasupco (chủ đầu tư dự án) đang hoàn tất các thủ tục để hủy việc chọn nhà thầu Trung Quốc trong gói thầu cung cấp ống gang dẻo và phụ kiện.
Trước đó, vào giữa tháng 3/2016, Công ty Xingxing ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) đã trúng gói thầu cung cấp ống gang dẻo và phụ kiện đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội với giá trúng thầu thấp hơn khoảng 11,8% so với giá gói thầu được phê duyệt.
Trước thông tin trên, trao đổi với chúng tôi ngày 8/8, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, đây chính là cơ hội để nhà thầu Việt Nam có thể thế chỗ nhà thầu Trung Quốc.
Theo đó, về ống gang dẻo, Việt Nam có rất nhiều tiến bộ về chất lượng, kỹ thuật, công nghệ, có thể sản xuất được những sản phẩm như của nhà thầu Trung Quốc. Việt Nam có nhiều nhà máy sản xuất ống gang lớn, chẳng hạn như ở Hải Phòng, vì thế, theo ông Phạm Chí Cường, nhân cơ hội này, nhà đầu tư dự án đường ống nước sông Đà 2 nên xem xét khả năng của doanh nghiệp Việt.
“Trước nay, ở Việt Nam có tình trạng chuộng nhà thầu ngoại hơn nhà thầu trong nước. Nguyên nhân trước hết là vì chủ đầu tư không tin tưởng nhà thầu trong nước. Căn bệnh này đã có từ lâu, khi kỹ thuật của Việt Nam còn thấp.
Trong đấu thầu, nếu chọn nhà thầu châu Âu thì có độ tin tưởng cao về kỹ thuật nhưng giá cả thường đắt, trong khi đó khi chọn thầu, ngoài chuyện kỹ thuật còn phải tính chuyện giá cả. Nhà thầu Trung Quốc hay thắng thầu là vì thế, vì phía Việt Nam ham rẻ và đằng sau đó có thể có lý do khác, nhưng cũng từ đó mà thường dẫn đến nhiều đổ vỡ sau này.
Hiện nay, chúng ta đã áp dụng rất nhiều tiến bộ kỹ thuật, mua thiết bị của nước ngoài, đặc biệt các thiết bị thử nghiệm để đảm bảo các tính năng, các nhà máy đúc Việt Nam đã trang bị các máy móc đo lường, thử nghiệm trên đường ống…, đảm bảo công nghệ sản xuất, kỹ thuật ổn định. Chính vì thế, tôi ủng hộ phương án tìm nhà thầu Việt Nam, người lao động vừa có công ăn việc làm vừa thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật của Việt Nam”, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép chỉ rõ.
Cũng theo ông Phạm Chí Cường, đầu tiên chủ đầu tư dự án đường ống nước sông Đà hãy cứ đặt hàng với doanh nghiệp Việt để xem khả năng của họ thế nào, nếu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật thì nên ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước. Ngược lại, sau những sự cố lần trước, nếu dự án có những yêu cầu đặc thù gì khác mà phía Việt Nam chưa nắm chắc hay chưa đáp ứng được thì hẵng nghĩ đến nhà thầu nước ngoài.
Đầu bài hóc búa
Trước đây, có 21 nhà thầu mua hồ sơ gói thầu cung cấp ống gang dẻo cho dự án nước sạch sông Đà giai đoạn 2, tuy nhiên sau đó 20 nhà thầu đã bị loại khỏi cuộc chơi, chỉ còn lại nhà thầu Trung Quốc Xinxing được chọn.
Nói về việc này, ông Phạm Chí Cường cho rằng, chủ đầu tư dự án đường ống nước sạch sông Đà đã đặt ra đầu bài quá hóc búa, đó là đòi hỏi đường kính ống gang dẻo lớn (1,8m).
“Điểm đặc biệt của dự án này là đòi hỏi kích thước đường ống lớn, còn xét về cường độ, độ chịu đựng áp lực nước…, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được. Dĩ nhiên việc yêu cầu đường kính ống gang dẻo lớn như thế là phải dựa trên tính toán lưu lượng nước cần cung cấp cho bao nhiêu hộ của nhà quy hoạch.
Nếu bây giờ chọn lại nhà thầu, chủ đầu tư có thể xem xét xem nhà thầu Việt Nam có đảm bảo sản xuất được đường ống kích thước lớn như vậy không. Nếu chúng ta chưa từng làm thì phải có thử nghiệm hoặc có chuyên gia tư vấn để đảm bảo an toàn. Trong trường hợp ống gang dẻo trong nước không đảm bảo được các điều kiện thì hãy bắt đầu nghĩ đến nhà thầu nước ngoài. Còn riêng công nghệ, kỹ thuật sản xuất ống gang dẻo của Việt Nam đã rất ổn định”, ông Phạm Chí Cường một lần nữa nhấn mạnh.