Tuesday, January 7, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBắc Kinh trong cơn ác mộng

Bắc Kinh trong cơn ác mộng

Ngày 7-8, Trung Quốc đã lần đầu tiên tổ chức diễn tập an ninh hạt nhân khẩn cấp nhằm thử nghiệm và nâng cao cơ chế phản ứng với những rắc rối về an ninh.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida

Đại diện của các cơ quan chính phủ, chính quyền địa phương và Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc đã giám sát cuộc diễn tập này. Cùng ngày 7-8, Hãng Thông tấn Yonhap dẫn thông tin từ Phủ Tổng thống Hàn Quốc, coi những phê phán trước đó của Bắc Kinh là bất hợp lý, và kêu gọi 6 nghị sĩ của đảng Minjoo đối lập xem xét lại kế hoạch thăm Trung Quốc (từ 8 đến 10-8) để thảo luận về việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc với Bắc Kinh. Bởi theo Thư ký của Tổng thống Hàn Quốc Kim Sung-woo, truyền thông Trung Quốc đang làm một việc ngược đời khi cáo buộc quyết định của Seoul về việc triển khai THAAD là nguyên nhân dẫn đến việc Bình Nhưỡng thực hiện liên tiếp nhiều vụ phóng tên lửa đạn đạo và các hành động khiêu khích quân sự khác.

Trước đó (4-8), Tổng thống Hàn Quốc Park Guen-hye cho biết, có thể xem xét lại việc thay đổi vị trí triển khai THAAD ở thị trấn Seongju, cách thủ đô Seoul 250km về phía đông nam. Bà Park Guen-hye muốn thẩm tra và đánh giá một cách chính xác, cẩn thận bất cứ địa điểm nào trong phạm vi thị trấn Seongju do người dân địa phương đề xuất nhằm giải tỏa nỗi lo lắng của người dân sống ở khu vực này.

Cùng ngày 4-8, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Seoul có thể chia sẻ thông tin với Tokyo về các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng có được từ radar của THAAD. Trước đó, Hàn Quốc từng phủ nhận khả năng chia sẻ thông tin với Nhật Bản. Giới bình luận cho biết, đang có khả năng hình thành liên minh quân sự Mỹ – Nhật – Hàn và nếu điều này trở thành sự thật sẽ là cơn ác mộng đối với Trung Quốc. Và việc này xuất hiện sau khi Hàn Quốc bóng gió rằng, có thể chia sẻ thông tin tình báo về tên lửa với Nhật Bản.

Hàn Quốc và Mỹ chọn thị trấn Seongju để triển khai THAAD bởi coi đây là địa điểm tối ưu và được Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước chấp thuận. 2 nước dự kiến muộn nhất là đến cuối năm 2017 sẽ triển khai THAAD tại Hàn Quốc để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa trên bán đảo Triều Tiên. Tại cuộc họp báo hôm 5-8, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se đã đề cập tới phản ứng của Trung Quốc liên quan tới quyết định triển khai THAAD tại nước này. Bởi mấy ngày qua, báo chí Trung Quốc đã phản ứng dữ dội về vấn đề này, thậm chí hô hào trả đũa.

Tờ Nhân Dân nhật báo không những chỉ trích (dành 10 trang), mà còn mở chiến dịch đánh động dư luận chống Hàn Quốc. Bởi cho rằng, Hàn Quốc chọn lựa địa điểm bố trí THAAD mà không tham khảo Trung Quốc là không hợp lý và rất khó tin. Trước đó (29-6), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình từng hối thúc Hàn Quốc lưu tâm tới mối quan ngại của Bắc Kinh về an ninh, khi định triển khai THAAD. Việc này diễn ra khi Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn thăm Bắc Kinh.

Và để đối phó với vấn đề này, Trung Quốc đã phát triển hệ thống phòng thủ mới. Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định, đang phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo mới nhằm đối phó với việc Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng cho rằng, quyết định triển khai THAAD của Hàn Quốc sẽ hủy hoại nền tảng niềm tin giữa hai nước. Bởi Trung Quốc lo ngại hệ thống radar của THAAD có thể theo dõi hoạt động quân sự của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Yun Byung-se khẳng định, THAAD được triển khai nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của Hàn Quốc, không ảnh hưởng tới các lợi ích an ninh của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố, Washington sẽ triển khai THAAD, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc. “Việc đó sẽ diễn ra bởi nó cần thiết và đó là vấn đề giữa Mỹ và Hàn Quốc”, ông Ashton Carter nhấn mạnh. Theo giới truyền thông, Mỹ có kế hoạch chi 640 triệu USD để mua thêm các khẩu đội tên lửa THAAD. Tạp chí Quốc phòng Mỹ còn dẫn lời Giám đốc Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ, Phó đô đốc James Syring cho biết, Lầu Năm Góc có kế hoạch mua sắm hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD trong 5 năm tới, với tổng số hơn 400 tên lửa.

Ông Sung Kim, đặc phái viên của Mỹ từng chia sẻ với báo giới, THAAD hoàn toàn đơn thuần là hệ thống phòng thủ tên lửa. Vì vậy, Trung Quốc và Nga không cần quan ngại về hệ thống này. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Rose Gottemoeller cũng từng tìm cách giải tỏa những quan ngại của Trung Quốc về THAAD. Theo bà Rose Gottemoeller, THAAD chỉ mang tính phòng thủ và không nhằm vào Trung Quốc. THAAD là hệ thống do Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) phát triển, được thiết kế để tiêu diệt tên lửa đạn đạo của đối phương ở bên trong hoặc bên ngoài khí quyển trái đất, trong giai đoạn bay cuối cùng trước khi tới mục tiêu.

RELATED ARTICLES

Tin mới