Thursday, December 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiVì sao Anh hoãn dự án nhà máy điện hạt nhân có...

Vì sao Anh hoãn dự án nhà máy điện hạt nhân có vốn đầu tư TQ?

Anh lo ngại sự có mặt của Trung Quốc có thể tạo lỗ hổng gây nguy hại đối với an ninh hạt nhân và an ninh quốc gia.

Khu vực dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân gây nhiều tranh cãi Hinkley Point. (Ảnh: AP)

Trong một bài viết trên tờ Financial Times, Đại sứ Trung Quốc tại Anh vừa lên tiếng kêu gọi Anh nên bật đèn xanh “càng sớm càng tốt” cho dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân gây nhiều tranh cãi Hinkley Point, đồng thời đe dọa quan hệ hai nước sẽ phải hứng chịu nhiều hậu quả nặng nề nếu điều ngược lại xảy ra.

Quyết định trước đó của Thủ tướng Anh Theresa May dừng phê chuẩn việc xây dựng nhà máy Hinkley Point, cho thấy sự lo ngại của Anh, cũng như nhiều nước trước các dự án có nhiều vốn đầu tư của Trung Quốc.

Trong bài viết, Đại sứ Trung Quốc tại Anh nhấn mạnh: “Hy vọng nước Anh sẽ giữ cánh cửa rộng mở cho Trung Quốc và chính phủ Anh sẽ tiếp tục ủng hộ dự án Hinkley Point và sẽ có một quyết định sớm nhất có thể để dự án được triển khai”.

Quyết định cuối tháng 7 của Thủ tướng Anh Theresa May gây nhiều bất ngờ khi cho dừng triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân trị giá 24 tỷ euro, trong đó có 1/3 tổng vốn đầu tư của Trung Quốc.

Báo chí Pháp đặc biệt quan tâm đến quyết định này của bà Theresa May do đây cũng là thất bại nặng nề đối với tập đoàn điện lực quốc gia của Pháp EDF; có thể dẫn đến thất bại lớn của Pháp trong việc quảng bá công nghệ tiên tiến của các lò phản ứng thế hệ ba EPR (lò phản ứng áp lực châu Âu). Được biết, tập đoàn EDF đã phải mất khoảng 3 tỷ euro đầu tư cho nghiên cứu tiền khả thi trong thời gian qua, nên phía Pháp cũng hoàn toàn không muốn Anh xóa sổ việc triển khai nhà máy.

Về nguyên nhân, nước Anh không nằm ngoài xu hướng chung của nhiều quốc gia muốn hạn chế bớt các dự án lớn liên quan đến an ninh chiến lược quốc gia, có vốn đầu tư của Trung Quốc. Tâm lý lo ngại và dè chừng đối với các nhà đầu tư Trung Quốc là quá rõ ràng, đặc biệt là tại các nước châu Âu.

Châu Âu hiện là thị trường hấp dẫn đối với nhà đầu tư Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, chiếm tới 20 % tổng đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài. Đi đầu là tại Italy, Pháp đứng thứ hai, sau đó là Đức và Anh.

Tại Pháp, vốn đầu tư của Trung Quốc có mặt trong nhiều dự án chiến lược gây nhiều tranh cãi và chia rẽ trong xã hội Pháp. Ví dụ như Trung Quốc có vốn đầu tư tại sân bay quân sự Blagnac tại Toulouse- lãnh địa của Airbus; các tập đoàn khách sạn lớn tại Pháp như Marriot nổi tiếng ở Champs Elysee; Câu lạc bộ nghỉ dưỡng Club Med, tập đoàn Louvre Hotels… đều có vốn đầu tư của Trung Quốc.

Trong vòng một năm, số vốn đầu tư của Trung Quốc vào Pháp tăng gần gấp 3 lần và trên quy mô châu Âu tặng từ 16 tỷ USD vào năm 2014 lên tới 20 tỷ USD vào năm 2015 và 54 tỷ USD chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016.

Sự e ngại và dè chừng đối với nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc là rõ ràng, đặc biệt là khi các nhà đầu tư Trung Quốc không giấu diếm tham vọng kiểm soát các tập đoàn lớn và mang ý nghĩa chiến lược đối với các quốc gia châu Âu, kể cả trong những lĩnh vực được coi là biểu tượng của các nước như lâu đài rượu vang ở Pháp hay các nhà sản xuất socola truyền thống tại Bỉ …

Riêng điện hạt nhân mang ý nghĩa an ninh và chiến lược lớn, do đó, dễ hiểu vì sao Anh lo ngại sự có mặt của Trung Quốc có thể tạo lỗ hổng gây nguy hại đối với an ninh hạt nhân và an ninh quốc gia của Anh. Trong khi đó, dự án này có ý nghĩa quan trọng với Trung Quốc, bởi nó sẽ mở cánh cửa cho ngành năng lượng hạt nhân Trung Quốc vào được phương Tây.

Căng thẳng hiện tại liên quan đến nhà máy Hinkley Point đang khiến quan hệ hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Anh – những tưởng đang trải qua “giai đoạn vàng” sau chuyến thăm Anh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 10/2015- gặp thách thức lớn.

Nhà nghiên cứu Kerry Brown tại viện nghiên cứu Chatham House thậm chí còn mỉa mai rằng đó là “giai đoạn vàng ngắn nhất trong lịch sử”.

Tiếp theo lời “đe dọa” từ phía Trung Quốc, mọi ánh mắt đang hướng về phía chính phủ mới tại Anh từ nay đến cuối tháng 9 tới sẽ đưa ra câu trả lời chính thức đối với dự án Hinkley Point.

Tân Thủ tướng Anh được xem là có chính sách ngược hẳn với chính quyền tiền nhiệm trong việc thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc. Cựu Bộ trưởng Công nghiệp dưới thời ông Cameron, Vince Cable tiết lộ rằng: “Chủ nhân mới của căn nhà số 10 Downing Street không hài lòng trước thái độ hào hứng mà chúng ta dành cho nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc”.

Sự đảo chiều trong ưu tiên chính sách kinh tế của bà Theresa May đang gây chia rẽ trong nội bộ Chính phủ Anh. Bộ trưởng thương mại Anh Jim O’Neil – người đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy hợp tác thương mại với Trung Quốc hôm 1/8 đã bỏ ngỏ khả năng từ chức và đưa thời hạn quyết định là vào tháng 9 – cùng thời điểm Thủ tướng Theresa May đưa ra chiến lược kinh tế rõ ràng.

RELATED ARTICLES

Tin mới